Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thanh niên Nhật cự tuyệt lời khẩn cầu của Thủ tướng Kishida?

Các biện pháp khuyến khích sinh sản của chính quyền Thủ tướng Kishida bị hoài nghi bởi được cho là không giải quyết gốc rễ các lo ngại của giới trẻ Nhật Bản.

nhat ban dan so anh 1

Thủ tướng Fumio Kishida không phải kiểu chính trị gia hay có những tuyên bố gây sốc. Nhưng gần đây, nhà lãnh đạo đã phải khẩn thiết cầu xin người Nhật: hoặc sinh con nhiều hơn, hoặc cả đất nước sẽ bị đẩy tới bờ vực mất khả năng duy trì các chức năng xã hội.

Phát biểu đáng chú ý của ông Kishida phản ánh cuộc khủng hoảng dân số trầm trọng mà Nhật Bản đang phải đối mặt sau nhiều năm tìm cách gia tăng tỷ lệ sinh nở nhưng thất bại.

Tiếp tục hỗ trợ tài chính

Trong bài phát biểu dài 45 phút trước quốc hội hôm 13/2, ông Kishida cho biết số trẻ em sinh ra tại Nhật Bản năm 2022 đã rơi xuống dưới 800.000, mức thấp nhất trong lịch sử từ khi được thống kê.

"Nhật Bản đang trên bờ vực định đoạt liệu chúng ta có thể tiếp tục vận hành các chức năng xã hội hay không. Xử lý tình trạng tỷ lệ sinh thấp không thể chờ đợi, không thể bị trì hoãn", ông Kishida nói.

Thông điệp mà Thủ tướng Kishida đưa ra rất cấp bách, nhưng người dân Nhật Bản dường như không mấy quan tâm.

nhat ban dan so anh 2

Thủ tướng Fumio Kishida. Ảnh: Reuters.

Ông Kishida không phải vị thủ tướng đầu tiên cáng đáng trọng trách đảo ngược tình trạng già hóa dân số. Những người tiền nhiệm của ông đến rồi đi, tất cả đều bó tay trước tỷ lệ sinh cứ ngày một suy giảm.

Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thế nhưng trái với Mỹ và Trung Quốc, trong hàng thập kỷ qua, quy mô dân số của đất nước Mặt Trời mọc ngày càng thu hẹp. Trong giai đoạn 2020-2021, dân số Nhật Bản giảm 644.000 người.

Dự đoán, từ nay tới 2065, dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 125 triệu xuống 88 triệu, tương đương mức giảm 30% trong 45 năm.

Tỷ lệ sinh của Nhật Bản hiện ở mức 1,3, tức mỗi phụ nữ Nhật trung bình sinh 1,3 con trong suốt cuộc đời. Để có dân số ổn định, một quốc gia phải duy trì tỷ lệ sinh ở mức 2,1.

Số người trên độ tuổi lao động, 65 tuổi, đang tiếp tục tăng cao, hiện chiếm tới 28% dân số.

Với hy vọng đảo ngược cuộc khủng hoảng dân số, chính phủ Nhật theo đuổi cách tiếp cận kép, một mặt phát động chiến dịch tuyên truyền khuyến khích kết hôn, mặt khác đưa ra hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng sinh con.

Từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Kishida tiếp tục theo đuổi các chính sách và thông điệp đã được những người tiền nhiệm phát đi. Có điều, giới trẻ Nhật Bản nhìn chung không bị thuyết phục.

Bài phát biểu tại quốc hội hôm 13/2 của ông Kishi vắng bóng những chính sách nhằm giải quyết các rào cản căn bản để tăng tỷ lệ sinh. Ông chỉ nói chung chung về "nền kinh tế xã hội với trẻ em là ưu tiên", cùng một cơ quan mới thành lập về các vấn đề trẻ em và gia đình.

Trong diễn biến mới nhất hôm 17/3, Thủ tướng Kishida thông báo về gói các biện pháp mới nhằm hỗ trợ các gia đình sinh thêm con. Ông cũng cảnh báo Nhật Bản chỉ còn 6-7 năm để hành động trước khi xu hướng giảm tỷ lệ sinh, dẫn tới già hóa dân số trở nên không thể đảo ngược.

Theo kế hoạch vừa được công bố, chính phủ Nhật sẽ tăng trợ cấp kinh tế cho trẻ em, tăng lương cho thanh niên và có các biện pháp nhằm giải quyết lo ngại của các gia đình về chi phí giáo dục.

Năm 2021, chỉ 14% nam giới có con mới sinh nghỉ thai sản. Thủ tướng Kishida cho biết chính phủ đặt mục tiêu 50% nam giới có con được nghỉ thai sản năm 2025, con số này sẽ tăng lên 80% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, ông Kishida cam kết sẽ có trợ cấp cho các công ty nhằm khuyến khích nghỉ thai sản, trợ cấp sẽ cao hơn nếu cả hai vợ chồng cùng nghỉ sinh.

"Như thế, các cặp đôi có thể chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con, trong khi tác động tới thu nhập và sự nghiệp của họ được hạn chế", ông Kishida nói.

Thủ tướng Kishida cho biết sẽ có biện pháp hỗ trợ các ông bố, bà mẹ đơn thân.

Hỗ trợ tiền là chưa đủ

Dù chính phủ Nhật Bản liên tiếp mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính, các chuyên gia tiếp tục hoài nghi về hiệu quả của những biện pháp này.

Thực tế, các nỗ lực trước đây nhằm khuyến khích người dân sinh thêm con không có nhiều tác động. Các chương trình trợ cấp thai sản, sinh con, chăm sóc trẻ em đều thất bại.

Một số chuyên gia cho rằng các chính sách của Tokyo đến nay chỉ nhắm vào các bậc cha mẹ đã sinh con, trong khi không giải được bài toán vì sao thanh niên ngần ngại xây dựng gia đình.

Theo khảo sát của Nippon Foundation, chỉ 16,5% người trong độ tuổi 17-19 tin rằng sẽ kết hôn, dù rằng số người muốn kết hôn thì lớn hơn nhiều.

nhat ban dan so anh 3

Nuôi con là gánh nặng với nhiều thanh niên Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

"Khi có con ở Nhật, người chồng sẽ tiếp tục đi làm, nhưng người vợ phần lớn phải nghỉ việc chăm con. Thật khó để nuôi dưỡng một đứa trẻ, về tài chính, tinh thần cũng như thể chất. Chính phủ nói sẽ có những hỗ trợ tốt hơn cho các gia đình sinh con, nhưng tôi không có nhiều niềm tin vào các chính trị gia", Nao Imai, một nữ sinh đại học, nói.

Theo Mainichi Shimbum, thanh niên Nhật Bản không phải tự nhiên mà có tâm lý chống đối kết hôn và sinh nở. Sự e ngại thường xuất hiện khi họ phải đối mặt những khó khăn về kinh tế.

"Nuôi dạy trẻ là gánh nặng lớn về kinh tế. Chi phí giáo dục cao, ví dụ phí luyện thi và học phí đại học, là lý do chính khiến người Nhật không có số trẻ lý tưởng. Trợ cấp có thể giúp các gia đình nuôi dưỡng trẻ, nhưng không giải quyết căn bản chênh lệch giữa chi phí và khả năng kinh tế của các gia đình", Mainichi Shimbum nhận định.

"Nếu tỷ lệ sinh thấp tiếp tục kéo dài, số người lao động trong tương lai sẽ tiếp tục giảm, xã hội chúng ta cuối cùng sẽ mất đi sinh lực. Nhưng bao nhiêu người sẽ muốn có con nếu các hỗ trợ tiền mặt chỉ đơn thuần là được mở rộng? Hiệu quả của biện pháp này là một câu hỏi", tờ báo Yomiuri Shimbun bình luận.

Tờ báo này đặt câu hỏi về hiệu quả thực sự của việc mở rộng các biện pháp hỗ trợ tiền thuần túy.

Trong khi công chúng Nhật sẽ phải chờ tới tháng 6 để biết chi tiết các biện pháp trong chính sách trẻ em và gia đình mới của Thủ tướng Kishida, một số thành viên đảng Dân chủ Tự do của ông lại gửi đi những thông điệp được cho là đáng lo ngại.

Tuần trước, cựu Thủ tướng Taro Aso đổ lỗi tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản do phụ nữ nước này kết hôn quá muộn, khiến việc sinh nở gặp khó khăn.

Cuốn sách thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách Khuyến học bàn về những yếu tố cơ bản khi xây dựng quốc gia hưng thịnh, về tinh thần học tập để quốc dân tự cường, dựa trên kinh nghiệm của người Nhật.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Nỗi lo của mẹ Việt khi sinh con tại Nhật

Người Việt ở Nhật cho biết dù chính phủ có nhiều ưu đãi khi sinh con và nuôi con tại Nhật Bản, với gia đình có mức thu nhập trung bình, họ vẫn có thể gặp áp lực lớn về tài chính.

Ngôi làng không có em bé nào chào đời suốt 25 năm ở Nhật

Trong suốt một phần tư thế kỷ, không có em bé nào chào đời ở Kawakami. Đây trở thành một lát cắt nhức nhối, phản ánh mức độ nghiêm trọng của “quả bom” khủng hoảng dân số ở Nhật.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm