Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ứng dụng này là một trò lừa đảo tinh vi, kéo theo một cuộc điều tra hình sự quy mô lớn. Ảnh: TRT Harber. |
Có tên là Farm Bank (hoặc Ngân hàng Çiftlik trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), ứng dụng này thoạt nhìn có vẻ vô hại. Người chơi có thể quản lý trang trại của riêng mình, nuôi bò, gà hay dê tùy thích. Tuy nhiên, điểm khác biệt của trò chơi này nằm ở tính năng kiếm lời giúp người dùng và trả bằng tiền thật.
Người đứng sau trò chơi nông trại này là Mehmet Aydın, công dân Thổ Nhĩ Kỳ và phát triển trò chơi này dành cho cộng đồng người chơi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Aydın và các đối tác kinh doanh đã nghĩ ra trò chơi này vào năm 2016, lấy cảm hứng từ game FarmVille nổi tiếng.
Người chơi sẽ mua gia súc ảo và thiết bị canh tác bằng tiền thật. Đổi lại, họ cũng có khả năng kiếm vàng miếng rồi đổi chúng lấy tiền thật và rút ra sử dụng.
YouTuber @fern-tv đã thử điều tra về game này. Nói với 1,64 triệu người đăng ký, người này cho biết thông qua ứng dụng “bạn có thể đầu tư tiền của mình vào các nhiệm vụ chăn nuôi ảo”.
Aydın hứa hẹn với người dùng rằng tiền của họ sẽ được đầu tư vào các trang trại chăn nuôi có thật trên khắp lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Sản phẩm cũng được bày bán tại một số cửa hàng và khu trưng bày để thu hút các nhà đầu tư.
Vào thời điểm đó, nền nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Vì thế, Farm Bank giúp người dân có cơ hội “giải cứu” ngành nông nghiệp của đất nước mình.
Tuy nhiên, không ai hay biết thật ra trò chơi này là một màn lừa đảo được đầu tư kỹ lưỡng. Hầu hết trang trại mà Aydın rêu rao với người dùng trên thực tế đều không hoạt động.
Các nhà phân tích ước tính khoảng 80.000 người đã đầu tư tiền vào trò chơi. Theo Ahval News, tựa game mobile nhận được hơn 120 triệu USD và trả khoảng 100 triệu USD cho 62.877 người dùng. Năm 2017, tổng số tiền được nạp vào game đạt mốc 250 triệu USD, nhưng người chơi bắt đầu gặp vấn đề khi rút tiền.
Người đàn ông lừa đảo hàng trăm triệu USD từ người chơi bằng trò chơi nông trại đơn giản trên smartphone. |
Theo YouTuber Fern, vào tháng 12/2017, chủ game Aydın bất ngờ bán cổ phần của mình trong công ty.
“Một tháng sau, Ngân hàng Çiftlik tuyên bố tạm ngưng nhận thêm người dùng mới và cũng ngừng trả lợi nhuận cho người dùng hiện tại”, Fern cho hay.
Đến tháng 3/2018, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ứng dụng này là một trò lừa đảo tinh vi, kéo theo một cuộc điều tra hình sự quy mô lớn.
Các nhà đầu tư giận dữ đã thành lập các nhóm Facebook để thảo luận về những diễn biến mới nhất và kiện tụng pháp lý có thể thực hiện. Một số người trong số họ cho biết đã phải vay tiền để chơi game.
Nhưng vụ bê bối từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một cuộc truy lùng toàn cầu sau khi Aydın trốn sang Uruguay cùng hàng triệu USD lừa đảo.
Theo Fern, anh ta “không hẳn là ẩn náu”. “Có người nhìn thấy anh ta đang lái chiếc Ferrari của mình”, YouTuber tiết lộ. Nhưng phải đến năm 2020, các nhà chức trách mới nghi ngờ anh ta đang trốn ở Brazil.
Năm 2021, Mehmet Aydın cuối cùng cũng bị bắt ở Sao Paulo, và dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà sáng lập bị tố lừa đảo game thủ. Ảnh: TRT Haber. |
Giờ đây, kẻ lừa đảo đang phải đối mặt với tổng cộng 89.000 năm tù.
Lúc trốn đi, Aydın mang theo 80,5 triệu USD. Nhưng khi trở về Istanbul, anh chỉ còn 13 USD trong ví.
Viết trong phần bình luận trên YouTube, một người xem dí dỏm nói: “Đúng là ‘nước trong quá thì không có cá, người tốt quá thì không có thật’”.
“Thật sự rất buồn khi biết về những câu chuyện lừa đảo vốn bắt đầu bằng một ý tưởng tuyệt vời. Nếu có ai đó thực sự có ý tốt, có đủ tiền để theo đuổi và làm theo cách này, họ sẽ thực sự có thể giúp ích được rất nhiều người”, trích một bình luận khác.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.