Người dân New Zealand đặt vòng hoa tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ xả súng vừa qua tại Christchurch. Ảnh: Gizmodo. |
Một thanh niên 18 tuổi vừa bị bắt giữ với tội danh phát tán video khủng bố và cổ suý hành vi bạo lực, sau khi chia sẻ video về vụ xả súng ở Christchurch, New Zealand hôm 15/3 vừa qua.
Người này đăng tải hình ảnh một trong 2 thánh đường Hồi Giáo bị tấn công với dòng chữ “đã đạt được mục tiêu”. Hiện thanh niên này phải đối mặt với án phạt lên đến 28 năm tù, theo nguồn tin từ Nine News Australia.
Vụ xả súng hôm 15/3 khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: Variety. |
Người này đã được giấu tên nhờ những quy định về bảo mật thân phận theo pháp luật. Dù không tham gia trực tiếp vào vụ khủng bố, anh ta vẫn bị bắt giữ với hai tội danh: phát tán video khủng bố và cổ suý hành động bạo lực.
Bên cạnh việc chia sẻ đoạn video bức ảnh đầy tính thù hận, tên này còn cố gắng kích động bạo lực qua những tin nhắn của mình. Hiện cảnh sát chưa tiết lộ nền tảng mạng xã hội mà tên này sử dụng, danh tính những người đã nhận được đoạn tin nhắn trên cũng chưa được xác định.
Thanh niên 18 tuổi đã từ chối mọi sự bảo lãnh tại phiên xử án hôm 18/3 vừa qua. Phiên toà tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 8/4 sắp tới.
Đoạn video khủng bố trên được livestream trên Facebook bởi tay súng 28 tuổi, rồi nhanh chóng lan rộng qua những nền tảng như YouTube và Twitter. Tên khủng bố đã ra tay giết 50 người và làm bị thương hàng chục người khác trong vụ xả súng tại hai thánh đường Hồi Giáo trong khu vực, trước khi bị cảnh sát bắt giữ.
Luật kiểm duyệt của New Zealand cho phép chính phủ vô hiệu hóa một số video, khiến công dân không thể xem và chia sẻ chúng. Trưởng ban kiểm duyệt, ông David Shanks, đã nhận định đoạn video dài 17 phút trên là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
“Chúng tôi lo sợ rằng sau vụ tấn công, đoạn video này bị phát tán rộng rãi trên mạng xã hội và nhiều người dân New Zealand sẽ xem thấy nó, mặc dù không hề mong muốn.” ông Shanks nói trong một phát biểu: “Điều quan trọng bây giờ là người dân cần biết họ không nên xem, tải về hoặc chia sẻ đoạn video ấy.”
Facebook từ chối trả lời báo chí khi nhận được câu hỏi về việc liệu họ có bị yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến những người chia sẻ video trên nền tảng của mình hay không.
Dựa trên một số báo cáo gần nhất, Facebook đã cung cấp một số lượng dữ liệu nhất định cho chính phủ New Zealand, đáp ứng 61% yêu cầu của nước này, gần bằng với con số 86% lượng thông tin được cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ.
New Zealand không phải quốc gia duy nhất ban hành lệnh cấm với một số video. Ấn Độ đã cấm một số video với nội dung chỉ trích chính trị trên các mạng xã hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 4 năm ngoái.