Sau khi một người đàn ông sử dụng Facebook để livestream cảnh anh ta tấn công 2 nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand, giết chết 49 người, video này nhanh chóng lan truyền trên YouTube.
Những kiểm duyệt viên đã nỗ lực để hạ hết những video kinh hoàng này xuống nhưng các video được copy rồi tải lên trở lại (re-upload) vẫn xuất hiện. Nó khiến các nhà quan sát tự hỏi: Vì sao YouTube có một công cụ tự động xác định nội dung có bản quyền, tại sao nó không thể tự động nhận dạng video này và xóa sạch nó.
Rào cản ở đâu?
Về cơ bản, video re-up sẽ bị cấm trên YouTube nhưng nó phải được gửi đến các kiểm duyệt viên để xem xét, theo The Verge. Một trong những lý do đưa ra là để đảm bảo những video mang ý nghĩa tin tức, sử dụng một phần tư liệu từ video gốc không bị xóa nhầm.
Vụ xả súng khiến 49 người chết ở New Zealand khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: AP. |
Với những sự kiện mang tính tin tức như vụ xả súng hôm 15/3, YouTube sử dụng một hệ thống tương tự công cụ xử lý bản quyền có tên gọi Content ID, nhưng cách vận hành không hoàn toàn tương đồng.
Nó tìm kiếm những phiên bản re-up của video gốc để lọc ra siêu dữ liệu và hình ảnh tương đồng. Nếu bản re-up không được chỉnh sửa, nó sẽ bị xóa ngay. Nếu đã qua chỉnh sửa, công cụ sẽ gắn cờ nó với nhóm điều hành, gồm cả nhân viên chính thức và cộng tác viên của YouTube. Những người này sẽ xác định xem video có vi phạm chính sách công ty hay không.
YouTube cũng có một hệ thống để loại bỏ ngay các nội dung khiêu dâm trẻ em và nội dung liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên, hệ thống đó không được áp dụng cho những trường hợp thế này.
YouTube nghiêm cấm các cảnh quay có thể gây sốc hoặc ghê tởm với người xem, bao gồm cả hậu quả của các vụ tấn công. Tuy nhiên, nếu nó được dùng cho mục đích cung cấp tin tức, YouTube cho rằng nó được phép, nhưng có thể giới hạn độ tuổi để bảo vệ người xem trẻ tuổi.
Một vấn đề khác là hệ thống Content ID không được phát triển để đối phó với các sự kiện tin tức nóng hổi. Rasty Turek - CEO của Pex, nền tảng phân tích video, nói với The Verge rằng vấn đề là cách sản phẩm được triển khai.
Turek nghiên cứu kỹ Content ID của YouTube và chỉ rằng phần mềm này phải mất 30 giây để đăng ký xem một video nào đó được re-up trước khi đưa để xem xét thủ công. Người phát ngôn của YouTube không khẳng định con số đó chính xác hay không.
YouTube chưa có một giải pháp hiệu quả để nhanh chóng xóa hết các video re-up liên quan đến các sự kiện thời sự như vụ xả súng ở New Zealand. |
“Họ không bao giờ có ý định làm một thứ gì đó cho các sự kiện này”, theo Turek. “Họ có thể rút kinh nghiệm từ các tình huống tương tự, nhưng vẫn phải mất vài tháng để thực hiện ngay cả khi CEO Susan Wojcicki đặt hàng nó ngay hôm nay.
Hoàn toàn chưa có giải pháp
Content ID của YouTube mất “vài phút, thậm chí vài giờ để đăng ký nội dung”, Turek nói. Nó có thể không phải vấn đề đối với các nội dung vi phạm bản quyền nhưng sẽ rất có vấn đề khi áp dụng vào các tình huống khẩn cấp.
Turek nói rằng áp lực phải làm nhiều, làm nhanh hơn đang gia tăng. “Sẽ không có hại gì cho xã hội khi một nội dung vi phạm bản quyền không được hạ ngay lập tức. Nhưng các nội dung có hại cho xã hội thì khác”.
Không ai trên thế giới này có thể khắc phục vấn đề livestream
Rasty Turek - CEO của nền tảng phân tích video Pex.
Rào cản lớn tiếp theo mà cả YouTube lẫn Turek đều đồng ý là bắt kịp các video livestream khi chúng diễn ra. Điều này gần như không thể, theo Turek, bởi vì nội dung trong các luồng phát trực tiếp liên tục thay đổi. Đó là lý do livestream là lĩnh vực rủi ro cao đối với YouTube.
“Bạn có thể đổ lỗi cho YouTube về nhiều thứ nhưng không ai trên hành tinh này có thể khắc phục vấn đề livestream ngay lúc này”.
Hiện tại, YouTube tập trung vào kết hợp tất cả video tương tự với siêu dữ liệu và hình ảnh của đoạn livestream gốc từ kẻ xả súng, từ đó quyết định xem video nào vi phạm nguyên tắc, video nào có thể giữ lại. Đó là tất cả những gì họ có thể làm hiện tại.
“Đây sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo”, Turek nói. “Một khi họ quyết định đây là ưu tiên và cung cấp nguồn nhân lực thích hợp, họ sẽ giải quyết được nó. Không nghi ngờ gì về điều đó”.