Ngày 15/3, một vụ xả súng xảy ra tại hai thánh đường Hồi giáo ở trung tâm và ngoại ô Christchurch, New Zealand đã cướp đi sinh mạng của 49 người, làm bị thương 20 người. Hành động khủng bố này không chỉ gây bàng hoàng vì số lượng người bị hại, mà còn ở cách mà thủ phạm sử dụng mạng xã hội để phát tán những hành động của mình.
Tay súng tự nhận là Brenton Tarrant đã phát trực tiếp cảnh bản thân tiến hành vụ xả súng tại thánh đường Al Noor. Hắn đã truyền trực tiếp video dài 17 phút với góc nhìn thứ nhất tương tự các tựa game bắn súng lên Facebook, đồng thời đăng một bản thông báo 87 trang trên Twitter trước vụ xả súng.
Đặc biệt, trước khi bước ra khỏi xe để đi vào nhà thờ, tên sát nhân đã kêu gọi mọi người "hãy đăng ký kênh của PewDiePie".
Quá trình thảm sát được livestream đầy đủ trên Facebook của sát thủ. Trước lúc bước ra khỏi xe, hung thủ kêu gọi mọi người đăng ký kênh YouTube PewDiePie. |
Sau thông tin trên, PewDiePie đã chia sẻ nỗi đau với nạn nhân và gia đình của họ trong một bài đăng trên Twitter. "Tôi vừa nhận được tin về vụ thảm sát tại Christchurch, New Zealand. Tôi cảm thấy hoàn toàn suy sụp khi tên mình được thốt ra từ miệng những kẻ sát nhân. Tâm trí tôi lúc này hướng đến các nạn nhân, gia đình họ và những người bị ảnh hưởng", PewDiePie tweet.
Mục đích của câu nói “hãy đăng ký cho PewDiePie”?
PewDiePie là một YouTuber người Thụy Điển, có tên thật là Felix Kjellberg. Hiện tại, tài khoản YouTube của anh sở hữu đạt 89 triệu người đăng ký. Kjellberg được biết đến qua những video có nội dung hài hước và các buổi phát game trực tuyến.
Theo Forbes, mỗi video của PewDiePie có thể thu về khoảng 450.000 USD từ việc kết hợp với các nhãn hàng quảng cáo. Năm 2018, Forbes ước tính PewDiePie đã kiếm được khoảng 15,5 triệu USD.
Theo The New York Times, cả đoạn video và thông điệp "hãy đăng ký kênh của PewDiePie" được tên khủng bố nhắc đến với mục đích gây sự chú ý. Tay súng này đã lợi dụng sự quan tâm của công chúng đến cuộc đua vị trí thống trị trên nền tảng YouTube.
Khẩu hiệu "hãy đăng ký kênh của PewDiePie" đã trở thành một hiện tượng trên YouTube trong năm 2018. Ảnh: Getty. |
Năm 2018, T-Series, một thương hiệu âm nhạc và công ty sản xuất phim ảnh có trụ sở tại Ấn Độ đã nổi lên như một mối đe dọa đối với vị trí dẫn đầu đang có của PewDiePie trên YouTube.
Một cuộc đua giữa PewDiePie và T-Series ngay lập tức nổ ra và nhiều YouTuber khác cũng tham gia. Điều này đã khiến khẩu hiệu "đăng ký cho kênh của PewDiePie" trở thành một hiện tượng.
Hàng loạt hành vi gây tranh cãi
Năm 2017, Disney và YouTube đã cắt đứt mối quan hệ với PewDiePie sau khi tờ WSJ phát hiện anh đã đăng ít nhất 9 video có nội dung bài xích người Do Thái.
Video có nội dung 2 người đàn ông cầm tấm biển: “Death To All Jews” được PewDiePie đăng tải. Ảnh: YouTube. |
Theo đó, một video đăng tải vào ngày 11/1 có hình ảnh 2 người đàn ông cầm tấm biển: “Death To All Jews” (tạm dịch: Cái chết cho tất cả người Do Thái). Video này bị cộng đồng mạng lên án dữ dội và bị gỡ xuống không lâu sau. Trong một lần khác, PewDiePie đã mặc quân phục màu nâu và gật đầu ủng hộ theo những thước phim có cảnh Hitler phát biểu.
“Tôi không có ý đồ hay mong muốn kích thích thái độ hận thù. Tôi nghĩ rằng những nội dung mà tôi tạo ra nhằm mục đích giải trí, kênh YouTube của tôi cũng không phải là nơi dành cho bất kỳ bình luận chính trị hay thù địch", PewDiePie đăng lời xin lỗi và giải thích cho các hành động của bản thân.
YouTube, Facebook không rút ra được bài học
Đây không phải lần đầu tiên một vụ giết người bị phát trực tiếp lên mạng. Năm 2015, một tay súng tại Virginia đã đăng tải video tội ác của mình lên Twitter và Facebook.
Sau vụ việc, cả hai nền tảng này đều không có sự thay đổi về hình thức phát tự động video, vốn được thiết kế để video được xem nhiều nhất, thu được nhiều tiền quảng cáo nhất.
Đó là lý do khiến cho vụ việc tại New Zealand tiếp tục được phát tán rộng rãi. Việc ngăn chặn một buổi phát trực tiếp thì khó hơn, nhưng đúng ra các mạng xã hội đã có thể ngăn chặn sự phát tán của các video về vụ việc này, cũng như việc chúng tự động phát mỗi khi người dùng kéo đến.
Nạn nhân của những vụ việc như thế này không chỉ là người trong cuộc, mà còn là hàng triệu người bắt gặp những video, hình ảnh trên mạng xã hội. Ảnh: AP. |
Vấn đề với những vụ khủng bố là giờ đây chúng ta phải lo tới những kênh truyền thông mới, bên cạnh những kênh truyền thống như TV hay báo chí. Khi người dùng ngày càng biết cách làm thế nào để gây chú ý trên mạng xã hội, những nền tảng nhiều người dùng nhất - Facebook, Twitter hay Google cần phải tìm ra cách để ngăn chặn phát tán những hình ảnh như thế này.
Nếu không, mạng xã hội sẽ tiếp tục bị sử dụng để truyền cảm hứng cho những vụ việc tương tự.