Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành ngữ và những câu chuyện văn hóa từ bao đời

Không chỉ là “túi khôn” đúc kết kinh nghiệm sống của ông cha từ bao đời, thành ngữ còn thể hiện sự đa dạng trong văn hóa và ngôn ngữ của người Việt.

Cùng ca dao và tục ngữ, thành ngữ góp phần tạo nên sự đa dạng, uyển chuyển, giàu nhịp điệu trong của lời ăn tiếng nói của người Việt.

Thành ngữ vốn ngắn gọn và hàm súc về mặt lượng từ, nhưng bên trong ẩn chưa bao ý nghĩa sâu xa, thâm thúy.

Kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế, cùng những phong tục tốt đẹp từ nghìn đời, được ông cha ta được gửi gắm trong đó.

Từ thuở nhỏ, chúng ta đã tiếp xúc thành ngữ qua việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Thế nhưng, ngay cả với người lớn, đôi khi cũng chưa hiểu một cách chuẩn xác và tường tận ý nghĩa của những câu thành ngữ tưởng chừng rất đơn giản ấy.

Thành ngữ bằng tranh là cuốn sách thú vị để cả phụ huynh và con trẻ có thể tìm hiểu ý nghĩa, cũng như nguồn gốc của nhiều câu thành ngữ quen thuộc.

Thanh ngu bang tranh anh 1

Sách Thành ngữ bằng tranh. Ảnh:NXB Kim Đồng.

Những bài học đầy uyên bác và hàm súc

Thành ngữ bằng tranh tập hợp hơn 300 câu thành ngữ dân gian, đa số được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày.

Ngoài ra, một vài thành ngữ dùng nhiều từ cổ, đến nay đã không còn được sử dụng thường xuyên, nhưng vẫn xuất hiện trong sách vở. Chúng ta vẫn có thể bắt gặp, nhưng chưa hiểu nghĩa một cách tường tận.

Do ảnh hưởng về văn hóa và lịch sử, thành ngữ Việt Nam có xuất hiện rất nhiều từ Hán Việt. Thậm chí, có câu thành ngữ được cấu thành hoàn toàn bằng các từ Hán Việt, khiến cho việc cắt nghĩa, hiểu nghĩa của câu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, vốn từ vựng chưa được phong phú, lại ít tiếp xúc từ Hán Việt.

“Vô hồi kì trận” là một ví dụ. Câu thành ngữ này vốn chỉ sự liên tục, không dứt của một sự việc nào đó. Nhưng các từ cấu thành nên nó đều là Hán Việt, người đọc khó cắt nghĩa. Đó cũng là lý do khiến câu thành ngữ này không còn được sử dụng rộng rãi nữa.

Từ ngữ luôn biến đổi qua các thời kỳ. Có nhiều từ cổ, thời xưa hay dùng, nhưng đến nay đã không còn sử dụng thường xuyên, khiến cho câu thành ngữ có chứa từ đó trở nên khó hiểu. Để nói về trường hợp này, chúng ta có câu “Mặt ngây cán tàn”.

“Tàn” ở đây chỉ một vật dụng gần giống cái lọng, dùng để che nắng. Ngày xưa, lính đứng hầu, cầm vật này che nắng cho vua, quan thường phải giữ nét mặt trang nghiêm, không được biểu lộ cảm xúc.

Cán của cái tàn phải giữ song song với mặt. Người đời xưa có ý so sánh “gương mặt” với cái “cán tàn”, nhưng chữ “như” đã được lược bỏ đi cho câu gọn hơn và có tính đối xứng nhau. Trường hợp bị lược liên từ so sánh này khá phổ biến trong thành ngữ Việt.

Thanh ngu bang tranh anh 2

Bạn đọc nhỏ tuổi sẽ bắt gặp nhiều thành ngữ quen thuộc. "Vinh quy bái tổ" là một trong số đó. Ảnh: Tranh Đông Hồ.

Thành ngữ - những điều quen mà lạ

Không chỉ gắn liền các hoạt động thường nhật, hay các hiện tượng tự nhiên, thành ngữ còn tồn tại song song điển tích, điển cố từ xa xưa.

Bởi vậy, có những câu thành ngữ quen thuộc, chúng ta vẫn thường dùng và hiểu rõ nghĩa của chúng, nhưng lại không biết vì sao người xưa nói như thế.

“Cưỡi ngựa xem hoa” là câu thành ngữ quen thuộc, chỉ người làm việc qua loa, đại khái cho xong. Câu nói này ban đầu gắn với điển tích liên quan việc khoa cử.

Xưa kia, người đỗ thứ hai trong kỳ thi đình gọi là Thám Hoa. Khi vào cung diện kiến nhà vua, Thám Hoa sẽ được cưỡi ngựa dạo quanh ngự hoa viên, chọn một bông hoa đẹp nhất.

Sau đó, thợ kim hoàn sẽ làm thành bông hoa vàng, theo hình dáng đóa hoa ấy, để Thám Hoa cài lên mũ. Vì thời gian có hạn, Thám Hoa chỉ ngắm hoa một cách qua loa, chứ không được lựa chọn kỹ.

Qua thời gian, cùng sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, nghĩa của các thành ngữ cũng vì thế mà thay đổi theo.

Câu “Con bồng, con bế” trước kia mang ý chỉ người phụ nữ nuôi nhiều con vất vả, nay lại mang ý mỉa mai người phụ nữ đẻ nhiều, con cái nheo nhóc.

Thanh ngu bang tranh anh 3
Phần minh họa trong cuốn sách rất sinh động, hấp dẫn. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Có thể xem Thành ngữ bằng tranh là cuốn từ điển thú vị. Ý nghĩa của các thành ngữ được giải thích một cách ngắn gọn, dễ hiểu, hàm súc nhưng vẫn rất đầy đủ.

Ngoài việc hiểu cặn kẽ ý nghĩa của câu thành ngữ được nói tới, độc giả nhỏ tuổi còn biết thêm nhiều kiến thức thú vị về văn hóa, lịch sử dân tộc. Từ đó, các em làm giàu thêm vốn từ của mình, cũng như học được cách sử dụng thành ngữ sao cho đúng ngữ cảnh.

Ngoài ra, cuốn sách này còn hấp dẫn bạn nhỏ bởi phần minh họa sinh động, thú vị, mang âm hưởng của văn hóa dân gian.

Những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa truyền thống như thư sinh, thầy đồ, áo bà ba được đưa vào sách một cách hài hước, dí dỏm.

Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp độc giả nhí tìm hiểu thành ngữ một cách đầy hào hứng với tinh thần: Học mà chơi, chơi mà học.

25 năm ‘Thư tình’ và câu chuyện về vị đạo diễn thích viết tiểu thuyết

"Thư tình" là câu chuyện về tuổi trẻ, ký ức lẫn thư từ giữa hai người phụ nữ xa lạ và bí mật về một "tình yêu sét đánh" những tưởng được chôn vùi theo người đã khuất.

‘Đẹp là một nỗi đau’ - ký ức sống dậy của xác chết sau 21 năm

Ngay khi bóng ma thức tỉnh, cả một dòng thác ký ức ập về đằng đẵng, ma mị, với đầy những nhấc nháo của thời đại.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm