Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản

Với việc được cấp chứng nhận lần này, quả thanh long là nông sản thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa công bố việc được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản.

Động thái trên được thực hiện sau gần 3 năm địa phương này nộp hồ sơ đăng ký và được Nhật Bản chấp nhận.

Cơ hội cho thanh long Bình Thuận

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ), việc thanh long Bình Thuận được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một dấu mốc quan trọng.

Theo ông, khi đưa được trái thanh long vào thị trường Nhật Bản, sẽ mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng nhận định rằng việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận đối với thị trường này.

“Sự kiện này sẽ góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm, triển vọng mới cho nông sản Việt Nam thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu sang các thị trường khác, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand...”, ông Trí nói.

xuat khau thanh long di Nhat Ban anh 1

Bộ Khoa học Công nghệ trao bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản cho Hiệp hội Thanh long Bình Thuận. Ảnh: A.Thanh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận Vũ Huy Hoàng, cho rằng sự kiện trên là một tín hiệu đáng mừng đối với người sản xuất và kinh doanh trái thanh long trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận khẳng định một khi sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chắc chắn được người tiêu dùng ở Nhật Bản tin tưởng gần như tuyệt đối. “Chất lượng được bảo đảm, giá bán sẽ cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản”, ông Hoàng cho biết.

Hiện, chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan…

Tại Bình Thuận, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thanh long, như: Thuận Tiến, Hòa Lệ, Hồng Sơn, Hàm Minh 30 cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, việc được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường này sẽ mở ra cơ hội rất lớn để thương hiệu thanh long Bình Thuận phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, đi đôi với cơ hội sẽ là thách thức không nhỏ đối với Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. "Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một bước tiến quan trọng nhưng việc phát huy tính bền vững của chỉ dẫn địa lý này lại quan trọng hơn", ông Phí nêu quan điểm.

Thách thức phát triển bền vững

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, để được cấp sản phẩm đạt chất lượng xuất đi Nhật, các nhà vườn phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt về mã số vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ thông tin báo cáo…

“Để có một sản phẩm đạt chuẩn, ngoài yếu tố quản lý của ngành chức năng bản thân người trong thanh long cũng phải ý thức, hợp tác chặt chẽ với nhau để hàng hóa phát triển bền vững” Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận khuyến cáo.

xuat khau thanh long di Nhat Ban anh 2

Quả thanh long Bình Thuận phải đảm bảo khắt khe nhiều yếu tố để được xuất sang Nhật Bản. Ảnh: An Bình.

Ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã giao Hiệp hội Thanh long Bình Thuận phổ biến, tuyên truyền cho hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật về chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản.

Ông Minh cũng mong muốn Hiệp hội Thanh long Bình Thuận phải giám sát quá trình sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của các hội viên thuộc hiệp hội, đảm bảo các hội viên thực hiện đúng theo quy chế quản lý quá trình sản xuất đã được đăng ký với Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF)”, ông Minh nói.

Giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp của Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch đạt 37 triệu USD, tương đương với gần 32.000 tấn thanh long tươi. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Á và các nước châu Âu.

Doanh nghiệp lo lâm nợ khi hàng hóa mắc kẹt ở cửa khẩu

Hàng nghìn container nông sản đang mắc kẹt tại các cửa khẩu chính quyền, doanh nghiệp lo lắng. Nguy cơ hàng hư hỏng, mất trắng vốn đầu tư có thể xảy ra.

Hàng loạt doanh nghiệp kêu khó với chủ tịch Khánh Hòa về đất đai

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ đang gặp khó với các vấn đề liên quan đến hợp đồng BT “đất ở không hình thành đơn vị ở”, định giá đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án...

Xuân Hoát - A. Thanh

Bạn có thể quan tâm