Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng loạt doanh nghiệp kêu khó với chủ tịch Khánh Hòa về đất đai

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ đang gặp khó với các vấn đề liên quan đến hợp đồng BT “đất ở không hình thành đơn vị ở”, định giá đất, gia hạn thời gian thực hiện dự án...

Đó là ý kiến của các doanh nghiệp tại buổi đối thoại với UBND tỉnh Khánh Hòa sáng 24/12.

Đón "đại bàng" nhưng đừng quên "chim sẻ"

Theo đại diện Hiệp hội bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa, địa phương đang điều chỉnh và lập quy hoạch mới nhưng chưa thấy quỹ đất cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

"Hiện, giá đất đã tăng gấp 10 lần so với giai đoạn dịch bệnh do nhiều yếu tố. Chúng tôi biết tỉnh Khánh Hòa đang ‘lót ổ đón đại bàng’ nhưng cũng nên lưu tâm đến những doanh nghiệp địa phương. Dù doanh nghiệp địa phương là ‘chim sẻ’ nhưng vì đây là những doanh nghiệp thực làm tại địa phương và có thể mở rộng quy mô để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân bản địa”, vị này nói.

Khanh Hoa sot dat ao anh 1

Nhiều dự án ở Bãi Dài vướng "đất ở không hình thành đơn vị ở" nên chậm triển khai. Ảnh: An Bình.

Còn đại diện Công ty TNHH Tâm Hương, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tài sản để triển khai các dự án tại tỉnh Khánh Hòa và đã bỏ tiền đền bù giải tỏa cho người dân để thực hiện dự án.

"Mới đây doanh nghiệp đã bị Sở Kế hoạch Đầu tư thu hồi 3 dự án mà không có lý do chính đáng, việc này ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của doanh nghiệp", người này nói.

Trả lời đại diện Công ty Tâm Hương, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, đề nghị doanh nghiệp cần có văn bản kiến nghị các vấn đề để lãnh đạo các sở ngành có báo cáo, tham mưu lãnh đạo tỉnh giải quyết.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, mong muốn tỉnh sớm giải quyết rốt ráo các vướng mắc về dự án của doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, hiện doanh nghiệp gặp khó với các dự án đã ký hợp đồng BT với UBND tỉnh Khánh Hòa vào năm 2017 tại Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh. Cụ thể, Công ty Hưng Thịnh đã triển khai và đã được hoàn thành nghiệm thu cả 2 dự án BT gồm: Dự án hệ thống thoát nước mưa và dự án tuyến đường nhánh khu vực này.

Cũng theo ông Dũng, theo Nghị định 69, những hợp đồng BT ký trước 1/1/2018 phải được Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư, và hai dự án nói trên đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện và đưa ra kết luận phù hợp quy định pháp luật, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đã có văn bản cho ý kiến đủ điều kiện thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho cả 2 dự án. Đặc biệt là toàn bộ cả 2 quỹ đất hoàn vốn này tại thời điểm ký hợp đồng BT đều là quỹ đất chưa được giải phóng mặt bằng và Hưng Thịnh đã ứng toàn bộ kinh phí để cơ quan thẩm quyền tiến hành chi trả bồi thường và các chi phí liên quan khác. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa được thanh toán giao quỹ đất hoàn vốn theo hợp đồng đã ký.

“Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho 2 dự án BT này nhưng chưa được giao quỹ đất hoàn vốn”, ông Dũng cho biết và đề nghị tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ việc thanh toán quỹ đất cho Tập Đoàn Hưng Thịnh vì hiện nay doanh nghiệp đang phải gánh chi phí tài chính trong suốt quá trình chờ đợi này.

Chưa hết, ông Dũng cho rằng Khánh Hòa đang cho dừng triển khai các dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở” để chuyển sang đất thương mại dịch vụ đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các nhà đầu tư thứ cấp.

“Các doanh nghiệp có ‘đất ở không hình thành đơn vị ở’ đã đóng tiền theo dạng đất ở, tức không có thời hạn. Nhưng nay chuyển về đất thương mại dịch vụ là lại có thời hạn. Chúng tôi không mong lấy lại tiền sử dụng đất nhưng tỉnh nên xem xét giải quyết thời hạn sử dụng đất tăng lên 70 năm để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp”, ông Dũng kiến nghị.

Tỉnh bị thanh, kiểm tra liên tục

Trả lời các doanh nghiệp, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết 2 dự án BT của Tập đoàn Hưng Thịnh đã đủ cơ sở thanh toán quỹ đất hoàn vốn và không cần phải xin ý kiến Thủ tướng. “Tuy nhiên, hiện Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng cần phải xin ý kiến Thủ tướng nên sở này đang rà soát các vấn đề để làm dự thảo gửi UBND tỉnh xin ý kiến Thủ tướng”, ông Nam lý giải.

Còn ông Vũ Chí Hiếu, Phó giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa, cho rằng đối với các dự án có ‘đất ở không hình thành đơn vị ở’ phải điều chỉnh lại thời gian, sở sẽ tiếp tục có văn bản tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết các vấn đề trên.

Khanh Hoa sot dat ao anh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: An Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, cho biết do dịch bệnh nên các doanh nghiệp gặp khó khăn. “Tỉnh luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động trên địa bàn”, ông Tuân nói.

Về các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đất đai, người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian qua tỉnh bị quá nhiều cuộc thanh, kiểm tra của Trung ương và vướng mắc về thẩm định giá đất các dự án.

“Với các khó khăn doanh nghiệp kiến nghị, tôi yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp thu ngay, sau đó tham mưu cho tỉnh giải quyết từng cái một. Cái nào thuộc thẩm quyền, tỉnh sẽ căn cứ các quy định giải quyết, tháo gỡ; cái nào vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị lên cấp trên để tháo gỡ”, ông Tuân nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút 19 dự án ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 3.272,5 tỷ đồng.

Kết quả tổng số thu nội địa nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tính đến 30/11 là 10.785 tỷ đồng, đạt 93,7% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 104,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, khu vực Nhà nước là 3.199 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,67%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 990 tỷ, chiếm tỷ trọng 9,18%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là 2.466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,87% tổng số nộp ngân sách do ngành thuế quản lý.

Nha Trang sẽ có cầu vượt biển

Thủ tướng cho phép xây dựng cầu Hòn Rớ, nối từ đường Trần Phú với đại lộ Nguyễn Tất Thành. Cầu sẽ tạo thành con đường ven biển liên tục chạy từ sân bay Cam Ranh về TP Nha Trang.

Doanh nghiệp lo lâm nợ khi hàng hóa mắc kẹt ở cửa khẩu

Hàng nghìn container nông sản đang mắc kẹt tại các cửa khẩu chính quyền, doanh nghiệp lo lắng. Nguy cơ hàng hư hỏng, mất trắng vốn đầu tư có thể xảy ra.

Xuân Hoát

Bạn có thể quan tâm