Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành Lộc: 'Hoàn cảnh nào cũng có nghịch lý'

"Nghệ sĩ thời xưa sống trong ảo vọng nhiều, Còn các bạn trẻ, họ tình táo hơn, họ biết tích lũy để nuôi bản thân khi hết thời", nam nghệ sĩ chia sẻ.

Nhắc đến NSƯT Thành Lộc, khán giả gọi anh là “cây đại thụ” trong nền nghệ thuật Việt. Với truyền thông, anh được xem là “"phù thủy của những vai diễn”. Với nhiều đồng nghiệp, Thành Lộc ở khía cạnh nào đó được xem như đầu tàu trong làng kịch nghệ. Trong mắt đàn em, anh là một tượng đài, là niềm mơ ước…

Còn với bản thân, anh đơn giản tự nhân mình chỉ là một người bình thường. Ở tuổi 53, khi đã nếm đủ những cung bậc của cuộc sống,  Thành Lộc của hiện tại sống nhẹ nhàng, thoải mái và đang cố gắng tận hưởng niềm vui của vũ trụ. Những quan điểm, suy nghĩ về sự bất công trong nghề cũng thật khác qua cái nhìn của người nghệ sĩ này.

f
Thành Lộc của hiện tại sống nhẹ nhàng, thoải mái và đang cố gắng tận hưởng niềm vui của vũ trụ.

Nghệ sĩ ngày nay tỉnh táo hơn thế hệ trước

Bàn về cái khổ, về nỗi cô đơn, Thành Lộc cho biết anh chưa bao giờ có quan niệm "Cười trên sân khấu, khóc sau cánh gà” – điều mà người ta vẫn thường gán ghép cho giới nghệ thuật.

Anh nói: “Tôi chưa bao giờ than vãn về sự bất công, nỗi cô đơn hay cái giá phải trả gì cả. Vì tôi nghĩ đơn giản điều gì cũng có quy luật của nó, vấn đề nào cũng có hai mặt, muốn được cái này phải bỏ ra cái kia. Nghề nào cũng có sự cô đơn chứ không riêng gì nghệ sĩ, cô đơn là căn bệnh của con người mà ai cũng phải trải qua. Chỉ có điều nghệ sĩ là người nhạy cảm, nên nỗi cô đơn của họ dễ bị phát hiện và làm quá lên nhiều lần, chứ chẳng có gì quan trọng cả”.

Thành Lộc nói thêm: “Ở khía cạnh nào đó, người làm nghệ thuật mà có được sự cô đơn, đó là một phần thưởng lớn cho họ, vì có cảm nhận được nỗi đau của con người thì mới có thể thăng hoa trong nghiệp diễn”.

f
"Người làm nghệ thuật mà có được sự cô đơn, đó là một phần thưởng lớn cho họ".

Thời gian gần đây, khán giả không khỏi xót xa khi chứng kiến hình ảnh những ngôi sao, minh tinh một thời, khi về già phải đối mặt với sự hiu quạnh, cô đơn, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Từ đây, những câu hỏi về sự bạc bẽo, bất công của cái nghề làm dâu trăm họ này liên tục được đặt ra. Trao đổi với Thành Lộc về vấn đề này, anh cũng chọn cho mình một góc nhìn khác.

“Khi lao vào bất cứ cuộc chơi nào, chúng ta đều phải hiểu rõ luật của nó. Nếu chơi đúng luật thì sẽ an toàn, muốn chơi lâu dài thì phải chơi cho tử tế. Ở giới giải trí còn nhiều điều tinh tế hơn nữa.

Chuyện người nghệ sĩ sau khi rút lui và không có gì để đảm bảo đời sống kinh tế là do họ chứ không thể đổ thừa cho ai cả. Tôi không thích ai nói cuộc đời hay nghề này bạc bẽo, làm gì cũng phải tỉnh và biết tính cho tương lai của mình. Còn nếu hỏi vì sao có những người tài năng, có cống hiến nhưng xã hội không ưu đãi, thì nên hỏi xã hội và để xã hội tự trả lời. Tôi rất khó trả lời câu hỏi này, nhưng tôi nghĩ bất cứ hoàn cảnh nào của xã hội cũng có nghịch lý của nó cả”, anh thẳng thắn chia sẻ.

Thành Lộc tâm sự thêm: “Nghệ sĩ ngày nay khác thế hệ trước nhiều lắm. Người làm nghệ thuật ngày xưa, họ sống trong ảo vọng nhiều nên ít khi nghĩ đến tương lai. Còn các bạn trẻ, tôi nghĩ họ tình táo hơn, họ biết tích lũy để có cái nuôi bản thân khi hết thời”.

Cuộc sống không bao giờ là đúng và đủ như quy luật vốn dĩ của nó, nhưng Thành Lộc hiện tại đang sống rất thoải mái vừa vặn và vun đầy: “Tôi đã 53 tuổi và trải qua gần hết những hỉ nộ ái ố của cuộc đời rồi. Giờ tôi đang tận hưởng cả vũ trụ từng giây từng phút và biết trân trọng tất cả những giá trị mà cuộc sống mang lại. Trong đó có cả nỗi buồn, vì chính nó đã mang đến một Thành Lộc của ngày hôm nay. Tôi không chọn cách sống bi lụy, mà sàng lọc niềm vui để tận hưởng”.

Tôi không có học trò hay chính thức nhận dạy ai

Cuộc đời của Thành Lộc gắn liền với nghệ thuật. Hơn 50 năm tuổi đời, cũng từng ấy năm anh được đứng trước ánh đèn từ những buổi diễn của gia đình cho đến khi đủ lông đủ cánh, tự tung bay khắp các sân khấu lớn nhỏ. Tưởng chừng ở giai đoạn này, nam nghệ sĩ đang tìm cho mình một học trò để nối dõi, truyền kinh nghiệm như nhiều người thường làm. Nhưng một lần nữa, anh lại chon một hướng đi riêng.

Anh nói: “Tôi không có học trò hay chính thức nhận dạy ai. Trong quá trình làm việc chung với nhau, đặc biệt với vai trò chỉ đạo nghệ thuật hay đạo diễn một vở, tôi luôn có ý thức kết hợp lồng ghép những bài học diễn xuất cho các bạn trẻ. Nếu ý thức và tinh tế nhận ra điều này, đây sẽ là lúc để các em có thể học hỏi. Bản thân tôi khi làm việc chung với các tiền bối cũng tranh thủ trao dồi thêm những kinh nghiệm. Ngược lại, tôi cũng học ở các bạn trẻ nhiều mảng miếng, nhiều sáng tạo. Quan sát và tiếp thu - đó là cái khôn của một người diễn viên”.

NSƯT Thành Lộc trong vở 12 bà mụ trên sân khấu Idecaf.
NSƯT Thành Lộc trong vở 12 bà mụ trên sân khấu Idecaf.

Đảm nhận chức vụ giám đốc của sân khấu kịch Idecaf (TP.HCM), Thành Lộc thẳng thắn thừa nhận việc nhiều nghệ sĩ kịch, trong đó chính bản thân cũng đã và đang lấn sân sang phim ảnh như một hướng rẽ mới. Nhưng theo anh, điều này không hẳn là bất hợp lý hay mất mát của giới kịch.

Anh nói: “Không phải dân kịch đổ đi phim, mà tôi nghĩ phim đang đổ xô đi tìm họ thì đúng hơn, vì đơn giản là họ có tài. Tại sao mà phim không đi tìm những minh tinh khác, mà cứ phải nhờ đến dân kịch? Không riêng tại Việt Nam, ở Hollywood, 80% diễn viên gạo cội đều xuất thân từ những nhà hát kịch. Hai lĩnh vực này có những đặc tính giống nhau, nhưng cũng có những điểm cực kỳ dị biệt. Nên với những nghệ sĩ thành công ở cả hai lĩnh vực, đó là do họ biết điều tiết, có sự thông minh và tài năng”.

Hỏi Thành Lộc về những những khát khao cá nhân, nhưng anh ngay lập tức từ chối chỉ bởi một lý do duy nhất, thời điểm này cả trái tim và tâm huyết của anh đã dành sân khấu Idecaf - nơi nuôi sống niềm đam mê nghệ thuật và cả cuộc sống của nhiều anh em. Nếu có thể biến ước muốn thành sự thật thì một sân khấu đàng hoàng, tử tế với anh chính là món quà quý giá nhất.

“Hiện tại, mặt bằng Idecaf  vẫn đang là thuê mướn nên vất vả nhiều thứ lắm, chật hẹp và lạc hậu vô cùng.  Nên tôi nếu có một niềm khao khát, chỉ dám ước muốn có 1 nhà hát được xây lên và thật sự đó là của mình”.

Phủ nhận những nghịch lý của nghiệp diễn kịch, nhưng với Thành Lộc, vẫn còn đâu đó những “bất công” mà anh và các đồng nghiệp vẫn đang tự mày mò tìm câu trả lời.

“Hễ đi đóng thuế thu nhập cá nhân thì nghệ sĩ kịch phải đóng 100%, không được khấu trừ  bất cứ một khoản nào cả. Trong khi đó, với ca sĩ, nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ sân khấu truyền thống, xiếc… bao giờ cũng được trừ tiền tai nạn lao động, tiền trang phục, son phấn… Ngay từ khi có luật này, chúng tôi đã thắc mắc rất nhiều nhưng chưa bao giờ được trả lời xác đáng. Cát-xê của diễn viên kịch không cao như khi đi phim, lao động trực tiếp trên sân khấu cho đêm là 3 tiếng liền, tiền vé cho mỗi vở cũng không cao… Nhưng để giải thích những nghịch lý này phải có rất nhiều người cùng ngồi lại, chứ không riêng tôi hay bất cứ cá nhân nào”.

Phương Giang

Bạn có thể quan tâm