Theo đó, tổ công tác đặc biệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm tổ trưởng; Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh làm tổ phó.
Tổ công tác đặc biệt còn gồm có Vụ Tổng hợp, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Ủy ban, Trung tâm Thông tin.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Định kỳ hàng tháng và khi cần thiết, tổ công tác đặc biệt kịp thời tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 19 tập đoàn, tổng công ty, đề xuất Ủy ban, chủ tịch Ủy ban phương án giải quyết vấn đề phát sinh, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tổ công tác sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”. Ảnh: Nam Khánh. |
Chủ tịch Ủy ban giao Vụ Tổng hợp là đơn vị thường trực của tổ công tác, có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các thành viên tổ công tác tham mưu giúp tổ trưởng, tổ phó triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của tổ công tác.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thuộc phạm vi quản lý, nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2021.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để triển khai có kết quả cho giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, Vietnam Airlines đã ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần quý II vẫn tăng 9% lên gần 6.537 tỷ đồng, các chi phí cố định lớn khiến doanh nghiệp bị lỗ gộp hơn 3.497 tỷ, cao hơn mức lỗ 2.865 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Kết quả, hãng hàng không quốc gia tiếp tục báo lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 4.449 tỷ đồng trong quý II, xấp xỉ mức thua lỗ kỷ lục trong quý đầu năm.
Trong khi đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) ghi nhận 3.428 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay, thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm ròng hơn 1.200 tỷ trong chỉ tiêu doanh thu 6 tháng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng chỉ còn 1.200 tỷ.