Ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc thường trực Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng, dẫn kết quả thăm dò của Edelman (Mỹ) cho hay, 93% doanh nghiệp (DN) và 96% người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ TPP.
Lãnh đạo các DN đều tin tưởng hiệp định này sẽ giúp mang lại lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, có 80% DN trong nước khi được hỏi đều thiếu kiến thức về hội nhập.
Rất ít DN, chủ yếu là DN vừa và nhỏ trong nước tự tìm hiểu, nghiên cứu về TPP, để điều chỉnh công việc kinh doanh.
"Lãnh đạo các DN này không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước, khi TPP thành hiện thực", ông Diễn cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics vận chuyển và thương mại để thúc đẩy năng suất và củng cố khả năng cạnh tranh. |
Tại Hội thảo Hiệp định TPP: Tác động về thu hút đầu tư và phát triển thương mại đối với địa phương và doanh nghiệp (DN), tổ chức ở Đà Nẵng ngày 4/10, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận, với vai trò hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, song năng lực sản xuất kinh doanh của các DN Đà Nẵng chưa phát triển.
Theo ông Viết, sự yếu kém này sẽ dẫn đến các DN vừa và nhỏ trong nước khó tạo ra lợi thế cạnh tranh so với DN các nước thành viên TPP.
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam, nhấn mạnh lợi ích then chốt của TPP đối với Việt Nam, là kết nối mạnh hơn với chuỗi cung ứng quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với Việt Nam khi DN FDI chiếm tới 70% hàng hóa xuất khẩu.
Ông Herb Cochran cũng cho rằng, DN Việt Nam cần năng động, cải thiện nhiều hơn để trở thành nhà cung cấp đạt “chuẩn” cho thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu. Các địa phương phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics vận chuyển và thương mại, để thúc đẩy năng suất và củng cố khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, DN và người dân tham gia tích cực hơn trong cải cách thể chế, nhất là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục.
Ông Nestor Scherbey, Chủ tịch Ủy ban thuận lợi hóa thương mại và hải quan (AmCham Vietnam) tại Đà Nẵng, cho rằng, các địa phương phải đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại.
"Việc đổi mới và cải tiến trong quy trình thương mại rất cần thiết, đặc biệt là cần có chuyển biến nhanh hơn về thủ tục xuất nhập khẩu, góp phần giảm chi phí mậu dịch sau khi tham gia TPP", ông Nestor Scherbey, nói.
Theo vị này, Việt Nam nên xem xét thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại TP Đà Nẵng. "Khu thương mại tự do sẽ thúc đẩy đầu tư sản xuất, vì thuế nhập khẩu các linh kiện thiết bị, vật tư, máy móc sẽ được bãi bỏ.
Các gánh nặng trong thủ tục hành chính cũng như yêu cầu giám sát chuyên ngành được giảm thiểu", ông Nestor Scherbey cho hay.