Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, phụ nữ làm kinh doanh thì mỗi thời điểm đều có những khó khăn và cơ hội riêng. Song ở thời điểm nào, chị em cũng cần sự chia sẻ, cảm thông từ gia đình, xã hội.
- Theo bà, ở Việt Nam, phụ nữ đi làm kinh doanh sẽ gặp những khó khăn gì hơn so với nam giới?
- Đương nhiên là khó khăn hơn, vất vả hơn. Phụ nữ phải lo tròn 3 vai: làm vợ, làm mẹ, lo kiếm tiền. Với nữ doanh nhân, nếu thiên về công việc ở công ty, lo cho nhân viên thôi thì sẽ mất sự cân bằng, cân đối trong gia đình, dẫn đến hậu quả không tốt cho hạnh phúc gia đình của chính mình. Nếu làm hết vai trò mà thiếu sự chia sẻ thì chị em phải gánh rất nặng. Bởi vậy chị em phải tạo sự cân bằng cho mình, có một sức mạnh, nội lực từ bên trong, để mình không thấy quá căng thẳng.
Cũng có khi căng thẳng, thiệt thòi còn do chúng ta tạo ra nữa. Bởi vậy mà chị em phải biết cân bằng giữa gia đình với công việc, phân chia thời gian rạch ròi giữa việc chung và riêng.
"Phụ nữ đi kinh doanh thì thời điểm nào cũng có những thuận lợi, khó khăn riêng". Ảnh: Hải An. |
- Bà nhận định như thế nào về đội ngũ doanh nhân nữ hiện nay?
- Điều thấy rõ ở các doanh nhân nữ hiện nay là họ năng động, tự tin. Cộng đồng doanh nhân nữ hiện nay so với lớp mở đường, tôi thấy họ trẻ hóa, đây là điều rất tốt. Ngày càng có nhiều chị em doanh nhân nữ thành đạt khi tuổi đời rất trẻ, một số không ít từ khu vực tư nhân và khởi nghiệp, điều đó nói lên sự năng động của tuổi trẻ. Rõ ràng chúng ta thấy chị em ngày càng tự tin và hội nhập.
Song theo tôi, chị em không nên tự mãn, phải biết nhìn lại, xem mình thiếu kinh nghiệm những gì, học hỏi ra sao, để tạo cho mình một nội lực phát triển bền vững. Có một nội lực bền vững mới vượt qua được những thử thách sắp tới, nhất là khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn và thị trường cũng phức tạp hơn.
Như kinh doanh trong TPP, những vấn đề liên quan đến bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, luật cạnh tranh… đòi hỏi chị em không chỉ có kiến thức mà còn phải có kinh nghiệm. Những chị em chưa có kinh nghiệm cần phải chịu khó học hỏi, tìm hiểu thực tế, rèn luyện thêm kỹ năng.
Với tôi, thông minh và năng động, tự tin thôi sẽ không đủ. Trong bối cảnh mới này, chị em phải học tập nhiều hơn. Mỗi người sẽ tìm đối tượng học hỏi khác nhau, nhưng trên tinh thần là trẻ càng phải học, học ở bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ đâu…
"Chị em đừng thấy mình có trình độ, năng lực, ngoại ngữ giỏi, tin học tốt, bản thân có điều kiện thì tự mãn. Theo tôi, muốn phát triển bền vững là phải đi vào chiều sâu. Chị em phải tạo cho mình cái thế, lực, để sánh vai được với các doanh nghiệp lớn nước ngoài. Không đơn giản chỉ có nhan sắc, sự thanh lịch, ăn mặc đẹp, giỏi, tự tin, mà phải có kiến thức chuyên sâu, học kinh nghiệm từ chị em doanh nhân thế hệ trước thì mới đủ lực cạnh tranh, hội nhập", bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.
- Nhưng nếu so với lớp doanh nhân mở đường, lứa của những người thành đạt như bà Mai Kiều Liên, Cao Ngọc Dung, các doanh nhân trẻ hiện nay dường như chưa thật sự tạo được dấu ấn. Có phải bóng người đi trước quá cao?
- Tôi nghĩ là không cao gì cả. Phụ nữ đi ra ngoài làm kinh tế thì thời nào cũng có những vất vả, thuận lợi hết. Những chị em đi trước, họ là những người mở đường. Đã là người đi đầu thì phải gian nan. Những thành tựu mà họ đạt được trong điều kiện khó khăn hơn nhiều, bởi họ chưa được đào tạo bài bản, chưa có sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ…. Chưa kể định kiến của nam giới với phụ nữ ra ngoài kinh doanh thời trước vẫn gay gắt lắm.
Cho nên, theo một nghĩa nào đó, phải thừa nhận rằng, những nữ doanh nhân trẻ đang có điều kiện thuận lợi hơn nhiều để phát triển. Họ cũng được sự hậu thuẫn tốt từ gia đình, xã hội để phát triển sự nghiệp.
Nhưng cơ hội nhiều thì họ lại gặp thách thức hơn. Doanh nhân trẻ phải điều hành doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh gay gắt để có thể tồn tại, phát triển trên thị trường hội nhập vốn có nhiều phức tạp riêng.
- Theo bà, vì sao khi nói về sự thành công của một doanh nhân nữ, xã hội vẫn phải soi cả hạnh phúc gia đình họ?
- Tôi hoàn toàn không đồng ý việc này. Chúng ta đang thấy có phụ nữ thành công, đặc biệt với doanh nhân, phải hy sinh hạnh phúc cá nhân, gia đình, nhưng số này là ít thôi. Và đó là những người rất đáng được chia sẻ. Tôi muốn nói thế này: Trách nhiệm giữ hạnh phúc gia đình không phải là của riêng người phụ nữ, mà là trách nhiệm kép của vợ và chồng.
Phụ nữ dứt khoát phải mạnh mẽ. Chị em đã mạnh mẽ trên thương trường thì cũng phải thẳng thừng khẳng định với chồng như thế.
Tôi nghĩ, xã hội, gia đình, nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục, đào tạo, tuyên truyền vấn đề này. Không thể gia đình có trục trặc là đổ lỗi cho phụ nữ. Đặt ngược lại khi đánh giá một doanh nhân nam thành đạt, xã hội có lôi gia đình anh ấy vào không?
Người phụ nữ ra ngoài bươn chải làm ăn, rồi chăm lo cho gia đình, họ không đủ sức khỏe, không kham nổi cả hai việc, để gia đình đỗ vỡ hay công việc bê trễ thì có trách nhiệm của người đàn ông.
Tôi vẫn hay đùa phụ nữ Việt Nam là siêu nhân, đàn ông thì không. Bởi đàn ông họ chỉ có công việc bên ngoài, họ chỉ gánh có 1, phụ nữ phải gánh 2-3 vai, vất vả lắm. Phụ nữ đi làm kinh doanh còn vất vả gấp bội. Bởi vậy, đàn ông phải hơn 1.
Đàn ông mà chỉ làm 1 thì thiếu trách nhiệm lắm, không tiến bộ, và theo một nghĩa nào đó là không thương vợ. Chúng ta nên thường xuyên hỏi nam giới, các anh đóng góp như thế nào cho hạnh phúc gia đình.
Thế kỷ 21 rồi, chúng ta phải bình đẳng ở mức độ tương đối. Văn bản thì đâu vào đấy hết rồi, nhưng thực hiện thì chưa tới. Không phải tôi nói mạnh mẽ vì tôi may mắn có hậu phương vững chãi đâu, nhưng sự thật chúng ta phải làm.
- Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có thói quen thích tuyển nam, hạn chế nữ, bởi họ cho rằng, đến một thời điểm nào đó phụ nữ sẽ bị chi phối bởi gia đình, con cái, không còn tập trung hoàn toàn cho công việc...
- Phải đặt vấn đề như thế này, là quy lại trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp mà không góp phần thực hiện trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện phát triển dân số cho đất nước thì không đúng.
Nếu cứ đẩy phụ nữ ra ngoài khi họ có con cái thì làm sao vừa làm tròn việc nước vừa làm tốt việc nhà, thực hiện thiên chức của người phụ nữ, công việc mà không ai làm thay được.
Nếu doanh nghiệp nào có quan niệm như vậy thì lãnh đạo các doanh nghiệp này rất không tiến bộ. Chúng ta thấy những công ty mà phụ nữ chiếm đa số như dệt may, da giày, bán lẻ… người ta vẫn sản xuất, vẫn xuất khẩu, vẫn hội nhập, vẫn cạnh tranh. Đừng có quan niệm thiển cận như thế. Phải động viên chị em, tạo nguồn thu đủ để chị em yên tâm làm việc.
- Nhưng rồi phụ nữ vẫn bị đánh giá tạo ra năng suất lao động thấp khi phải dồn thời gian cho gia đình.
- Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: Cho phụ nữ nhảy xuống nước, chị em không những nổi lên mà còn bơi rất rất giỏi để lên bờ an toàn. Vấn đề là chúng ta cứ bắt chị em đứng trên bờ, không cho chị em có cơ hội. Tôi ví dụ như những lúc khủng hoảng, đất nước có chiến tranh, thiên tai, phụ nữ mạnh mẽ có thua gì nam giới. Ai phật lòng là tôi thấy ngụy biện. Lịch sử đã chứng minh phụ nữ giỏi như thế nào.
Ngày nay xã hội hiện đại, chị em phải lao vào làm tất cả các nhiệm vụ từ kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học tự nhiên, vũ trụ… cái gì nam giới làm được chị em cũng không thua. Tôi thấy, với riêng doanh nhân nữ của chúng ta, cứ để chị em ra biển lớn sẽ thấy khả năng bơi nhanh, bơi tốt của họ.
Không ai đứng một mình mà thành công
"Tôi luôn tìm cách cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi cân bằng bằng cách không để những cái nhỏ nhặt làm mình chi phối. Tôi phân phối thời gian cho việc công ty và gia đình rất rạch ròi. Nói gì thì nói, là phụ nữ, dù mình thành công ở bất cứ đâu thì về gia đình mình vẫn là mẹ, là vợ, mình phải là người giữ mái ấm gia đình. Là phụ nữ thì điều đầu tiên là gia đình, gia đình là nền tảng. Không ai đứng một mình mà thành công được", bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ.