Điểm mạnh yếu của doanh nhân nữ
- Hiện các doanh nhân nữ nước ta đã đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo việc làm cho 30% người lao động. Xin bà cho biết thời gian qua có những thuận lợi và khó khăn gì đối với các doanh nhân nữ trong quá trình hoạt động, điều hành doanh nghiệp?
- Hiện nay ở Việt Nam có trên 100.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành. Các Doanh nhân nữ làm kinh doanh có rất nhiều đặc điểm khác với nam giới và có những thuận lợi, khó khăn riêng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng nữ Doanh nhân VCCI. |
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ Doanh nhân nói chung và Doanh nhân nữ nói riêng thông qua việc ban hành các chính sách, pháp luật tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Trong đó, Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đã đề ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 35% trở lên; Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu rõ việc ưu tiên phát triển và hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ doanh nghiệp.
Cùng với đó là những nỗ lực của các cơ quan, Bộ ngành, các tổ chức Hội, Hiệp hội trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nhân nữ, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng kinh doanh, các chương trình hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp…đó là những điều kiện rất quan trọng trợ giúp cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, điều hành có điều kiện phát triển.
Bên cạnh đó, doanh nhân nữ có ưu thế hơn về khả năng dung hòa các mối quan hệ và áp lực công việc, khéo léo và mềm mỏng hơn trong phong cách lãnh đạo, quan hệ đối tác và khách hàng.
Khoa học và thực tế cũng đã chứng minh một khả năng của phụ nữ đó là nhờ sự khác biệt về bộ não, nữ giới có khả năng làm tốt hơn nhiều việc chồng chéo, trong khi nam giới làm tốt khi tập trung vào một việc nhất định.
Trong quản lý kinh doanh, Doanh nhân nữ sẽ làm tốt hơn khâu sắp xếp và chú ý đến những chi tiết nhỏ, do đó các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp do nữ lãnh đạo có thể đáp ứng đúng hay thậm chí là hơn cả yêu cầu của khách hàng hay thị trường.
Ngoài ra, Doanh nhân nữ thường quan tâm và chăm lo đến đời sống của người lao động, vì vậy, doanh nghiệp do nữ lãnh đạo thường ít xảy ra đình công, tranh chấp lao động. Doanh nhân nữ cũng thường cẩn trọng hơn trong việc ra quyết định, quản lý tài chính, điều này sẽ giúp hạn chế những rủi ro trong các hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nhân nữ còn gánh chịu thiệt thòi và gặp nhiều trở ngại trong quá trình khởi sự và điều hành doanh nghiệp. Rào cản lớn nhất đối với nhiều doanh nhân nữ đó là không được đào tạo bài bản, chính quy, thiếu kỹ năng kinh doanh, trình độ ngoại ngữ và khả năng áp dụng tin học hóa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo còn thiếu năng lực cạnh tranh về tài chính và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, quy mô vốn của nhiều doanh nghiệp còn rất nhỏ bé, kém hiệu quả. Doanh nhân nữ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, công nghệ, hạn chế trong việc tham gia các hoạt động xã hội, kết nối mạng lưới.
Do đặc thù giới, nhận thức của xã hội chưa đầy đủ về vai trò phụ nữ, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn tồn tại, bản thân nữ doanh nhân còn thiếu tự tin, chủ động, mạnh dạn trong hoạt động kinh doanh, luôn phải nỗ lực để cân bằng giữa công việc kinh doanh và công việc chăm sóc gia đình.
- Được biết một trong những khó khăn, trở ngại mà doanh nhân nữ đang phải đối mặt là khó khăn trong tiếp cận thị trường, vay vốn tại ngân hàng... Xin bà lý giải vì sao với doanh nhân nữ lại có những khó khăn này? Để khắc phục những khó khăn kể trên doanh nhân nữ phải làm gì, sự hỗ trợ từ chính sách ra sao?
- Nguyên nhân sâu xa của những khó khăn này xuất phát từ định kiến giới trong công đồng. Nhiều hệ lụy như nhiều gia đình chỉ cho con trai đi học, tài sản thừa kế dành cho con trai nhiều hơn, vì thế trên các giấy tờ chứng nhận sở hữu tài sản thì chỉ có tên nam giới... Đây lại là một trong những hình thức thế chấp phổ biến để được vay vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do quy mô của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là nhỏ và vừa nên sử dụng vốn vay không thường xuyên, chưa tạo dụng được uy tín đối với các Ngân hàng. Thời gian giao lưu kết nối, xây dựng quan hệ cũng là rào cản cho doanh nhân nữ trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn.
Ngoài ra, kiến thức, kinh nghiệm và rào cản về thời gian, cơ hội tham gia mạng lưới làm cho doanh nhân nữ gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường cho sản phẩm của mình.
Để khắc phục những khó khăn này, bản thân doanh nhân nữ phải chủ động tìm hiểu thông tin, cập nhật chính sách pháp luật để biết và đòi hỏi quyền chính đáng của mình trong việc đứng tên sở hữu tài sản trong gia đình.
"Nếu như xã hội kỳ vọng phụ nữ phải là người cân bằng giữa “công việc kinh doanh” và “cuộc sống gia đình” thì sẽ không tránh khỏi có những lúc người phụ nữ mất thăng bằng". |
Tích cực tham gia các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, các kỹ năng quản lý, không ngừng cập nhật kiến thức mới, tham gia các tổ chức hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân nữ để kết nối mạng lưới đối tác, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh….
Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách và chương trình cụ thể để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho phụ nữ, khuyến khích phụ nữ khởi sự doanh nghiệp, tạo điều kiện để các tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp, Doanh nhân nữ phát huy hơn nữa vai trò tổ chức cầu nối xúc tiến thương mại và đầu tư, kinh doanh cho doanh nhân nữ.
Phụ nữ phải đánh đổi
- Cân bằng giữa công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình cũng là một rào cản đối với doanh nhân nữ? Bà có thể chia sẻ quan điểm của mình?
- Nếu như xã hội kỳ vọng phụ nữ phải là người cân bằng giữa “công việc kinh doanh” và “cuộc sống gia đình” thì sẽ không tránh khỏi có những lúc người phụ nữ mất thăng bằng. Vì thế, không ít nữ doanh nhân thành công trong sự nghiệp nhưng lại phải đánh đổi rất nhiều.
Với một xã hội hiện đại thì việc cân bằng giữa “công việc kinh doanh” và “cuộc sống gia đình” là công việc của toàn xã hội. Trước hết, là sự tham gia của các cơ quan Nhà nước trong việc lồng ghép bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật để khuyến khích sự chia sẻ công việc giữa nam giới và phụ nữ.
Thứ hai, cộng đồng xã hội, mà mỗi gia đình – tế bào của xã hội cần xem xét lại cách đánh giá, nhìn nhận và kỳ vọng vào người phụ nữ. Việc coi phụ nữ là “người giữ lửa trong gia đình”, hay gắn trách nhiệm của người phụ nữ với công việc bếp núc “Đàn ông quạnh nhà, đàn bà quạnh bếp” đã đến cần phải thay đổi. Việc giữ lửa là công việc của tất cả các thành viên trong gia đình chứ không chỉ là công việc của riêng phụ nữ.
Thứ ba, bản thân các nữ doanh nhân cần linh hoạt sử dụng các dịch vụ công để giải phóng sức lao động khi công việc kinh doanh quá bận rộn. Xây dựng kế hoạch và thời gian biểu khoa học, giám sát tiến độ và có kỹ năng quản lý sự thay đổi tốt để kịp thời ứng phó khi có những bất ổn xảy ra trong doanh nghiệp. Nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là công nghệ thông tin để có thể điều hành, quản lý công việc của doanh nghiệp ở mọi nơi, mọi lúc.
- Bà nhận xét về giới doanh nhân nữ hiện nay ra sao, trong tương lai vai trò và đóng góp của lực lượng doanh nhân nữ sẽ như thế nào?
- Nếu ước tính trên toàn cầu thì doanh nhân nữ chỉ sở hữu hơn một nửa số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 25% số lượng các doanh nghiệp nhỏ và 8% số lượng các doanh nghiệp vừa (theo IDB).
Ở Việt Nam, phụ nữ lãnh đạo khoảng 25% trong tổng số 500.000 doanh nghiệp và khoảng 1/3 số hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc. Các doanh nghiệp này đóng góp không nhỏ vào GDP, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội.
Với truyền thống tự cường, sự thông minh, nhanh nhạy, tôi tin rằng, trong tương lai, đội ngũ doanh nhân nữ tiếp tục sẽ phát triển và là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Bà có chia sẻ gì với phụ nữ mới tham gia vào hoạt động điều hành doanh nghiệp, hoặc những phụ nữ đang có ý định tham gia?
- Trong tiến trình Hội nhập kinh tế toàn cầu, sẽ không có đất cho lối kinh doanh theo phong trào, không bài bản hay ngẫu hứng. Vì vậy, đối với những phụ nữ đang chuẩn bị khởi sự doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng, họ cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ cả về tinh thần, sự đam mê kinh doanh, kiến thức và tài chính.
Nếu họ biết rõ khả năng mình, nắm vững bản chất của thị trường và có được những kỹ năng cần cho việc khởi sự và quản lý một doanh nghiệp thì họ sẽ đạt được những kỳ vọng của mình về lợi nhuận, tinh thần, địa vị và ảnh hưởng với xã hội.
Đối với những nữ doanh nhân mới khởi nghiệp, tôi mong họ hãy giữ vững niềm đam mê, hoài bão sẵn sàng đối đầu với thử thách. Và điều quan trọng là phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu hàng hóa, dịch vụ, luôn giữ chữ tín trong kinh doanh, góp phần xây dựng, hình ảnh, thương hiệu và phong cách doanh nhân Việt Nam.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thay cho lời chúc, tôi xin đặt niềm tin vào tất cả chị em doanh nhân nữ Việt Nam. Tôi tin rằng cho dù có thuận lợi hay khó khăn, nhưng với sự mạnh mẽ, thông minh và tài trí của mình, chị em doanh nhân nữ Việt Nam sẽ ngày càng phát huy hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ và chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành công mới.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!