Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh đồng, cung văn cùng viết sách về tín ngưỡng thờ Tứ phủ

Cuốn "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực" do các nhà nghiên cứu, đặc biệt do các đồng đền, thanh đồng biên soạn mới ra mắt bạn đọc.

Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại cách đây tròn một năm.

Tuy vậy, không phải người Việt nào cũng hiểu đúng, tường tận về tín ngưỡng này. Cuốn sách Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chống thiêng nơi cõi thực cung cấp những thông tin tường minh về hệ thống thần điện - các vị thánh, chỉ dẫn chi tiết về các đền, phủ quan trọng, thông tin cơ bản về nghi lễ thực hành tín ngưỡng này. 

Thanh nhang,  Dong den,  Thanh dong,  Tu phu anh 1
Bìa sách Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ - chốn thiêng nơi cõi thực.

Sách có bố cục ba phần rõ rệt. Trong phần đầu, "Chốn linh thiêng", sách giới thiệu rõ ràng, cô đọng về thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Bên cạnh đó, sách còn đưa ra liên hệ với các tín ngưỡng khác như tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, thờ Tứ vị Hồng Nương... 

Phần thứ hai "Thiêng nơi cõi thực" gồm chia sẻ của các đồng đền, thanh đồng, cung văn nổi tiếng hiện nay về những nghi lễ đặc sắc trong việc thực hành tín ngưỡng. Người đang muốn tìm hiểu về tín ngưỡng này có thể tìm thấy trong phần hai của sách những chỉ dẫn chi tiết trong thực hành, từ phục trang, lễ vật cúng tiến đến nghi thức như đội bát nhang...

Phần cuối sách, "Về nơi cửa Thánh" là quá trình điền dã của chủ biên trong nhiều năm, cung cấp thông tin cơ bản về các đền, phủ quan trọng, các lễ hội, các bài văn khấn nôm để kêu cầu khi đi lễ.

Sách viết về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đã có một số cuốn được giới thiệu tới tay bạn đọc. Nhưng Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực mới ra mắt là một ấn phẩm đặc biệt. 

Sách đặc biệt ở chỗ, nó được viết nên bởi kết tinh tâm huyết, trí tuệ của một nhóm tác giả đang nghiên cứu, và thực hành tín ngưỡng này. Thạc sĩ Trần Quang Dũng - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long, Hà Nội - là chủ biên cuốn sách. Tham gia viết sách còn có thạc sĩ, nhà báo Lê Khánh Ly.

Những người đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, đồng thời là những đồng đền, thanh đồng, cung văn có tiếng cùng viết nên cuốn sách này như: Đồng đền Lưu Ngọc Đức (trụ trì Lảnh GIang Vọng Từ, Đông Hương Linh Từ, Thủy Trung Tiên Từ), đồng đền Nguyễn Tất Kim Hùng (trụ trì Nguyên Khiết Linh Từ), thanh đồng Lê Bá Linh (thủ ngang Nguyên Khiết Linh Từ), đồng đền Trần Văn Hải (trụ trì Bát Hải Vọng Từ, Bồng Lai Linh Từ), cố nghệ nhân dân gian Chu Đức Nguyệt (nguyên cung văn trưởng Nguyên Khiết Linh Từ). Bên cạnh đó, sách có nhiều ảnh minh họa của nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng (giảng viên thỉnh giảng khoa Nhiếp ảnh, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). 

Các tác giả không chỉ là người tâm huyết cho tín ngưỡng, mà có những người dành cả cuộc đời để "nhất tâm phụng sự Tiên Thánh" với mong mỏi góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tín ngưỡng. 

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO - nhận định cuốn sách này cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản cả tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần điều chỉnh hành vi sai lệch trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam.

Đại sứ cho rằng: "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực tiếp cận di sản chân thực, nêu bật vẻ đẹp và giá trị tâm linh chân chính của Tín ngưỡng".

Phan Cẩm Thượng: ‘Mọi người Việt đều có gốc gác nông dân’

Tác giả Phan Cẩm Thượng chứng minh quan điểm đó qua cuốn “Tập tục đời người” nghiên cứu phong tục tập quán người nông dân Việt thế kỷ 19 và 20.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm