Không có gì thay đổi cuộc sống của một người phụ nữ hơn quyết định có con. Cuộc sống của riêng mình đột nhiên biến mất, tất cả mọi thứ mình làm đều xoay quanh một đứa trẻ.
“Hy sinh” dần trở thành lối sống của rất nhiều bà mẹ, một điều nghe thì cao cả nhưng thật ra rất khủng khiếp: có những người mẹ chỉ xoay xở được 20 phút cho riêng mình để giải quyết tất cả các nhu cầu cơ bản vừa đủ để sống sót. Chẳng lẽ không còn cách chăm con khác không hút kiệt sức lực và tinh thần các mẹ?
Với cùng câu hỏi đó, Joon Hee Kim, một bà mẹ đã tốt nghiệp thạc sĩ tại MIT nhưng vẫn muôn phần bỡ ngỡ và choáng ngợp với nhiệm vụ làm mẹ khi sinh con đầu lòng năm 2011, đã thử nghiệm nhiều cách chăm con khác nhau, để rồi đúc rút ra phương pháp trong cuốn sách Nuôi con khéo, chăm con nhàn được hưởng ứng rất tích cực tại Hàn Quốc.
Cốt lõi của phương pháp này chính là một nhận thức hoàn toàn khác biệt về vai trò của mẹ đối với con nhỏ: mẹ không thể là đáp án cho mọi vấn đề của con.
Nhưng điều này không có nghĩa là người mẹ không đóng một vai trò quan trọng. Muốn chăm con vừa khéo léo vừa nhàn nhã thì trước hết các bà mẹ phải thiết lập được cho con một bộ thói quen và quy tắc. Một khi bé đã hình thành phản xạ thì mọi chuyện sẽ trơn tru hơn nhiều, đủ để các mẹ có thể an nhàn dành thêm thời gian cho bản thân.
Sách Nuôi con khỏe, chăm con nhàn của tác giả Joon Hee Kim. |
Nếu bình thường mẹ cứ nghe thấy tiếng con khóc là cuống cả lên, ngay lập tức lao đến dỗ bé yên bằng mọi cách, bé sẽ hiểu rằng chỉ cần khóc là tất cả đều được đáp ứng. Vậy là chỉ cần hơi hơi khó chịu bé đã khóc, biết chắc có siêu nhân mẹ đến giải cứu, còn mẹ thì trở thành nô lệ của tiếng khóc.
Cơ chế còi báo động này chẳng có lợi cho cả mẹ lẫn bé, người mẹ thì mệt mỏi căng thẳng, còn đứa bé thì ngày càng đòi hỏi, và sự bất mãn sẽ chất chồng ở cả hai phía.
Thay vào đó, tác giả Joon Hee Kim khuyên các bà mẹ nên hiểu rõ tiếng khóc của con. Lúc thông thường, bé khóc chỉ vì cáu kỉnh chẳng hạn, người mẹ không cần phải phản ứng ngay lập tức, mà ngược lại, nên đợi 5 phút rồi mới xem con thế nào. Đây không chỉ là cách rèn luyện tính kiên nhẫn cho bé, mà còn giúp mẹ giữ bình tĩnh khi bé khóc.
Mặc kệ cho con khóc, dù chỉ 5 phút, hẳn không phải là việc dễ dàng gì với những người lần đầu làm mẹ, nhưng về lâu dài lại là cách giúp cả bé và mẹ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Ngoài chuyện khóc, cuộc sống của các em bé chủ yếu xoay quanh chuyện ăn và ngủ. Vì vậy, đây cũng là những lĩnh vực cần sự rèn giũa, để một khi sinh hoạt đã vào nếp thì cả mẹ cả con đều được an tâm nhàn nhã.
Việc rèn giũa này đòi hỏi các bà mẹ phải đầu tư thời gian và công sức cho một “dự án” luyện ngủ, nhưng thực ra cũng không phức tạp hơn việc gọi trà sữa ở GongCha.
Như khi gọi trà sữa bạn phải đưa ra rất nhiều lựa chọn từ topping đến gia giảm lượng đường, đá để có được món đồ uống vừa ý nhất, việc luyện ngủ cho con cũng có nhiều biến số bạn phải thiết lập để có được quy trình phù hợp nhất.
Ví dụ như việc dỗ bé ngủ cũng có nhiều cách, ôm, cho bú, đặt bé nằm... Rồi việc bé khóc trước khi ngủ cũng là một yếu tố cần điều chỉnh, bé khóc bao lâu, ở mức độ nào, lúc nào thì nên dỗ, dỗ như thế nào… Quan trọng nhất trong dự án luyện ngủ là người mẹ phải xác định được rằng chẳng có cách nào tránh được việc bé khóc, đó là một khoản đầu tư mẹ phải chấp nhận bỏ ra để con có được thói quen ngủ tốt và giấc ngủ ngon, chỉ có thể điều chỉnh liều lượng cho thích hợp với bé và hoàn cảnh mà thôi.
Như vậy, mọi khía cạnh của bí quyết nuôi con khéo và nhàn đều hướng đến xóa bỏ nỗi bất an thường trực vốn buộc các bậc cha mẹ sát sao dõi theo con không rời. Thay vì hy sinh từng giây phút để chạy theo tiếng khóc của con, các bà mẹ hoàn toàn có thể thoải mái cùng con tận hưởng cuộc sống.
Người mẹ hiện đại muốn theo đuổi lối sống thông minh và nhàn nhã rất cần cuốn sách giáo khoa nhập môn Nuôi con khéo, chăm con nhàn - với đầy đủ những sơ đồ, bảng biểu, tình huống cụ thể - để bước vào hành trình làm mẹ.