Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tháng thất vọng của Bitcoin

Kết thúc tháng 1, Bitcoin tiếp tục duy trì mức giá đầy thất vọng sau nhiều đợt sụt sâu. Đồng tiền mã hóa số một thế giới vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin thúc đẩy tích cực nào.

Bitcoin ra sao trong thang 1/2022 anh 1

Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung đang đối mặt nhiều trở ngại khi vừa trải qua tháng đầu tiên của năm 2022 không mấy tốt đẹp. Dữ liệu của Coinglass cho thấy so với tháng 12/2021, giá Bitcoin trong tháng 1 đã giảm 18,47%, kéo dài chuỗi sụt giảm 3 tháng liên tiếp.

Giới đầu tư có lý do để lo ngại về những diễn biến sắp tới của thị trường tiền mã hóa. Trong giai đoạn cùng kỳ 2 năm 2020 và 2021, giá đồng tiền số lớn nhất thế giới đều có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 29,95% và 14,51%.

Những ngày cuối tháng 1, Bitcoin xuất hiện dấu hiệu hồi phục khi tiến sát ngưỡng 40.000 USD/đồng, hiện được giao dịch quanh mốc hơn 38.000 USD. Song, đồng tiền số từng có thời điểm sụt giảm xuống 33.000 USD, mức thấp nhất kể từ giữa năm ngoái.

Bitcoin ra sao trong thang 1/2022 anh 2

Giá Bitcoin đang dao động ở ngưỡng trên 38.000 USD/đồng. Ảnh: CoinDesk.

Ngập trong sắc đỏ

Chuyển động của Bitcoin tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường. So với giai đoạn đỉnh cao, hầu hết danh mục tiền số hàng đầu như Ethereum, Solana, Polkadot, Avalanche, Terra… đều giảm từ 50-150%. Bản thân giá trị Bitcoin cũng đã chia 2 lần kể từ mốc ATH cận 69.000 USD/đồng cách đây hơn 2 tháng.

Vốn hóa toàn thị trường bốc hơi tổng cộng hơn 1.000 tỷ USD, trong đó, diễn biến của tháng 1 đóng góp 50% vào sự mất mát này.

Nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới cũng chứng kiến sự thay đổi mạnh. Đáng chú ý, bóng dáng của các memecoin gây sốt một thời như Shiba Inu coin, Dogecoin đã biến mất và nhường chỗ cho danh mục coin nền tảng.

Dù khó lường, kết quả của thị trường trong tháng 1 dường như đã được báo trước từ lâu. Cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021, Bitcoin liên tục đón các pha điều chỉnh mạnh với bước giảm trên 5.000 USD. Đặc biệt, giá trị Bitcoin bất chợt mất đi 10.000 USD chỉ trong 2 ngày là 3 và 4/12.

Bitcoin ra sao trong thang 1/2022 anh 3

Diễn biến giá của Bitcoin trong tháng 1/2022. Ảnh: CoinMarketCap.

Trước đó, nhiều chuyên gia quốc tế và người trong ngành dự đoán giá Bitcoin có thể kết thúc năm 2021 ở mốc 100.000 USD. Đây là điều dễ hiểu khi sự ra đời của các ETF Bitcoin và tình trạng lạm phát gia tăng đang tiếp thêm nhiệt lượng cho đà tăng trưởng của đồng tiền số.

Bên cạnh đó, giới đầu tư có cơ sở để kỳ vọng vào Bitcoin dịp cuối năm khi giá đồng tiền này từng tăng trưởng lần lượt 27,7%, 42,95%, 46,92% vào giai đoạn tháng 10-12/2020.

Dù vậy, Bitcoin vẫn giảm 18,9% khi kết thúc tháng 12, đẩy thị trường vào tình thế hỗn loạn và kéo tụt cảm xúc phấn khích của giới đầu tư. Chỉ số đo lường Fear and Greek Index cho thấy tâm lý người dùng nhanh chóng chuyển từ tham lam sang sợ hãi tột độ.

Theo Glassnode, số lượng ví giữ Bitcoin có lãi hiện dao động dưới 90%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Thị trường khó đoán định

Lạm phát được xem như yếu tố chủ chốt thúc đẩy giá Bitcoin. Giới đầu tư và các tổ chức cũng xem đây là một trong những hàng rào chống lạm phát hiệu quả nhất thời điểm này.

Do vậy, việc các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, sớm thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm hoạt động mua trái phiếu và tăng lãi suất đã tạo nhiều sức ép lên giá Bitcoin.

Sau khi chính phủ Mỹ thông qua dự luật chi tiêu cơ sở hạ tầng mới, trong đó bao gồm nội dung đánh thuế và siết chặt thị trường tiền mã hóa, giá Bitcoin nhanh chóng giảm 30%.

Đáng chú ý, Bitcoin đã có nhiều lần lao dốc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xác nhận sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 sắp tới. FED cho biết cơ quan dự kiến chia thành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022, đi kèm 4 đợt tăng khác vào giai đoạn 2023-2024 nhằm kìm hãm lạm phát.

Bitcoin ra sao trong thang 1/2022 anh 4

Dòng tiền đổ vào thị trường tiền mã hóa có 2 tuần âm mạnh và chỉ dương nhẹ vào 2 tuần cuối tháng 1. Ảnh: CoinShares.

Ngân hàng Goldman Sachs thậm chí cho rằng quá trình tăng lãi suất của FED sẽ được chia thành 4 lần, thay vì 3 lần trong năm 2022 như kế hoạch ban đầu.

Các yếu tố này khiến dòng tiền đầu tư tiền mã hóa của các quỹ lớn liên tục chảy ra ngoài.

Tuần đầu tiên của tháng 1, số liệu từ CoinShares cho thấy đã có gần 207 triệu USD bị rút khỏi quỹ đầu tư tiền mã hóa, 50% số đó thuộc về Bitcoin. Kết thúc tháng, tổng cộng dòng tiền bị rút khỏi thị trường lên đến 232,4 triệu USD.

Chỉ số Bitcoin Dominance chỉ đạt 37,7% tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm, phản ánh tình trạng nhà đầu tư đang giảm tỉ trọng nắm giữ Bitcoin trong danh mục của mình.

Mùa đông có thể kéo dài

Theo các chuyên gia phân tích từ ngân hàng UBS, việc tăng lãi suất của FED đang làm giảm sức hấp dẫn của tiền mã hóa trong mắt nhà đầu tư. Đặc biệt, nhóm này tin rằng thị trường có thể trượt dốc, rơi vào mùa đông tiền mã hóa và phải rất lâu sau mới có thể phục hồi.

“Sự kiện 2018 là cách mô tả cụ thể nhất cho khái niệm ‘mùa đông tiền mã hóa’. Đây là giai đoạn khó khăn và có khả năng kéo dài. Không giống những mùa đông bình thường, nó đã kéo dài cả năm”, James Malcolm, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại UBS, nhận xét.

Đối với Antoni Trenchev, nhà đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Nexo, Bitcoin đã thỏa mãn một nửa định nghĩa về mùa đông tiền mã hóa khi sụt giảm mạnh gần đây.

Sau nhiều ngày thông báo bắt đáy Bitcoin, Tổng thống EL Salvador Nayib Bukele, một trong những nước sớm coi đồng tiền số là phương tiện thanh toán hợp pháp, hiện lỗ nặng. Quốc gia này đang nắm giữ ít nhất 1.801 Bitcoin.

Sự kiện 2018 là cách mô tả cụ thể nhất cho khái niệm ‘mùa đông tiền mã hóa’. Đây là giai đoạn khó khăn và có khả năng kéo dài

James Malcolm, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại UBS

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng đưa ra cánh báo đối với quốc gia Trung Mỹ, nhấn mạnh Bitcoin là tài sản có tính rủi ro cao.

Song song, việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán cũng sẽ khiến El Salvador gặp khó khăn khi đi vay. Gần nhất, kế hoạch vay IMF 1,3 tỷ USD của El Salvador vào năm 2021 đã bị tạm dừng do các lo ngại về Bitcoin.

Trong báo cáo hôm 25/1, IMF cho rằng Bitcoin đang tạo gánh nặng nợ công lên El Salvador. Đồng quan điểm, giám đốc IMF tin Bitcoin có thể gây nguy hại cho “tính ổn định và an toàn nền tài chính thế giới cũng như quyền lợi của người tiêu dùng”.

Trong tháng 1, một số yếu tố tiêu cực khác cũng góp phần vào diễn biến của Bitcoin. Việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nhiều lần từ chối các quỹ ETF Bitcoin giao ngay phản ánh sự cẩn trọng của cơ quan này.

Sự bất ổn của Kazakhstan, trung tâm đào Bitcoin lớn thứ 2 thế giới, hay việc Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên lãnh thổ đã giáng đòn mạnh vào giá Bitcoin.

Chuyên gia: 'Áp lực bán tháo vẫn đè nặng Bitcoin'

Giá Bitcoin tiếp tục biến động mạnh do các nhà đầu tư lo ngại FED mạnh tay nâng lãi suất. Theo giới chuyên gia, tiền mã hóa sẽ gặp khó khăn trong vài tháng tới.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm