Dữ liệu của CoinMarketCap hôm 25/1 (theo giờ Việt Nam) chỉ ra giá Bitcoin đã phục hồi mạnh mẽ. Trong vòng 24 giờ qua, giá có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 37.000 USD/đồng.
Tính đến 21h30, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 36.500 USD/đồng, tăng 9,23% so với 24 giờ trước đó. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin phục hồi về mức 692 tỷ USD, áp sát mốc 700 tỷ USD.
Giá Bitcoin đã chứng kiến những đợt sụt giảm mạnh trong vài ngày gần đây. Trong vòng 24 giờ qua, giá có thời điểm rơi xuống 33.400 USD/đồng rồi bật tăng mạnh.
Tuy nhiên, so với mức kỷ lục 68.789 USD/đồng thiết lập hôm 10/11/2021, giá Bitcoin vẫn lao dốc 46,83%.
Bitcoin trở lại đà tăng giá sau những ngày sụt giảm mạnh. Ảnh: CoinMarketCap. |
Đà phục hồi mạnh mẽ
Các đồng tiền mã hóa khác cũng đồng loạt tăng giá trở lại. Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - được giao dịch ở mức 2.434 USD/đồng, tăng 9,6% so với 24 giờ trước đó. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa tăng 9,31% lên 1.650 tỷ USD.
"Giá Bitcoin đã phục hồi mạnh mẽ hôm 25/1. Ngay cả khi giá điều chỉnh nhẹ, điều này vẫn không đáng lo ngại bởi khẩu vị rủi ro được duy trì", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
"Đà phục hồi của Bitcoin có bền vững hay không còn phụ thuộc vào cách thị trường phản ứng với cuộc họp ngày mai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)", vị chuyên gia nói thêm.
Đà phục hồi của Bitcoin có bền vững hay không còn phụ thuộc vào cách thị trường phản ứng với cuộc họp ngày mai của FED
Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London)
"Chúng ta có thể một lần nữa chứng kiến 'cú rơi' của Bitcoin nếu các nhà đầu tư lo lắng về rủi ro FED thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng nếu giá vẫn được giữ trên ngưỡng hỗ trợ 33.000 USD/đồng trong ngắn hạn, đây sẽ là tín hiệu tích cực đối với thế giới tiền mã hóa", ông Erlam phân tích.
Theo ông Vijay Ayyar - Phó chủ tịch sàn giao dịch tiền mã hóa Luno - sự sụt giảm của tiền mã hóa trong những ngày qua chỉ là một đợt chỉnh thay vì suy thoái kéo dài.
"Giá Bitcoin thường tăng vọt lên mức đỉnh sau khi sụt giảm 80% hoặc thậm chí hơn", ông bình luận.
Theo vị chuyên gia, giá Bitcoin thường xuyên được điều chỉnh trong phạm vi 30-50%. "Do đó, mức giảm hiện tại của Bitcoin vẫn là bình thường", vị chuyên gia nhận định.
Bitcoin, Ether và những loại tiền mã hóa khác đã chứng kiến đợt bán tháo ồ ạt trong vài ngày qua. Đà tuột dốc mạnh của giá Bitcoin bắt đầu hôm 21/1, sau khi giá lao dốc một mạch từ ngưỡng cao trong ngày 43.300 USD/đồng xuống hơn 38.000 USD/đồng, khiến giá trị vốn hóa thị trường lần lượt mất mốc 800 tỷ USD, 700 tỷ USD.
Giá Bitcoin giảm mạnh theo đà của những loại tài sản rủi ro khác như cổ phiếu công nghệ. Nguyên nhân là giới đầu tư lo ngại về khả năng FED mạnh tay nâng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát.
Không còn là "vàng kỹ thuật số"
Tuy nhiên, ngay cả khi đã phục hồi, cú rơi mạnh của Bitcoin cho thấy đồng tiền không còn hoạt động như một dạng "vàng kỹ thuật số".
Những người ủng hộ Bitcoin từng lập luận rằng Bitcoin là một dạng "vàng kỹ thuật số". Nhưng quan điểm đó đã không còn phù hợp với các nhà đầu tư mới hơn.
Theo CNBC, khi các tổ chức đầu tư dành sự chú ý cho tiền mã hóa, ngày càng nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đổ tiền vào loại tài sản này. Do đó, Bitcoin được xem như một tài sản rủi ro và biến động cùng chiều với cổ phiếu công nghệ.
Khi FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới tung ra hàng loạt chính sách để kích thích nền kinh tế, thị trường chứng khoán và tiền mã hóa đã hưởng lợi. Nhưng việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa có thể trở thành lực cản lớn đối với đà tăng giá của Bitcoin.
Tuy đã phục hồi, giá Bitcoin vẫn sụt giảm 11,57% so với 7 ngày trước đó. Ảnh: CoinMarketCap. |
Cùng với đó, các nhà đầu tư cũng đang đánh giá tác động của những quy định mới đối với thế giới tiền mã hóa. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên lãnh thổ Nga. Lý do được đưa ra là loại tiền này đe dọa đến sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của đất nước.
Trong báo cáo được công bố hôm 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nhu cầu đầu cơ khiến tiền mã hóa tăng trưởng nhanh chóng và mang những đặc điểm của kim tự tháp tài chính.
Giới chức Nga đã nhiều lần tranh cãi về việc cấm tiền mã hóa. Một số quan chức chỉ trích rằng Bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.
Hồi tháng 4, giá Bitcoin cũng lao dốc từ mức đỉnh sau khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin.
Giới đầu tư cũng dồn chú ý vào cuộc họp của FED trong tuần này. "Trước mắt, mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là cách các thị trường chứng khoán phản ứng với cuộc họp của FED trong tuần này", ông Leah Wald - Giám đốc điều hành tại công ty đầu tư tài sản kỹ thuật số Valkyrie Funds - nhận định.