Tổng thống Putin phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Tump. Ảnh: AFP. |
Tại Helsinki, Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể buộc người đồng cấp Mỹ Donald Trump dỡ bỏ trừng phạt, công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, dừng cuộc chạy đua vũ trang mà Nga không còn khả năng theo đuổi hoặc thay đổi quan điểm về những vấn đề khiến hai bên căng thẳng.
Nhưng Putin đã có một điều: Trump tuyên bố rằng dù các cơ quan tình báo Mỹ có nói gì về việc Moscow can thiệp bầu cử tổng thống 2016, dù hành động của Nga tại Ukraine có gây tổn thất như thế nào, ông Putin vẫn được chào đón trở lại "câu lạc bộ" các nhà lãnh đạo quyền lực thế giới.
Putin nói, Trump gật
Từ u ám đến vui vẻ, Tổng thống Putin là người dẫn dắt cuộc họp báo chung tại Helsinki như người làm chủ sân khấu và với ưu thế hiểu biết chi tiết về các chính sách. Ông đã khiến Tổng thống Trump xem trọng ý kiến của Nga hơn các cơ quan tình báo Mỹ về cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử tổng thống 2016.
Ngược lại, Tổng thống Trump ít thể hiện sự oai nghiêm, ông để Tổng thống Putin giải thích chính sách của Mỹ về vấn đề Crimea, và chỉ gật đầu khi người đồng cấp Nga bình luận quan điểm cho rằng Moscow có thể thông đồng với đội ngũ tranh cử của Trump.
Ông Trump cũng hoàn toàn để ông Putin phát biểu về vấn đề Ukraine, một trong những nguyên nhân khiến mối quan hệ Washington và Moscow rơi vào căng thẳng. Tổng thống Nga thậm chí "trả lời thay" ông Trump một câu hỏi về vấn đề Crimea.
Khi được hỏi về cáo buộc Nga xâm phạm tài liệu liên quan đến Tổng thống Trump, tức các báo cáo về việc ông Trump bị quay lén trong chuyến thăm Moscow năm 2013, tổng thống Nga chỉ cười và nhấn mạnh rằng Trump là một trong hàng nghìn doanh nhân từng đến Nga, và ông không biết về quãng thời gian Trump đến Moscow.
Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Putin khẳng định Nga không can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ảnh: AFP. |
Ông Putin thậm chí mang bên mình quả bóng World Cup 2018, trao nó cho ông Trump sau khi được ca ngợi vì tổ chức thành công ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. "Quả bóng này giờ sẽ ở chỗ của ông", Putin nói, hàm ý việc cải thiện quan hệ giờ phụ thuộc vào bước đi tiếp của Washington.
"Tại Helsinki, ông Putin không những đóng vai trò chính khách lớn mà còn là người dường như có khả năng không cần mở miệng mà vẫn thể hiện được điều muốn nói", nhà nghiên cứu Alina Polyakova thuộc Viện Brookings nói. Theo bà, ông Trump "chỉ cần nhiệt tình gật đầu và để ông Putin làm chủ cuộc họp báo".
Mặt khác, chuyên gia James Nixey tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) chú ý đến những "khoảng cách lớn giữa ngôn từ ca ngợi ấm áp và sự thiếu chi tiết về mọi vấn đề được nhắc đến" của Trump.
Đưa ra những lời "có cánh" dành cho cho Putin, ông Trump đã "bằng lòng nịnh bợ, thể hiện rõ sự thiếu sẵn sàng chỉ trích ông Putin", Nixey nói.
Vị chuyên gia lưu ý khoảnh khắc ông Trump cho rằng cả Nga và Mỹ đều phải chịu trách nhiệm vì mối quan hệ không tốt đẹp, nhưng sau đó "chỉ nhắc đến vai trò của Mỹ vì dường như chỉ muốn nói về những gì mình hiểu rõ nhất, chính là cuộc bầu cử 2016, chủ đề mà ông ấy cảm thấy mình có thể tung hứng".
Không cần Mỹ nhượng bộ nhiều
Theo ông Norbert Röttgen, chủ tịch ủy ban đối ngoại thuộc quốc hội Đức (Bundestag), mặc cho những lo sợ của các nước châu Âu, Tổng thống Putin dường như không có ý định buộc Washington nhượng bộ nhiều đến mức gây tổn thương các đồng minh phương Tây.
Thậm chí, các nước châu Âu có thể sẽ hài lòng với việc Washington và Moscow "bắt đầu đàm phán trở lại, và điều này có thể là tín hiệu tích cực trong việc giải quyết một số vấn đề như giải trừ vũ khí giết người hàng loạt, nội chiến Syria và tình hình an ninh của Israel", Röttgen trả lời New York Times.
Theo nhiều chuyên gia, một số nước châu Âu có thể sẽ hài lòng với việc Washington và Moscow bắt đầu đàm phán trở lại. Ảnh: AFP. |
Ông Jeremy Shapiro, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng các đồng minh của Mỹ có thể an tâm rằng ông Trump sẽ không tuyên bố hoãn tập trận quân sự chung, như cách ông đã làm sau cuộc gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 6, hoặc thực hiện bất cứ sự nhượng bộ nào một cách quá đáng.
Nhưng các nước đồng minh "sẽ nhận thấy rằng tổng thống Mỹ chú trọng các vấn đề trong nước hơn là về địa chính trị hoặc bất cứ điều gì liên quan đến châu Âu", ông Shapiro nói. Theo vị chuyên gia, điều ông Trump thực sự muốn đó là đảm bảo cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 không ảnh hưởng đến chiến thắng của ông trước bà Hillary Clinton.
"Bây giờ, ông ấy không bận tâm về việc có tỏ ra quá thân cận với Nga hay không", Shapiro nói.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump né tránh câu hỏi ông có tin tưởng ý kiến của Nga nhiều hơn bằng chứng được các cơ quan tình báo của Mỹ đưa ra về việc Moscow can thiệp bầu cử hay không. Tuy nhiên, Trump vẫn cho rằng mình "không nhìn thấy bất kỳ lý do gì Nga làm vậy (can thiệp bầu cử Mỹ)".
Dù Tổng thống Putin không buộc Mỹ nhượng bộ quá nhiều, một số hãng thông tấn của Nga dẫn lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo "trên cả tuyệt vời".
Người dẫn chương trình của kênh Rossiya 24 tuyên bố "trong trường hợp này, việc đàm phán tốt đã là thành công". "Cả hai tổng thống đều sẵn sàng giảng hòa", người này nói.
Phái đoàn hai bên tham dự buổi ăn trưa làm việc hôm 16/7. Ảnh: AFP. |
Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hôm 16/7, Tổng thống Putin cho biết hai bên đã thống nhất cải thiện quan hệ kinh tế song phương, điều đáng lẽ phải bị hạn chế vì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga vẫn còn hiệu lực.
"Chúng tôi đồng ý thành lập nhóm làm việc cấp cao để nối lại quan hệ kinh doanh giữa Nga và Mỹ. Sau cùng thì chính các doanh nhân mới là người hiểu rõ cách tái thiết lập mối quan hệ kinh tế giữa hai nước", ông Putin nói.
Sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, Mỹ rút khỏi nhóm làm việc dành cho giám đốc điều hành các tập đoàn lớn của hai bên. Dù chỉ là một bước nhỏ, việc hồi sinh lại hoạt động của nhóm này cho thấy Mỹ đã phần nào nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với Nga, theo New York Times.
"Rõ ràng các doanh nhân của cả hai nước đều quan tâm về vấn đề này", ông Putin nhắc đến hợp tác kinh tế song phương.
Lấy lại vị thế cường quốc thế giới
Đối với Putin, người không thoải mái suốt nhiều tháng nay vì Trump không thực hiện được cam kết "hòa thuận với Nga", cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai lãnh đạo đã giúp Nga trở về với vị thế không thể phủ nhận. Đó là một trong hai cường quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề của thế giới.
"Việc lấy lại vị thế cân bằng với Mỹ luôn là một trong những mục tiêu chiến lược của ông Putin. Ông ấy đã gần đạt được thành công này", chuyên gia Röttgen nói.
Tổng thống Putin từ lâu đã không hài lòng về việc Nga bị "loại khỏi cuộc chơi" G7 sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014, bị cộng đồng quốc tế áp đặt trừng phạt và bị chính quyền Tổng thống Barack Obama xem là "cường quốc khu vực" (chứ không phải cường quốc thế giới), theo New York Times.
Tổng thống Putin được đánh giá là bên thắng cuộc trong hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki. Ảnh: AFP. |
Phát biểu tại Moscow hồi tháng 3, ông Putin cho rằng "không một ai thực sự muốn nói chuyện với nước Nga". Cuộc gặp gỡ giữa ông và Tổng thống Trump tại thủ đô Helsinki của Phần Lan hôm 16/7 cho thấy ít nhất nước Mỹ đang lắng nghe và có thể sẵn sàng "bỏ qua" vấn đề Crimea, cáo buộc Nga bắn rơi máy bay MH17, và các cáo buộc can thiệp bầu cử.
"Trump là tổng thống Mỹ thứ 4 mà ông Putin gặp gỡ và đây là cuộc hội nghị thượng đỉnh ông ấy đã mong chờ suốt 18 năm qua", nhà nghiên cứu Polyakova nhận xét.
"Putin cuối cùng cũng có cơ hội xuất hiện như chính khách tầm cỡ thế giới, vượt lên trên những hoạt động chính trị ở quy mô nhỏ, và có thể giới thiệu bản thân cũng như nước Nga là người đem lại hòa bình và viện trợ nhân đạo", bà Polyakova nói.
Ông Putin tặng bóng World Cup 2018 cho ông Trump. Ảnh: AFP. |
Giống như Trump, người khẳng định mình không đặt nhiều kỳ vọng cho cuộc hội nghị thượng đỉnh, Điện Kremlin cũng không đánh giá cao triển vọng về sự đột phá trong mối quan hệ song phương.
Điều này có tác dụng giúp cuộc gặp gỡ dường như đạt được nhiều thành quả hơn mong đợi. Giới tinh hoa chính trị của Nga đã bắt đầu ca ngợi thành quả của cuộc hội nghị trước cả khi nó kết thúc, đồng thời hân hoan với việc ông Trump xem ông Putin ngang hàng, gián tiếp công nhận Nga là một cường quốc của thế giới, không phải "cường quốc khu vực" như cách chính quyền Obama từng mô tả.
"Thật nực cười khi nhớ lại sự vô lý của ông Obama và các quan chức dưới trướng ông ấy. Họ từng cho rằng Nga chỉ là một 'cường quốc khu vực' yếu kém", Thượng nghị sĩ Nga Alexei K. Pushkov viết trên Twitter hôm 16/7.
"Ngày hôm nay, sự chú ý của cả thế giới tập trung tại Helsinki, và điều vô cùng rõ ràng là Nga và Mỹ đang quyết định vận mệnh của thế giới. Nhà lãnh đạo của hai cường quốc đứng đầu hành tinh đang gặp gỡ", ông nói.