Các hoạt động của người Việt trong tháng cô hồn thay đổi dần theo sự phát triển của xã hội. Ảnh: sweetwiskies.blogspot.com |
Tân Hoa Xã cho biết, giống nhiều nước châu Á khác, ở Việt Nam, tháng 7 Âm lịch, còn gọi tháng cô hồn, là thời điểm Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan (cửa địa ngục) để ma quỷ trở về trần thế. Dân gian vẫn quan niệm rằng khi đó các vong hồn sẽ quấy phá công việc của con người. Theo phong tục, cúng cô hồn không chỉ khiến ma quỷ không quấy phá, mà còn là việc làm nhân đức, cứu giúp những linh hồn bơ vơ.
Tuy nhiên, tháng 7 Âm lịch cũng là thời điểm lễ Vu Lan, hay còn gọi lễ báo hiếu, diễn ra. Đây là một trong những lễ chính của Phật giáo, diễn ra vào ngày rằm tại các chùa nhằm thể lòng yêu thương giữa con người với con người. Lễ Vu Lan là ngày con cái tưởng nhớ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, nhận ra những điều đã và chưa làm được để hoàn thiện bản thân.
Tân Hoa Xã nhận định, cùng với sự phát triển của xã hội, quan niệm về tháng cô hồn của người Việt cũng thay đổi dần. Hà Thị Kim, một cô bé sinh năm 1992 ở Hà Nội, cho biết cô đã theo đuổi tín ngưỡng này từ nhiều năm qua.
“Khi 10 tuổi, tôi đã giúp mẹ chuẩn bị đồ cúng trong tháng cô hồn. Mẹ đã giải thích tỉ mỉ cho tôi các chi tiết liên quan tới phong tục. Nhìn chung, đó là một nghi lễ giúp tâm hồn chúng tôi cảm thấy thanh thản. Vì vậy, tôi tiếp tục theo đuổi tín ngưỡng đó cho đến bây giờ. Sau này tôi sẽ truyền lại phong tục cho cháu dâu”, Kim nói.
Theo truyền thống, người Việt có ba lễ trong tháng cô hồn. Đầu tiên, các gia đình làm một lễ cũng tổ tiên và những thành viên khác đã qua đời vào buổi trưa. Người dân bày thức ăn, hoa quả, quần áo giấy, vàng mã và thẻ hương trong lễ cúng.
Lễ thứ hai - dành cho các cô hồn - diễn ra vào buổi tối cùng ngày với thức ăn chay, cháo gạo đặc, bánh kẹo, hoa quả, vàng mã và thẻ hương.
“Trước đây, mẹ và tôi cắt khoảng 20 bộ quần áo nhỏ từ giấy cũ và nhuộm chúng thành nhiều màu khác nhau. Chúng tôi cũng cắt các vật dụng từ bìa các tông. Sau đó chúng tôi đốt những đồ hàng mã cho các linh hồn bơ vơ rồi khấn”, một cụ bà mô tả.
Lễ thứ ba, đồng thời là lễ quan trọng nhất, diễn ra ở chùa vào buổi tối ngày 14 hoặc 15/7 với nhiều người tham dự. Phóng viên Tân Hoa Xã từng tham dự lễ này ở chùa Liên Phái, Hà Nội. Đó là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và lối sống hiện đại của người Việt Nam.
Nếu đi qua mọi cổng chùa, du khách sẽ thấy hai khay đựng hoa hồng trắng và đỏ. Mỗi người có thể cầm một bông và gắn lên ngực. Hoa hồng đỏ dành cho người có mẹ còn sống trong khi hoa trắng dành cho người mà mẹ đã mất. Với sự khác biệt này, người tham dự buổi lễ có thể chia sẻ với nhau cảm giác còn hay mất mẹ. Không khí thành kính, tình yêu đặc biệt dành cho những người mẹ và sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với con người tràn ngập trong chùa.
“Chúng tôi tổ chức một buổi lễ chính thức nhằm giáo dục cho những người theo đạo Phật biết cách chia sẻ với nhau cả niềm vui lẫn nỗi buồn trong cuộc sống, đặc biệt là sự quan tâm và tình yêu dành cho mẹ. Tất cả mọi người đều có thể tham dự lễ và không phải trả bất cứ khoản phí nào”, sư chủ trì ngôi chùa nói với phóng viên Tân Hoa Xã.
Theo nhà sư, trước kia người theo Đạo Phật chi nhiều tiền để đốt quần áo và vàng mã trong những nghi lễ. Tuy nhiên, ngày nay, nhà chùa cố gắng hạn chế tối đa những chi phí đó bằng cách khuyến khích mọi người gây quỹ từ thiện và làm việc tốt hàng ngày. “Đây là những việc làm thiết thực. Chúng ta cần thúc đẩy những hành động đó cùng lời Phật dạy”, sư chủ trì cho biết.
Ông Nguyễn Tuấn Phan, Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu cổ học Phương Đông (thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam), nói: “Trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt, tháng 7 Âm lịch là cơ hội để con cháu thể hiện lòng kính trọng và tình yêu đối với tổ tiên và bố mẹ”.