Theo số liệu do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA công bố cuối tuần qua, nhiệt độ trung bình mặt đất và mặt biển trong tháng 4/2016 đều tăng thêm 1,11 độ C so với cột mốc là mức trung bình cùng kỳ của giai đoạn từ 1951 - 1980.
Guardian cho biết, đây cũng tháng thứ 7 liên tiếp có nhiệt độ cao hơn ít nhất 1 độ C so với các kỷ lục nhiệt trước đó, và là tháng thứ 3 có mức tăng ở biên độ cao nhất. Những dữ liệu này đều ủng hộ dự đoán trước đó là 2016 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử toàn cầu. Các nhà khoa học đã bắt đầu lo ngại về tình trạng "khẩn cấp khí hậu" sau khi dữ liệu nhiệt độ tháng 2 được công bố.
Tháng 4/2016 là tháng 4 nóng nhất năm. Ảnh: Reuters |
Gavin Schmidt, giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddar của NASA, nói các nhà khoa học đều có thể tiên đoán năm 2016 sẽ là năm nóng nhất. Đây là điều không khiến nhiều người ngạc nhiên, do 15 trong số 16 năm có nhiệt độ lần lượt lập kỷ lục là đều xảy ra từ năm 2001 trở đi.
“Chúng tôi đều tiên đoán rằng El Nino sẽ gây ra tác động, nhưng không ai lường được là nó ảnh hưởng mạnh như vậy”, nhà khí tượng học Eric Holthaus nói với báo Independent.
NASA công bố dữ liệu trong bối cảnh đại diện hơn 170 quốc gia vừa đến thành phố New York tham dự Ngày Trái đất và ký vào hiệp ước chống biến đổi khí hậu hôm 22/4.
Buổi ký kết này là bước thứ 2 trong 4 nội dung để đưa Thoả thuận Paris trở thành chính sách quốc tế. Thoả thuận lịch sử đạt được năm ngoái này đã ghi nhận cam kết của các nước về giảm thiểu khí thải nhà kính, chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu carbon sang các nguồn năng lượng khác sạch hơn.