Nhiệt độ trong bóng râm ở thành phố Latur, bang Maharashtra, Ấn Độ lên tới 42 độ C. Nhưng bầu không khí oi bức không thể ngăn cản Anjali Patole, một bé gái 10 tuổi, đứng gần một thùng nước trên vỉa hè nóng như nung hàng ngày. Cha của em đã tới thành phố Pune để tìm việc, còn mẹ bán trái cây dạo.
Ở đây, Anjali, mẹ và người chú thường xuyên đứng dưới ánh nắng thiêu đốt tới 3 giờ để đổ 150 lít nước vào 15 vật dụng chứa nước (như xô, bình, can).
Bé
Anjali Patole xếp hàng để chờ nước tại thành phố Latur. Ảnh: BBC |
Các vòi nước ở nhà họ đã cạn kiệt từ 3 tháng trước. Cứ 8 ngày một lần, một xe chở nước của chính quyền tới phố, cung cấp 200 lít nước cho mọi gia đình. Lượng nước đó không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình. Vì thế, dù thể trạng yếu, Anjali vẫn phải lấy nước trong thời tiết oi nóng mùa hè.
Nguy cơ tử vong cao do chờ nước
Vài ngày trước, một nữ thiếu niên 12 tuổi chết vì sốc nhiệt sau khi lấy nước trong 4 giờ từ một máy bơm tay tại quận Beed, thành phố Latur.
Khi phóng viên BBC hỏi về nguy cơ sốc nhiệt vì chịu nắng nóng quá lâu, người chú của Ajani nhún vai rồi thở dài: “Đây là việc bắt buộc. Chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác”.
Sự khan hiếm nước khiến người dân có rất ít lựa chọn và họ phải thực hiện những hành động bất thường để có nước. Người dân ở Latur, cùng với khoảng 330 triệu người trên toàn lãnh thổ Ấn Độ, đang chịu cảnh hạn hán do lượng mưa thấp trong 3 năm liên tiếp.
Giờ đây, cuộc sống hàng ngày của nửa triệu người tại Latur chỉ xoay quanh nước. Họ dành phần lớn thời gian trong ngày để lấy nước và cân nhắc các lựa chọn về nguồn cung cấp nước. “Tôi nên chờ xe chở bồn nước tới phố, hay xếp hàng trên phố? Hoặc có lẽ tôi nên thử vận may ở trạm bơm tay trên phố chăng?”. Đó là những câu hỏi mà có lẽ mọi người dân ở Latur đều nghĩ tới.
Chính quyền thành phố Latur huy động các xe tải chở nước tới những khu vực dân cư để cấp nước sạch cho người dân. Ảnh: BBC |
Tình trạng thiếu nước cũng khiến người dân phải trăn trở với nhiều vấn đề. Thời tiết nóng nực nhưng nhiều người không dám tắm hai lần mỗi ngày, không dám mời bạn bè tới nhà để dùng bữa, không dám dùng nhiều nước cho việc nấu nướng, giảm chi tiêu những khoản khác để dành tiền mua nước.
Rồi những câu hỏi lớn hơn cũng xuất hiện. Nhiều người sợ quan chức, nghị sĩ ưu tiên khu vực mà họ sống trong quá trình điều phối xe chở nước. Một số kẻ lại nghi người hàng xóm hối lộ tài xế của xe chở nước để nhận nhiều nước hơn mọi người.
Hai người trưởng thành tử vong vì đứng dưới ánh nắng thiêu đốt quá lâu. Họ gồm một phụ nữ và một người tình nguyện quản lý hàng người chờ nước. Để ngăn chặn nguy cơ bạo loạn, chính quyền cấm người dân tập trung với số lượng lớn ở những điểm cung cấp nước từ tháng 3.
Nhiều vấn đề phát sinh vì thiếu nước
Nhiều cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài những bể trữ nước, buộc giới chức phải đặt chướng ngại vật để ngăn người dân nổi loạn và “hôi” nước. Đồn cảnh sát lớn nhất thành phố phải xử lý tới 20 đơn khiếu nại liên quan tới những vụ xô xát, tranh chấp vì nước.
“Người dân phát cuồng vì nước”, Sudhakar Boakar, một cảnh sát trong đồn, thừa nhận.
Những người giàu mua nước đóng chai để uống và gọi xe chở nước tư nhân để mua nước tắm, giặt và phục vụ những nhu cầu khác. Không có nhiều tiền, những người nghèo buộc phải xếp hàng vài giờ mỗi ngày để chờ xe của chính quyền hoặc xếp hàng bên ngoài những kho trữ nước.
“Cảnh tượng dân chờ nước đã trở nên quen thuộc trong 6 tới 8 tháng qua. Tình hình trở nên tồi tệ sau khi hệ thống vòi nước cạn kiệt từ 4 tháng trước”, Shailesh Swami, một ủy viên hội đồng thành phố Latur, cho biết.
Vào một đêm yên tĩnh nhưng nóng, hàng người dài xuất hiện bên ngoài bể trữ nước ở trung tâm thành phố. Đường phố vắng vẻ, nhưng vỉa hè ướt bởi hoạt động của con người.
Với dáng vẻ bơ phờ, những người dân lặng lẽ bước lên rồi lấy nước dưới ánh đèn điện vàng vọt. Những dụng cụ chứa nước như xô, chậu, bình, thùng, xoong cũng tạo thành một hàng riêng.
Khoảng nửa đêm, Rabindra Mirkale, một công nhân, phóng xe máy tới bể trữ nước cùng đứa cháu trai và 12 dụng cụ đựng nước.
Mirkale dự đoán anh sẽ phải chờ lâu để có thể lấy khoảng 200 lít nước trong 6 giờ. “Tôi phải làm việc cả ngày rồi dành trọn đêm để lấy nước. Cuộc sống của tôi thật khốn khổ”, anh than thở.
Với khoảng 20 đồ chứa nước trên xe đạp, anh Sheikh Mainuddin đi bộ để lấy nước vào ban đêm. Ảnh: BBC |
Sheikh Mainuddin, một người dân khác, dắt xe đạp cùng khoảng 20 dụng cụ chứa. Anh đi bộ khoảng một km trong màn đêm oi ả.
“Hơn một chục người trong nhà tôi phải chờ nước. Xe của chính quyền chỉ cung cấp một tuần mỗi lần nên chúng tôi phải tìm thêm nguồn cung cấp khác”, anh nói.
Bầu không khí trở nên căng thẳng khi số lượng người xếp hàng tăng. Một bà mẹ tỏ ra lo lắng nên đặt đứa con đang ngủ lên nóc bể chứa. Ai đó đốt lửa ở bãi rác gần đó khiến không khí trở nên nóng hơn. Thế rồi đột nhiên trạm biến thế nổ, khiến màn đêm trùm lên hàng người. Cảnh tượng đó giống như nét vẽ cuối cùng của bức tranh về cuộc sống ngột ngạt ở Latur.