Người dân Thái Lan phải dùng dù khi ra đường để chống nắng. Nhiệt độ tăng cao ở nước này liên tục lập những mốc kỷ lục mới kể từ năm 1950. Kể từ ngày 19/4, hơn 50 khu vực thành thị ở Thái Lan đều báo cáo nhiệt độ khá cao, như tỉnh Sukhothai là 44,3 độ C; tỉnh Mae Hong Son ở miền bắc đo được nhiệt độ 44,6 độ C vào ngày 29/4. |
Người đàn ông đi giữa cánh đồng khô cằn do hạn hán ở tỉnh Nonthaburi. Bộ Thông tin kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết, kể từ tháng 3, đợt không khí nóng như "thiêu đốt" đã khiến ít nhất 21 người tử vong. |
Một bé gái Campuchia bơm nước vào lu tại ngôi làng ở tỉnh Kandal ngày 27/4. Campuchia và Lào cũng lần lượt ghi nhận những mốc nhiệt độ cao mới trong mùa hè. Ngày 15/4, mức nhiệt độ cao toàn quốc mà Campuchia ghi nhận là 42,6 độ C ở Preah Vihea. Lào đo được nhiệt độ tại tỉnh Seno là 42,3 độ C. |
Một người ở tỉnh Karachi, Pakistan, đặt khăn thấm nước lên đầu người đi đường để tránh nóng. Chính quyền Karachi đã thành lập 52 trung tâm chống sốc nhiệt trên toàn địa phương để giảm thiểu những ca tử vong do trời nóng. Cơ quan khí tượng Pakistan ngày 29/4 cho biết, tình trạng nắng hạn diễn ra ở phần lớn nước này, địa phương có nhiệt độ cao nhất là tỉnh Sindh ở miền Nam: 41 độ C. |
Các bé trai tắm ở hồ Hatirjheel, thủ đô Dhaka, Bangladesh, ngày 29/4. Cơ quan khí tượng Bangladesh cho biết tình trạng nắng hạn sẽ tiếp tục tiếp diễn mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiệt độ ở thủ đô đo được mức cao nhất vào ngày 24/4 là 40,2 độ C. |
Một bé trai tắm dưới vòi phun nước ở thủ đô New Delhi. Ấn Độ là nước thiệt hại nặng nề nhất do trời nắng hạn. Theo AP, ít nhất 300 người đã tử vong do trời nóng khi nhiệt độ tháng 4 vượt mức 44 độ C. Phần lớn các nạn nhân là người vô gia cư. |
Người đàn ông vận chuyển nước ở Kolkata. Nhu cầu sử dụng nước của người Ấn Độ tăng vọt trong mùa hè. Cơ quan khí tượng Ấn Độ ngày 28/4 cảnh báo tình hình vào tháng 5 sẽ còn tồi tệ hơn, vốn là tháng nóng nhất ở Ấn Độ trong những năm qua. |
Người đàn ông chăn bò bên bờ sông Hằng. Tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 300 triệu người Ấn Độ. Do không có nước để tưới tiêu, người nông dân dự kiến bị thất thoát nghiêm trọng trong vụ mùa này. Khoảng 15% GPD Ấn Độ đến từ ngành nông nghiệp và tới 70% dân nước này làm nghề nông. |