Theo AP, nghiên cứu mới cho thấy thần ưng Andes - loài chim bay ở độ cao lớn nhất trên thế giới - có thể tận dụng hiệu quả sự vận động của các dòng khí để ở trên cao nhiều giờ mà không cần vỗ cánh. Trên thực tế, chúng chỉ đập cánh trong khoảng 1% thời gian ở trên không.
Thần ưng Andes sải cảnh dài tới 3 mét và nặng khoảng 15 kg khi trưởng thành, khiến chúng là loài chim bay cao lớn nhất thế giới. Tuổi thọ của chúng trong tự nhiên có thể lên tới 70 năm.
Các nhà khoa học gắn thiết bị theo dõi vận động của cánh lên một con thần ưng Andes. Ảnh: AP. |
Lần đầu tiên trong lịch sử, nhóm các nhà khoa học đã gắn thiết bị ghi âm mà họ gọi là "nhật ký hàng ngày" lên 8 con thần ưng Andes đang sinh sống ở khu vực Patagonia (vùng núi giữa Chile và Argentina) để theo dõi hoạt động cánh của chúng trong tổng cộng 250 giờ bay.
Đáng chú ý là những con chim chỉ dành khoảng 1% thời gian này vỗ cánh, phần lớn trong lúc cất cánh. Một con chim thậm chí đã bay hơn 5 tiếng, qua đoạn đường dài 160 km mà không cần vỗ cánh.
"Thần ưng là những chuyên gia bay lượn nhưng chúng tôi không nghĩ là chúng lại điêu luyện như vậy", giáo sư Emily Shepard, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà sinh vật học tại Đại học Swansea ở Wale, Vương quốc Anh, chia sẻ.
"Kết quả cho thấy chúng gần như không đập cánh và chỉ lượn, điều thật kinh ngạc", ông David Lentink, chuyên gia về vận động của chim khi bay tại Đại học Stanford, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định.
Đối với các loài chim, bầu trời không hề trống rỗng mà là một mảnh ghép của những thứ vô hình: những cơn gió mạnh, những luồng không khí nóng và những luồng khí bị đẩy lên khi gặp vật cản trên mặt đất như là núi.
Học cách tận dụng những đặc điểm này cho phép một số loài chim di chuyển quãng đường dài mà không cần phải vận động thể chất.
Các nhà khoa học chia hoạt động bay của chim thành 2 loại: đập cánh và lượn. Sự khác biệt cũng giống như đạp xe lên dốc và lao dốc vậy, theo ông Bret Tobalske, chuyên gia về vận động của chim khi bay tại Đại học Montana.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy cò trắng và chim ưng đập cánh lần lượt 17% và 25% thời gian chúng ở trên không, trong những chuyến bay di cư dài ngày.
Việc thần ưng Andes sử dụng ít năng lượng khi ở trên không là cần thiết cho lối sống của chúng, vì chúng phải bay hàng giờ ở trên những dãy núi cao để tìm ra xác chết của động vật để làm thức ăn, theo ông Sergio Lambertucci, đồng tác giả nghiên cứu và là nhà sinh vật học tại Đại học Quốc gia Comahue ở Argentina.