Một ngày nọ, cha tôi về nhà và thông báo đã đăng ký cho tôi học tại Học viện Bóng đá Zadar. Khi đó là mùa thu năm 1992, không lâu sau khi năm học mới bắt đầu, và tôi rất nóng lòng đi tập ngay! Cậu bạn thân Marko cũng gia nhập học viện đào tạo này, và cha tôi đưa cả hai đứa đến đó trên chiếc xe hơi của ông. Chúng tôi cực kỳ háo hức.
Cơ sở đào tạo bóng đá này nằm ở Banine, nơi từng là một căn cứ quân sự rất rộng, nay được cải tạo thành một trung tâm thể thao. Còn trong giai đoạn ban đầu khi tôi theo học, nơi đó chưa có cả phòng thay đồ, và bọn tôi thay đồ ngay trên khán đài. Tôi vẫn còn nhớ đôi giày đá bóng đầu tiên của tôi: hiệu Lotto, màu xanh lá cây, do cha tôi mua cho.
Khi đó tôi nghĩ đôi giày ấy là thứ đẹp nhất trên đời! Cha mẹ tôi đã hy sinh nhiều để cho con cái những thứ chúng cần. Riêng cha tôi thì rất tin vào năng khiếu bóng đá của con trai. Bản thân ông cũng có khả năng trở thành một cầu thủ thành công, nhưng tiếc là do hoàn cảnh nên ông đã không có cơ hội đó. Ông nói với mẹ tôi rằng Luka có tài năng đặc biệt trong môn thể thao này, và rằng ông muốn đảm bảo cho con trai có cơ hội tận dụng tài năng đó - một cơ hội mà bản thân ông đã không có được.
Luka Modric trong màu áo đội Real Madrid. Nguồn: empremilan. |
Huấn luyện viên đầu tiên của tôi là Željko Živković. Ngay buổi tập đầu tiên, ông đã xếp tôi tập chung với những cầu thủ lớn tuổi hơn. Tôi không mạnh về thể lực, song tôi không ngại bất kỳ ai trên sân bóng. Hẳn là tôi có được sự tự tin đó qua những trận bóng trên đường phố, trong bãi đậu xe, trên sân bê tông, hay trên bãi cỏ phía trước khách sạn Kolovare.
Trong những trận đấu đường phố đó, không ai quan tâm tới tuổi tác hay vóc dáng, bạn phải đối đầu với những đối thủ lớn tuổi hơn, học được cách tự mình đứng vững trong trò chơi này. Ống chân của tôi luôn bị bầm dập bởi những cú đá.
Tôi từng ngã xuống mặt sân bê tông cứng ngắc và trầy trụa rớm máu khi đứng dậy. Nhưng tôi không bao giờ than vãn, mà chỉ đơn giản là tiếp tục chơi! Có lẽ đó là lý do khiến những đứa trẻ lớn tuổi hơn chấp nhận tôi vào đội của chúng. Tôi nghĩ rằng chính bóng đá đường phố đã cho tôi một mức độ rắn rỏi và lì lợm nhất định, điều trở nên quan trọng về sau.
[…]
Năm 1995, sau chiến dịch Bão Táp (Operation Storm) đánh dấu một chiến thắng quyết định trong cuộc chiến giành độc lập cho Croatia, cha tôi bắt đầu đi học nghề để trở thành một thợ máy trong sân bay.
Là một quân nhân, ông làm việc tại sân bay Zemunik, và điều đó nghĩa là gia đình tôi một lần nữa phải di chuyển, lần này tới khách sạn Iž. Khách sạn này nhỏ và khiêm tốn hơn chỗ cũ, cách khách sạn Kolovare khoảng 15 phút đi bộ.
Cậu bạn Marko Oštrić và gia đình cũng rời khách sạn Kolovare, dọn tới khách sạn Zagreb. Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất là ngôi trường mới của tôi. Khi đó tôi đã học xong lớp 6, và chuyển qua trường phổ thông Šime Budinić, vì trường này gần “nhà mới” của tôi hơn trường cũ.
[…]
Mùa hè 1998 cũng để lại trong tôi một ký ức vui vẻ khác, với thành công của đội tuyển quốc gia Croatia tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới tổ chức tại Pháp. Khi đó tôi gần 13 tuổi, đủ lớn để hiểu rằng đội tuyển quê hương vừa đạt được một thành tích tuyệt diệu khi xếp hạng ba chung cuộc tại World Cup 98, chỉ chịu thua trước đội chủ nhà Pháp trong trận bán kết mà thôi. Nhưng đó cũng không phải là giải đấu lớn đầu tiên mà tôi theo dõi. Bốn năm trước, khi mới 9 tuổi, tôi đã xem và nhớ những chi tiết về World Cup 94 tại Mỹ.
Tôi nhớ danh thủ Romario của Brazil với kỹ năng rê dắt bóng điêu luyện, hay màn ăn mừng độc đáo sau khi ghi bàn của Bebeto theo vũ điệu “ru con”, mừng đứa con mới ra đời của anh ta. Nhưng ấn tượng nhất với tôi ở giải đấu ấy là màn “đấu súng” trên chấm 11 m giữa hai đội tuyển Brazil và Italy trong trận chung kết. Tất nhiên khi đó tôi chưa thể hiểu hết gánh nặng tâm lý trên vai các cầu thủ khi họ phải thực hiện các cú đá luân lưu để quyết định chức vô địch thế giới. Hai mươi năm sau, tôi đã hiểu điều này quá rõ.
Năm 1998, khi đội tuyển quốc gia Croatia thi đấu tại Pháp, chỉ cần quan sát phản ứng của người dân trong các khách sạn, trên đường phố, hay trên quảng trường, quán xá, là đủ hiểu được đang có một điều lớn lao xảy ra với đất nước này.
Dù còn nhỏ, tôi đã cảm thấy rất ấn tượng bởi không khí xung quanh, khi những người lớn rộn ràng phấn khích cổ vũ màn trình diễn xuất sắc của các tuyển thủ. Những tình cảm ấy mau chóng ăn sâu vào tâm trí, và như mọi cậu bé khác, tôi bắt đầu mơ ước có ngày trải qua những điều tương tự trong vai trò một cầu thủ bóng đá.
Danh thủ Zvonimir Boban (bên trái) trong trận bán kết World cup 1998 với đội tuyển Pháp. Nguồn: The Times. |
Từ lâu tôi đã chọn cho mình một vai trò và số áo thi đấu trên sân khi tôi trưởng thành - đó là chiếc áo số 10 của thủ quân Zvonimir Boban, thần tượng của tôi. Tôi theo dõi những màn trình diễn của anh ở đội tuyển quốc gia cũng như tại câu lạc bộ AC Milan. Đó là thời gian mà đội bóng thành Milan đang thống trị thế giới bóng đá, và Boban chính là một ngôi sao của họ.
Tuyệt vời làm sao khi thấy một người đồng hương của mình đang đóng vai trò quan trọng trong đội bóng AC Milan vĩ đại đó! Do đó, hoàn toàn tự nhiên khi tôi trở thành một fan của Rossoneri.
Cha mẹ mua cho tôi một bộ đồ thể thao với logo của AC Milan, còn tôi cũng sưu tập các sticker (nhãn dán) với hình của các danh thủ mà mình hâm mộ. Tôi chẳng bao giờ dám mơ ước rằng sau này sẽ có một ngày Boban - thần tượng và hình mẫu của tôi - chính là người trao cho tôi một phần thưởng “Cầu thủ xuất sắc” của bất kỳ giải đấu nào, nói gì tới World Cup!