Chế tác hình mèo cho ngày vía Thần Tài tại một tiệm vàng. Ảnh: Trương Hiếu. |
Trong cuốn Thần đất - Ông địa & Thần Tài, dựa vào thư tịch, hệ thống tượng thờ, truyện kể dân gian, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết tập tục thờ Thần Tài ra đời và phổ biến rộng rãi với sự phát triển của lực lượng doanh thương.
Vị thần biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, sẽ rất khó xác định việc thờ tự Thần Tài ở ta có từ bao giờ, nhất là khi Thần Tài được hội nhập vào hệ thống thần bản gia - tức các thần linh bảo hộ cho gia đình (trong cơ cấu thần linh trong gia đình có thể chia ra: Tổ tiên gia chủ; Các thần độ mạng cho vợ chồng gia chủ; Các thần tổ nghiệp; Các đối tượng thờ cúng có từ tôn giáo; Các vị thần bản gia). Các thần bản gia gồm có Táo Quân, Thổ thần, Ngũ tự và Thần Tài.
Cũng theo tác giả, ở ta tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thổ Địa có từ lâu và việc thờ tự vị thần này dựa vào hai tín lý cơ bản: Một là vị phúc thần bảo vệ cộng đồng dân cư; hai là vị thần ban sung túc, thịnh vượng.
Mãi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chúng ta mới thấy Thần Tài được thờ tự và non nửa thế kỷ sau trở thành một gia thần phổ biến với mọi nhà. Điều này khá hợp lý vì trong giai đoạn lịch sử này, kinh tế hàng hóa phát triển và phong trào tranh thương đã được đẩy lên bởi lớp điền chủ tư sản Việt, nghề nghiệp doanh thương không còn bị đánh giá thấp như ở thời phong kiến trước đó.
Tượng Thổ Địa - Thần Tài. Nguồn: Sách Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài. |
Tuy nhiên, sự phân biệt giữa Thần Đất (Thổ thần) và Tài thần ở thời kỳ này vẫn còn chưa thực sự rõ rệt. Trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị (xuất bản năm 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của đã cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều là “Thần đất, thần giữ tiền bạc”.
Hiện tượng này có thể xuất phát từ tín lý cổ xưa về Thần Đất có hai công năng: Một là bảo vệ cho một diện tích đất đai nào đó (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp…); hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản…) của đất theo tín lý phồn thực. Nói cách khác Thổ Địa cũng làm cho gia chủ phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu…). Đó là tín lý của thời kỳ “dĩ nông vi bản” - coi nông nghiệp là sản xuất chính yếu, coi thương nghiệp là thứ yếu.
Tuy nhiên, trong thực tế, Thần Tài không thay thế được thần Đất mà hai vị thần này được chấp nhận cộng tồn bên nhau, được thờ chung trong một khám thờ đặt sát đất, quay mặt ra theo hướng cửa chính của ngôi chùa, am, miếu hay ngôi nhà...
Thổ Địa (ông Địa) với hình tướng hỗn dung, mang thuộc tính sinh sản của đất, hàm chứa tính phồn thực, là nền tảng cơ bản của tín ngưỡng Thần Tài (với việc am hiểu địa bàn thần quản lý, ông Địa trở thành tiếp dẫn viên: “Môn khẩu Thổ Địa tiếp dẫn thần Tài”).
Còn Thần Tài, một vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có, tức không có thần tích, thần phả gì, mang hình tướng của Phúc Đức Chánh Thần của người Hoa, chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng). Đây là hình tướng phổ biến nhất. Kế đó là loại Thần Tài tay ôm bó bông lúa, tay vuốt râu. Cá biệt cũng có loại Thần Tài giống ông Thọ (trong bộ Tam Đa) với cái đầu hói đặc trưng, tay cầm quạt ba tiêu, cổ đeo xâu tiền điếu quanh bụng, dài quá rốn…
Thần Tài: 1. Dạng ôm bó lúa; 2. Dạng xách xâu tiền điếu. Nguồn: Sách Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài. |
Gốc gác ngày vía Thần Tài
Theo tín niệm của dân gian, ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Trong ngày này, ngoài việc thực hiện các tập tục thờ cúng, người ta thường đi mua vàng với mong ước một năm mới làm ăn phát tài.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch vốn không phải ngày vía Thần Tài mà là ngày vía đất. Vì Thần Tài và Thổ Địa có nhiều nhân duyên với nhau, được thờ chung một khám thờ, không tách rời nhau, nên người ta đã lấy ngày này là vía Thần Tài.
Theo nhà nghiên cứu, việc chọn ngày mùng 10 âm lịch làm ngày cúng Thổ địa có lẽ bắt nguồn từ một quan niệm về sự sinh thành trời đất và các loài vật mà Đông Phương Sóc đưa ra vào đời nhà Hán.
Theo quan niệm này, khởi thủy những ngày đầu tháng Dần (tháng giêng) thì: ngày mùng 1 sinh ra giống gà; ngày mùng 2 sinh thêm giống chó; ngày mùng 3 sinh thêm giống lợn; ngày mùng 4 sinh thêm dê; ngày mùng 5 sinh thêm trâu; ngày mùng 6 sinh thêm ngựa; ngày mùng 7 sinh ra loài người; ngày mùng 8 sinh ra ngũ cốc; ngày mùng 9 sinh ra trời; ngày mùng 10 sinh ra đất.
Cuốn Thần đất - Ông địa & Thần Tài. Ảnh: Sachkhaitri. |
Từ tín lý này, người ta tạo ra các tập tục lễ thức: Tháng giêng là tháng Dần nên Tết đều dán “bùa nêu - ông Cọp”. Ngày mùng 7 là ngày “nhân nhật” nên có lễ khai hạ, mùng 9 sinh ra trời là ngày vía Ngọc hoàng và mùng 10 là sinh ra đất, cúng đất, gọi là vía đất.
Cũng theo nhà nghiên cứu, vía đất gắn với tập tục động thổ sau những ngày đầu năm: tức sau lễ này thì việc cày bừa, giã gạo, bổ củi, đốn cây mới được phép tiến hành. Đối tượng của cuộc lễ này không chỉ là thần bản gia Thổ Địa mà là đất, nói chung là “cúng đất đai” và nói chỉ định hơn là Địa Kỳ, Hậu Thổ, một nghi lễ được tiến hành sau ngày vía Trời, Thiên Hoàng (ngày 9/1).
Lệ cúng đất sẽ diễn ra vào ngày mùng 10 cả 5 tháng đầu năm bắt nguồn từ quan niệm cho rằng ngày 10 tháng giêng là ngày vía sinh, tức cúng mừng sinh nhật đất và cho đến tháng 5 có ngày Địa Lạp tức ngày giỗ kỵ của đất, có nghĩa là ngày địa chết.
Ngoài lý giải trên còn có quan niệm các ngày mùng 10 âm lịch của 5 tháng đầu năm là ngày vía (ngày sinh) của các thần “Ngũ phương ngũ thổ” tức các Thổ Thần ở bốn phương và trung ương. Và mỗi ngày mùng 10 của 5 tháng đầu năm là ngày vía của một trong năm vị Thổ Thần đó.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng ngày mùng 2 và 16 hàng tháng âm lịch là lệ cúng thông thường của 5 thần Ngũ Phương và lệ cúng Thần Tài cũng được tích hợp chung vào đó.