Năm 2010, tôi đã có cuộc hành trình chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, “nóc nhà đông bắc” Việt Nam và ngỡ ngàng khi phát hiện dưới lòng con suối trơ đáy rất nhiều gốc, gỗ vụn ngọc am, loài thực vật tưởng như đã tuyệt chủng từ cả trăm năm trước.
Tôi đã có gắng dò hỏi khắp nơi, nhưng tuyệt nhiên không còn ai biết đến sự tồn tại của loài ngọc am nữa. Đến các nhà thực vật học hàng đầu Việt Nam cũng chẳng biết ngọc am là thứ cây gì, hình dáng ra sao.
Cây ngọc am khổng lồ ở Tả Sử Choóng |
Khát vọng được tận mắt loài cây như thần thoại, được nhắc đến rất nhiều trong những cuộc khai quật mộ ướp xác, tưởng như đã tan thành mây khói, thì bỗng một hôm, khi đi xem bộ quan tài ngọc am của ông Lù Sào Tỉn, ở thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang), tôi đã được ông mách về sự tồn tại của một cây ngọc am khổng lồ, mà ông gọi là “cây ướp xác”.
Người dân ở vùng Tây Côn Lĩnh thường gọi ngọc am là “cây ướp xác”, bởi xưa nay, người giàu thường tìm mua gỗ ngọc am đóng quan tài, để giữ xác được lâu.
Theo ông Tỉn, cây ngọc am khổng lồ ấy ở xã Tả Sử Chóng. Hồi năm 1989, ông Tỉn vào Tả Sử Choóng mua mấy tấm gỗ, ông đã trực tiếp nhìn thấy nó và nó to đến nỗi 3 người ôm mới xuể. Đem thông tin ấy hỏi các cán bộ kiểm lâm, mấy đồng chí đều cười bảo: “Làm gì còn cây ngọc am nữa, tuyệt chủng cả trăm năm nay rồi!”.
Sau này, tôi mới biết, có lẽ kiểm lâm giấu, không muốn công bố sự tồn tại của ngọc am.
Thông tin ông Tỉn cung cấp khá mơ hồ, song tôi vẫn quyết định tìm đường vào xã Tả Sử Choóng, một xã nằm trên độ cao 1.800, trên lưng chừng đỉnh Tây Côn Lĩnh, quanh năm lạnh lẽo. Chủ tịch kiêm bí thư xã Giàng Seo Man là người bản địa, nên anh rất am hiểu về ngọc am. Anh kể rất nhiều chuyện kỳ thú về loại gỗ này và các thời kỳ săn lùng ngọc am của người Hán.
Theo anh Man, mấy năm gần đây, giới săn lùng, buôn bán ngọc am tìm lên Tả Sử Choóng rất đông. Trực tiếp vào rừng săn lùng ngọc am không được, vì người lạ ra vào rừng không phải chuyện dễ dàng, nên họ đặt tiền người dân để thu mua ngọc am.
Gốc cây ngọc am thơm phức |
Một cái gốc cây nhỏ, mẩu gỗ có hình thù đẹp đổi được cả chiếc xe máy mới, nên có thời kỳ, cả xã rộ lên phong trào đi đào bới ngọc am. Người Mông trong xã bỏ bê ruộng nương, đào nát các cánh rừng để bới ngọc am. Mỗi nhà sắm một cái thuốn thép phi 18, dài 4-5m, chọc vào lòng đất để tìm kiếm ngọc am. Giờ thì đến gốc, rễ ngọc am trong lòng đất cũng đã bị đào sạch.
Hỏi về cây ngọc am, không cần suy nghĩ, anh Man lắc đầu kêu không có. Thế nhưng, nghe tôi thuyết phục, rằng cần thiết phải công bố, để tìm cách bảo vệ, phong cây di sản, thì anh Man gật đầu công nhận là ở xã Tả Sử Choóng có cây ngọc am.
Anh Giàng Seo Man đã cử Phó Trưởng Công an xã Lù Văn Tuấn dẫn tôi đi tìm cây ngọc am khổng lồ trong vườn rừng nhà hai anh em ruột Lù Seo Lèng và Lù Seo Hồ (con trai ông Lù Seo Pao). Nhà hai anh em Lèng và Hồ ở nằm chênh vênh sườn núi. Hôm đó, hai anh em Lèng và Hồ lên nương, nên cửa khóa. Nương xa nhà cả ngày cuốc bộ, nên mỗi lần lên nương, phải mấy ngày sau mới về.
Ngay phía sau nhà Lèng và Hồ là cây ngọc am cao lừng lững, vọt khỏi tán rừng. Gốc cây ngọc am này rất lớn, 3 người ôm mới hết. Tuy nhiên, lên độ cao chừng 3m thì thân tách làm đôi, trông như hai cây riêng biệt.
Vỏ cây ngọc am màu trắng, sần sùi, tuy nhiên, bóc lớp vỏ ra thì thấy phần thịt màu đỏ thẫm. Đứng ở gốc cây, cạnh chỗ có vết chém, thấy mùi đặc trưng của ngọc am tỏa ra rất đậm. Thân cây ngọc am thẳng tắp, mang đặc trưng của họ nhà sa mộc. Tôi ước chừng, cây ngọc am này phải cao cỡ 40 m.
Cây Ngọc am Khổng lồ, gốc cây vạm vỡ. Theo nhiều người, có nhiều gốc cây to tới mức phải cần tới 6 người ôm trọn. |
Theo lời anh Tuấn, kiểm lâm đã đóng dấu búa vào gốc cây. Tuy nhiên, tìm mãi không thấy dấu búa đâu cả. Người đàn ông trong bản bảo trẻ con đùng dao đẽo mất dấu búa rồi.
Anh Giàng Seo Man đã tìm hiểu về cây ngọc am này, song không ai biết nó đã bao nhiêu tuổi. Các cụ già nhất trong bản kể rằng, từ khi còn nhỏ, đã thấy nó to như bây giờ. Tuổi của cây ngọc am này phải vài trăm năm.
Năm trước, hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, anh em Lèng và Hồ đã rao bán cây ngọc am này. Một đại gia buôn gỗ người Bắc Quang đã gạ gẫm đổi 2 chiếc xe Win 100 xịn của Thái cùng với một món tiền. Hai anh em Lèng đã đồng ý. Vị đại gia này đã đặt cọc 4 triệu đồng cho Lèng.
Tuy nhiên, đại gia này chạy chọt suốt một năm trời không làm được thủ tục để khai thác, đành mất 4 triệu tiền đặt cọc. Biết tin Lèng và Hồ có ý định bán cây ngọc am, kiểm lâm huyện đã tìm vào đóng dấu búa, xã giải thích cây ngọc am là tài sản vô giá của cả nước và quản lý chặt chẽ. Cây ngọc am nằm trong vườn nhà mình, mà không được chặt bán, anh em Lèng và Hồ rất buồn!
Theo một số cán bộ xã, ngoài cây ngọc am khổng lồ ở vườn nhà Lèng, Hồ, còn một cây ngọc am khổng lồ nằm gần đỉnh Gió Chéo Phìn, trong rừng già, thuộc sự quản lý của xã. Anh Giàng Seo Man cho biết, cây ngọc am này phải 6 người ôm, to gấp đôi cây trong vườn nhà Lèng và Hồ và cao chừng 100m!
Sau khi ở xã ra, tôi gặp một tay buôn lũa ngọc am từ Tả Sử Choóng về thị trấn và anh này cũng bảo đã tận mắt cây ngọc am đó và đúng là nó phải cao đến 100 m. Tuy nhiên, tôi thực sự không tin lại có cây cao đến vậy. Nếu to và cao lắm, có lẽ chừng 50-60m là hợp lý.
Để tận mắt cây ngọc am mọc hoang dã gần đỉnh Gió Chéo Phìn, phải đi bộ leo dốc liên tục 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, chỉ đến mùa khô mới leo lên được Gió Chéo Phìn. Năm đó, mùa hè, mưa nắng bất chợt, núi đá đốc ngược, rất trơn, không thể đi được. Cách duy nhất leo lên đỉnh Gió Chéo Phìn là đi bộ dọc suối. Đi vào mùa mưa, nếu gặp mưa lớn, lũ ập về, mất mạng như chơi.
Không có cơ hội được tận mắt cây ngọc am khổng lồ, to gấp đôi cây ngọc am 3 người ôm ở vườn nhà Lèng và Hồ, tôi đành quay về, hẹn dịp khác diện kiến.