Thân nhân hành khách QZ8501 đau buồn sau khi nhận thi thể người nhà ở Surabaya. |
Theo Telegraph, người nhà các nạn nhân chuyến bay QZ8501 đã từ chối mức bồi thường 300 triệu rupee, tương đương 23.800 USD (với mỗi hành khách), mà AirAsia và hãng bảo hiểm hàng không Allianz đưa ra.
Luật sư hàng không nổi tiếng James Healy-Pratt thừa nhận ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích về tiền bồi thường với gia đình các nạn nhân QZ8501 bởi họ cho rằng mức bồi thường này là quá "rẻ mạt".
"Tôi khó lòng giải thích tại sao AirAsia và Allianz chỉ muốn bồi thường cho họ bằng một nửa những gì Allianz bồi thường cho người nhà nạn nhân MH370 và MH17", ông Healy-Pratt cho biết. "Rất nhiều người đã từ chối và cho rằng hãng hàng không giá rẻ AirAsia không nên đối xử với họ một cách rẻ mạt như vậy".
Luật sư Healy-Pratt bày tỏ hy vọng Tổng giám đốc AirAsia Tony Fernandes sẽ xử lý vụ việc này một cách thỏa đáng với gia đình các hành khách chuyến bay QZ8501. "Nếu ông ấy thực sự quan tâm đến gia đình các nạn nhân thì nên bồi thường cho mỗi gia đình 50.000 USD. Tôi hy vọng hàng không giá rẻ không đồng nghĩa với bồi thường rẻ mạt", luật sư Healy-Pratt nhấn mạnh.
Hãng bảo hiểm Allianz từ chối bình luận về sự chênh lệch tiền bồi thường nạn nhân chuyến bay QZ8501 và MH370/MH17. Dù vậy hãng này khẳng định số tiền 23.800 USD không phải là mức bồi thường cuối cùng.
Một người phát ngôn AirAsia cũng tuyên bố đây chỉ là khoản bồi thường đầu tiên để hỗ trợ tài chính cho các gia đình mất người thân. "Chúng tôi sẽ thỏa thuận bồi thường thêm sau khi đàm phán với tất cả các bên có liên quan", người phát ngôn này cho biết.
Theo Công ước Montreal, mỗi gia đình mất người thân trong tai nạn máy bay có thể được bồi thường tối đa hơn 160.000 USD. Tuy nhiên trên thực tế một số hãng hàng không đã phải bồi thường mức cao hơn sau khi thương lượng với gia đình các nạn nhân.
Người nhà các hành khách một chuyến bay của hãng hàng không Indonesia Adam Air gặp nạn năm 2007 được bồi thường tới 400.000 USD