Vớt thân máy bay, tìm kiếm thi thể nạn nhân
Mảnh vỡ có dòng chữ "Now" và "Every", một phần của khẩu hiệu "Now Everyone can fly" của AirAsia dưới đáy biển. Ảnh: Hải quân Indonesia |
Trong diễn biến mới nhất, giới chức Indonesia thông báo đội cứu hộ đã phát hiện phần thân máy bay Airbus A320 của AirAsia và đang cử thợ lặn xuống tìm kiếm thi thể hành khách và thành viên phi hành đoàn. Thợ lặn bắt đầu thâm nhập vào thân máy bay từ sáng 15/1, CNN đưa tin.
Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của giới chức Indonesia là tìm thi thể các nạn nhân. Tính tới tối 14/1, các đội cứu hộ đã vớt được 50 thi thể. Nhà chức trách cho biết nhiều tử thi mắc kẹt trên ghế hành khách của máy bay vì họ thắt dây an toàn lúc phi cơ gặp nạn. Người ta chưa thể xác định vị trí những thi thể còn lại nhưng nhiều khả năng các thi thể kẹt trong thân phi cơ hoặc nằm gần đó.
Hiện tại, thợ lặn đang thực hiện yêu cầu tiến sâu vào trong thân máy bay. Nếu công việc này trở nên quá nguy hiểm, người ta buộc phải dùng bóng hơi để kích nổi phần thân máy bay lên mặt nước trước khi dùng cần cẩu để đưa lên tàu. Giới chức Indonesia không tiết lộ độ sâu vùng biển thân phi cơ đang nằm nhưng các phần khác của QZ8501 được tìm thấy ở độ sâu 30 m.
Làm rõ nguyên nhân thảm kịch
Hộp đen của QZ8501 được ngâm trong nước ngọt sau khi vớt từ đáy biển. Ảnh: Reuters |
Cả hai thiết bị ghi âm buồng lái và lưu trữ dữ liệu chuyến bay QZ8501 đều đã được trục vớt. Chúng được xem là chìa khóa giúp các điều tra viên làm rõ nguyên nhân tai nạn. Hộp đen ghi âm buồng lái có thể giúp các nhà điều tra nghe được cuộc hội thoại cuối cùng trong buồng lái hoặc mọi âm thanh khác lạ chẳng hạn như tiếng nổ hoặc tiếng người khác ngoài các phi công. Trong khi đó, hộp đen lưu dữ liệu có thể tiết lộ vận tốc máy bay, thông số đo đạc của các cảm biến đặt khắp thân phi cơ cùng tình trạng động cơ trên toàn bộ hành trình.
Tuy nhiên, Mardjono Siswosuwarno, quan chức cấp cao của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, cho biết, việc giải mã hộp đen sẽ mất nhiều thời gian. Đây là công việc tỉ mẩn đòi hỏi sự tập trung cao độ của các điều tra viên để không bỏ sót các tình tiết có liên quan trực tiếp tới sự cố của máy bay chở 162 người.
Ông Mardjono hy vọng kết quả điều tra sẽ được công bố một tháng sau tai nạn nhưng đó chỉ là kết luận chung nhất. Các điều tra viên sẽ phải giải mã tất cả câu hỏi trong thảm kịch kinh hoàng. Tuy nhiên, việc này cần kéo dài trong nhiều tháng. Trong quá khứ, người ta mất hơn 1 năm để làm sáng tỏ sự cố với chuyến bay số hiệu 574 của Adam Air làm 102 người thiệt mạng ở vùng biển Indonesia năm 2007.
Ngoài các chuyên gia Indonesia, đội điều tra của Pháp, những người có kinh nghiệm trong việc giải mã sự cố với chuyến bay số hiệu 447 của Air France năm 2009, cũng tham dự quá trình điều tra. Hãng Airbus cũng cử các kỹ thuật viên tới hỗ trợ làm rõ nguyên nhân sự cố với mẫu phi cơ Airbus A320-200 của hãng này.
Bồi thường cho gia đình các nạn nhân
Một phần mảnh vỡ của chiếc Airbus A320 được chuyển từ tàu cứu hộ lên xe tải. Ảnh: CNN |
AirAsia cho biết, họ sẽ bồi thường khoản tiền 124.000 USD cho mỗi nạn nhân thiệt mạng trên chuyến bay xấu số. Trong đó, 100.000 USD là khoản bồi thường theo quy định của Bộ giao thông vận tải Indonesia và 24.000 USD mà số tiền mà họ bù đắp "khó khăn tài chính" của các gia đình trong giai đoạn tìm kiếm ban đầu.
Trên thực tế, số tiền mà AirAsia bồi thường cho gia đình các nạn nhân thấp hơn số tiền tối thiểu quy định trong Công ước Montreal về số tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa hàng không. Tuy nhiên, Indonesia là một trong những quốc gia từ chối ký vào công ước này.