Tranh Map of Hell trong Thần khúc của Dante, vẽ bởi Sandro Botticelli. Ảnh: Fine Art America. |
Sandro Botticelli (sinh ra tại Italy, mất năm 1510) là một trong những họa sĩ tiêu biểu trong thời kỳ Phục Hưng. Vào cuối thế kỷ 15, Botticelli bắt đầu vẽ loạt tranh Paradiso về trường ca Thần khúc, một áng thơ đồ sộ của châu Âu, truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ sau.
Tuy nhiên, trong cuốn Botticelli’s Secret: The Lost Drawings and the Rediscovery of the Renaissance (tạm dịch: Bí mật của Botticelli: Những bức vẽ bị mất và sự tái khám phá thời Phục Hưng), tác giả Joseph Luzzi lại chỉ ra rằng các bức tranh của Botticelli chứa đựng một thông điệp riêng xuất phát từ nguồn cảm hứng cá nhân. Nó không đơn thuần chỉ là sự minh họa Thần khúc của Dante.
Năm 1475, Botticelli được người thầy của mình giao nhiệm vụ minh họa lại 100 đoạn trong Thần khúc của Dante. Các hình tượng của Dante luôn đậm chất trung cổ và cứng nhắc của Cơ Đốc giáo. Trong khi Botticelli lại là một họa sĩ có tư duy thay đổi hướng về hiện thực đầy mới mẻ. Tác giả Luzzi đặt ra câu hỏi rằng liệu “điều gì sẽ xảy ra khi hai luồng tư duy này xung đột”. Những bức tranh của Botticelli còn là sự sáng tạo cá nhân lấy cảm hứng từ hiện thực.
Những chi tiết trong tranh của Botticelli tập hợp lại tạo thành một tổng thể đem đến cho người xem cảm giác “bức bối”, "ghê rợn" với hình ảnh con người quằn quại trong các tầng địa ngục của Dante. Luzzi cho rằng Botticelli đã làm nó khác đi và không hoàn toàn cứng nhắc, giáo điều như thời điểm Thần khúc ra đời.
Nếu Beatrice của Dante là hiện thân cho sự cứu rỗi dưới đáy địa ngục thì nàng thơ trong tranh của Botticelli lại là biểu tượng cho hạnh phúc lan tỏa. Đặc biệt, đối với bức Map of Hell, Luzzi nhận định Botticelli đã thể hiện rõ "một chủ nghĩa nhân văn trong thời kỳ Phục Hưng khai sáng".
Hiện tại chỉ có 92/100 bức tranh vẽ Thần khúc của Botticelli còn tồn tại. Theo lý giải từ cuốn sách của Joseph Luzzi, thời điểm các bức minh họa ra đời, cuộc sống nghèo khổ khiến Botticelli đã phải bán đi khá nhiều. Tầng lớp thượng lưu sử dụng tranh của Botticelli như một vật trang trí.
So với các họa sĩ đương thời như Michelangelo và Leonardo, Botticelli không được đánh giá cao. Trong cuốn sách The Lives of the Artists (được xuất bản 1568), tác giả Giorgio Vasari không dành nhiều lời nhắc đến họa sĩ này. Ông còn cho rằng tranh của Botticelli thiếu tính “sống động”.
Mãi cho đến thế kỷ XIX, các bức tranh của Botticelli mới được xem xét lại bởi giới hội họa. Nhà phê bình Jacob Burckhardt ở Thụy Sĩ, Walter Pater ở Anh, bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt tới thời kỳ Phục Hưng, đặc biệt là chủ nghĩa nhân văn trong tranh của Botticelli. Thay vì khắc họa lại những khuôn mặt trống rỗng, Botticelli miêu tả nhiều hơn vào biểu cảm, sự mệt mỏi, những thứ thuộc về hiện thực và ít nhắc đến trong tôn giáo.
Cuốn sách của Luzzi còn kể lại một hành trình dài của các bức tranh trong bộ Paradiso có thể tập hợp lại với nhau vào năm 2000 tại Rome, Berlin và London. Vào đầu thế kỷ thứ XIX, bộ tranh thuộc về bộ sưu tập của công tước Hamilton ở Scotland. Sau đó, đến năm 1882, gia đình vị Công tước này đã bán đi. Friedrich Lippmann, một nhà sử học người Đức đã phát hiện ra chữ ký của Botticelli trên bộ tranh và đem chúng về Berlin. Tại đây, thông điệp của chúng đã gây ra ảnh hưởng đến chính trị Đức thời kỳ Adolf Hitler cầm quyền. Khi Chiến tranh lạnh diễn ra, các bức tranh lại được treo ở nhiều nơi khác nhau.
Botticelli’s Secret: The Lost Drawings and the Rediscovery of the Renaissance là một cuốn sách khảo cứu liên ngành lịch sử văn học và lịch sử hội họa. Luzzi mở ra nhiều câu hỏi và suy tưởng cho độc giả về sự nghiệp của một họa sĩ nổi tiếng thời Phục Hưng, Sandro Botticelli.