Chân dung tỷ phú Richard Branson. Nguồn: thefamouspeople. |
Vào năm 1977, toàn bộ lợi nhuận trước thuế mà Virgin thu được là 400.000 bảng; năm 1978, con số này đã tăng lên 500.000 bảng. Sau sự tan rã của The Sex Pistols, chúng tôi vẫn còn lại đông đảo những nghệ sĩ đầu tiên, quan trọng nhất là Mike Oldfield. Album của Mike luôn bán chạy trong trào lưu nhạc rock và làn sóng mới.
Chúng tôi cũng mới ký hợp đồng với hai ban nhạc, cả hai dường như khá kín tiếng và chơi thể loại nhạc tổng hợp: Orchestral Manoeuvres in The Dark và The Human League. Trong khi hai ban nhạc này vẫn có số lượng đĩa bán chạy thì XTC, The Skids và Magazine vẫn duy trì được doanh số. Chúng tôi cũng tiếp tục kinh doanh hiệu quả tại Pháp và Đức, đặc biệt với Tangerine Dream.
Vào năm 1979, một người ngoài cuộc có thể nhìn vào Virgin và kết luận rằng đây là một sự lượm nhặt và pha tạp các loại hình công ty khác nhau. Từ một căn nhà nhỏ tại Vernon Yard, chúng tôi đã kinh doanh các cửa hàng băng đĩa do Nik điều hành; công ty thu âm do Simon và Ken điều hành; và công ty phát hành âm nhạc do Carol Wilson điều hành. Căn biệt thự Manor vẫn hoạt động tốt và chúng tôi đã mở rộng hoạt động thu âm bằng việc mua một studio thu âm tại London.
Kế hoạch ban đầu thành lập tất cả những gì mà một ngôi sao nhạc rock cần, thu âm, phát hành, phân phối và bán lẻ, đang bắt đầu được thực hiện. Trên đà thắng lợi, chúng tôi đã thành lập Nhà xuất bản sách Virgin, chủ yếu xuất bản các sách về âm nhạc, tiểu sử và tự truyện của các ngôi sao nhạc rock.
Đổi lại việc album tương lai của The Sex Pistols không bao giờ được thực hiện, chúng tôi lại giành được quyền liên quan đến bộ phim Malcolm McLaren đang sản xuất, The Great Rock&Roll Swindle (Trò đại bịp của Rock&Roll). Điều này có thể giúp đảm bảo cho album cuối cùng và nhạc phim của bộ phim. Để tổ chức sản xuất bộ phim này, chúng tôi đã thành lập hãng phim Virgin Films do Nik tiếp quản. […]
Tôi cố gắng để chỉ ra rằng Virgin đang phát triển thành một công ty lớn. Chúng tôi có doanh số khả quan và đang thu lợi ổn định như bất kỳ một doanh nghiệp thông thường nào. Nhưng những giám đốc nhà băng lại không bao giờ thấy vậy. “Nhưng rõ ràng năng lực doanh thu của các ông quá kém. Trước hết chúng tôi không thể đứng xem doanh thu của các ông sẽ tăng bao nhiêu trong hơn một tháng”.
Mặc cho những phân tích không mấy lạc quan này, vào cuối năm 1978 chúng tôi cảm thấy hoàn toàn tự tin: tại Anh chúng tôi đã có một năm tốt lành với một chuỗi các hit trong danh sách đứng đầu và doanh số hiệu quả thu về từ các cửa hàng băng đĩa. Nhưng năm 1979 Margaret Thatcher được bầu làm thủ tướng; tỷ lệ lãi suất tăng vọt và chúng tôi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Doanh số đĩa hát tại Anh giảm lần đầu tiên trong vòng 20 năm và chuỗi các cửa hàng của chúng tôi tại Anh đã bị lỗ rất nhiều. Ken cũng không gặp may tại New York: Đĩa đơn đầu tiên tại đó đã tiêu tốn 50.000 bảng tiền quảng cáo và hoàn toàn thất bại. Không còn cách nào khác, chúng tôi quyết định đóng cửa văn phòng và gọi Ken trở về. […]
Vào năm 1980, tôi tới Los Angeles để cố gắng lôi kéo sự quan tâm của các công ty thu âm Mỹ vào những nghệ sĩ Anh. Chuyến đi là một thảm họa. Tôi mang theo bộ sưu tập các băng nhạc demo nhưng không một ai quan tâm.
Mike Oldfield vẫn nổi tiếng - thậm chí một người nào đó đã phát âm sai tên anh ta là “Oilfield” (mỏ dầu), mà chắc chắn nó có vẻ đúng với thực tế của Virgin - nhưng những ban nhạc khác mà tôi đang cố gắng để bán bản quyền như The Skids, The Motors, XTC, Japan, Orchestral Manoeuvers in the Dark (“Này Richard” – Người mua tại CBS nói. “Chúng tôi không kiếm được gì cả ngày nay. Lẽ nào chúng tôi không thể gọi họ là OMD sao?”) và The Flying Lizards, cũng nhận được sự quan tâm lắng nghe nhưng chỉ thu về rất ít hợp đồng.
Khi tôi thấy thu nhập của Virgin đang cạn dần, tôi đã lập bản danh sách các khoản tiết kiệm chúng tôi có thể thực hiện. Tôi đã bán Denbigh Terrace và đổ tiền vào Virgin; chúng tôi cũng bán hai căn hộ tại Vernon Yard; và cắt giảm tất cả mọi thứ chúng tôi có thể nghĩ tới.
Mới đây tôi tình cờ thấy lại bản danh sách các việc cần ưu tiên thời gian trong cuốn sổ ghi chép cũ. Nó mang tôi quay trở về cảm giác tuyệt vọng:
1. Thế chấp lại biệt thự Manor.
2. Ngắt hệ thống sưởi tại bể bơi.
3. Ký hợp đồng với ban nhạc Japan.
4. Bán nhà tại Vernon Yard.
5. Đề nghị Mike Oldfield cho phép chúng tôi giữ tiền mặt của anh ta.
6. Bán nhà thuyền.
7. Bán xe hơi.
8. Cho thuê tất cả thiết bị thu âm.
9. Nik có thể bán cổ phần của mình cho một ngân hàng nhà buôn hoặc Warner Bros.
10. Bán The Venue.
Tôi đã viết một lá thư cho nhân viên của Virgin và nói với họ rằng chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu khẩn cấp.
Tin tốt lành là đĩa nhạc mới của Ian Gillan đã vươn thẳng lên vị trí số 3 trong bảng xếp hạng. Nhưng tin xấu đó là chúng tôi chỉ bán được 70.000 bản, bằng một nửa so với số lượng một đĩa nhạc vị trí số 3 có thể tiêu thụ vào năm ngoái. Lợi nhuận của chúng tôi đã giảm hơn một nửa với cùng tổng phí tương đương năm ngoái.
Theo số liệu tính toán của Nik, Virgin bị thua lỗ 1 triệu bảng năm 1980.
“Tôi không thể bán cổ phần của tôi cho ngân hàng nhà buôn” - Anh ta nói với tôi. “Virgin đã lỗ 1 triệu bảng năm nay. Số cổ phần đó cũng chẳng thể bù đắp được gì”.
“Nhưng còn tên thương hiệu thì sao?” - Tôi hỏi.
“Virgin ư? Nó đáng giá âm 1 triệu bảng” - Anh ta nói. “Họ sẽ không nhận ra bất kỳ giá trị nào trong tên thương hiệu. British Leyland còn đáng làm tên thương hiệu không?”.
Virgin đột nhiên rơi vào khó khăn cùng cực. Cuộc khủng hoảng năm 1980 đã khiến chúng tôi phải nếm trải sự tàn khốc không ngờ tưởng như một trận cuồng phong trên biển. Đó là lần thứ hai chúng tôi phải sa thải nhân viên: 9 người, đại diện cho 1/6 số nhân viên trên toàn thế giới của Virgin Music.
Tỷ lệ cắt giảm này ít hơn hẳn so với các công ty thu âm khác lúc bấy giờ nhưng đó là một đòn đau đớn tưởng như cắt lìa khúc ruột với chúng tôi. Nik, Simon, Ken và tôi đã mất hàng giờ tranh cãi chúng tôi nên làm gì. Không còn một ngôi sao nhạc rock chủ lực nào để có thể tung ra một đĩa nhạc đình đám, Virgin sẽ không thể nghĩ tới thu nhập trong tương lai.