Theo South China Morning Post, một nhóm các phụ huynh đầy tham vọng của Trung Quốc mới đây phải nhận chỉ trích từ cộng đồng sau khi sự thật được phơi bày rằng họ đã giúp đỡ con cái mình để chúng đạt giải thưởng khoa học quốc gia.
Trên thực tế, "những đứa trẻ kỳ diệu", tên mà truyền thông đặt cho chúng sau khi đoạt giải thưởng, đã được bố mẹ - vốn cũng là các nhà khoa học - giúp đỡ rất nhiều để hoàn thiện tác phẩm của mình. Sự việc đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em.
Uỷ ban cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC) đã thu hồi giải ba được trao tặng cho một học sinh tiểu học ở tỉnh Vân Nam vì được bố giúp đỡ phần lớn nghiên cứu. Ảnh: Weibo. |
Hôm 16/7, uỷ ban cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC) đã thu hồi giải ba được trao tặng cho một học sinh tiểu học ở tỉnh Vân Nam trước đó.
Cậu bé giành được giải cho nghiên cứu di truyền về ung thư đại trực tràng, nhưng sau đó được phát hiện rằng cậu không thể tự mình thực hiện nghiên cứu vì hiểu biết về di truyền học vẫn còn hạn chế.
Cha của cậu bé, chuyên gia về u và tế bào gốc tại Viện Động vật học Côn Minh, sau đó thừa nhận ông giúp đỡ con trai mình thực hiện nghiên cứu, và gửi thư công khai để xin lỗi.
"Tôi không hoàn toàn nắm bắt được quy định quan trọng rằng báo cáo khoa học nên được viết bởi một mình tác giả, và đã tham gia quá nhiều vào quá trình biên soạn nghiên cứu", vị phụ huynh cho biết.
Người cha cũng cầu xin sự khoan dung và thấu hiểu từ công chúng, chia sẻ rằng con trai ông đã phải chịu "áp lực tinh thần cực kỳ nặng nề".
Những câu hỏi cũng được đặt ra xoay quanh hai học sinh tiểu học có cha là giáo sư chuyên về bệnh gan tại Đại học Vũ Hán. Cặp đôi cùng giành giải 3 cách đây hai năm cho nghiên cứu về cách chiết xuất từ lá trà có thể chống lại các khối u ở gan.
Cha của hai đứa bé phủ nhận giúp đỡ con mình trong nghiên cứu, và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ thành phố Vũ Hán cũng cho biết cặp đôi đã tự mình nghĩ ra ý tưởng và thực hiện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Mặc dù hai học sinh đã được đào tạo trước khi tiến hành thí nghiệm, các chuyên gia y tế cho biết họ cần phải phân tích thí nghiệm và đặt câu hỏi làm thế nào những đứa trẻ nhỏ tuổi như vậy có thể có thông tin để thực hiện điều này.
Một cậu bé đến từ Tứ Xuyên, người giành 3 giải thưởng của CASTIC về nghiên cứu vật lý, khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo cũng bị đặt câu hỏi sau khi các chuyên gia phát hiện nghiên cứu khoa học mới nhất của cậu về xe hơi không người lái có chất lượng còn cao hơn các công nghệ tốt nhất trên thị trường.
Một kỹ sư AI đến từ công ty phát triển xe hơi không người lái ở Thượng Hải cho rằng nếu nghiên cứu của cậu bé là thật nó nên được xuất bản trên những tạp chí khoa học hàng đầu.
Những thông tin này làm dấy lên cuộc tranh luận về việc nhiều trẻ em được cha mẹ giúp đỡ trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học.
"Nếu các cơ hội nghiên cứu khoa học do các mối quan hệ gia đình mang lại giúp cho học sinh có hứng thú và truyền cảm hứng cho tư duy khoa học, các kênh như vậy có thể được mở ra cho những người không có quan hệ gia đình không? Vì các cơ sở tài trợ và nghiên cứu mà bạn sử dụng được cung cấp bởi nhà nước chứ không phải gia đình bạn", một bình luận trên WeChat cho hay.