Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tham vọng mới của các nhà bán lẻ công nghệ sau cuộc chiến giá rẻ

Sau một năm cạnh tranh khốc liệt về giá trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng suy yếu, các doanh nghiệp bán lẻ đã lạc quan hơn với mục tiêu kinh doanh trong năm 2024.

Các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đang trở lại xu hướng theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Ảnh: DDV.

"Năm 2024, 2 chuỗi điện thoại và điện máy của Thế Giới Di Động sẽ không chủ trương để dẫn đầu về cuộc chiến giá. Chúng tôi cho rằng đã hoàn thành sứ mệnh này trong năm 2023", ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thegioididong.com tuyên bố trong một cuộc họp với nhà đầu tư hồi tháng 2 năm nay.

Sau năm 2023 với định hướng tập trung cho “cuộc chiến” cạnh tranh về giá khốc liệt nhằm gia tăng thị phần, không chỉ Thế Giới Di Động, nhiều nhà bán lẻ công nghệ đã chuyển hướng trở lại với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

Tham vọng lợi nhuận tăng vọt trở lại

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 tới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu 125.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 1.300% so với năm trước.

Trong năm 2023 trước đó, doanh nghiệp bán lẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài vẫn ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 118.000 tỷ đồng, tuy nhiên, số thu này đã giảm 11% so với năm 2022 và chỉ hoàn thành 88% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của doanh nghiệp này chỉ đạt gần 170 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay.

Trong khi đó, một trong những đối thủ lớn của Thế Giới Di Động là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (HoSE: FRT) - cũng trải qua năm kinh doanh 2023 đầy khó khăn với lợi nhuận lao dốc về mức âm hơn 290 tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn lãi gần 490 tỷ.

Tương tự, CTCP Thế giới số - Digiworld (HoSE: DGW) - năm 2023 cũng ghi nhận doanh thu đạt hơn 18.800 tỷ đồng, giảm 15%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 350 tỷ đồng, giảm 48%.

Bước sang năm 2024, cả 2 nhà phân phối hàng di động, điện tử này đều đặt mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận.

Trong đó, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 17/4 tới đây, FPT Retail sẽ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, doanh thu tăng trưởng dự kiến 17%, đạt 37.300 tỷ đồng.

"Ông lớn" bán buôn ICT - Digiworld - cũng lên kế hoạch kinh doanh lạc quan năm nay với mục tiêu doanh thu cao kỷ lục đạt 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 490 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 38% so với năm 2023.

THAM VỌNG CỦA CÁC 'ÔNG LỚN' BÁN LẺ CÔNG NGHỆ NĂM 2024
Kế hoạch kinh doanh của một số doanh nghiệp bán lẻ công nghệ. Nguồn: BCDN.
NhãnThế Giới Di ĐộngFPT RetailDigiworldPetrosetco
Doanh thu hợp nhất tỷ đồng 125000373002300018540
Lợi nhuận
2400125490205

Digiworld cho biết sẽ duy trì quan hệ với các đối tác hiện có và tìm kiếm thêm đối tác tiềm năng mới. Ngoài ra, công ty sẽ mở rộng kênh phân phối đa ngành, phát triển đội ngũ cho các ngành hàng mới, nâng cao thị phần...

Tương tự, Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (HoSE: PET) - cũng lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2024 với doanh thu thuần hợp nhất dự kiến đạt 18.540 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 205 tỷ đồng, tăng 47%.

Trước đó, năm 2023, doanh nghiệp phân phối điện thoại, laptop và máy tính xách tay này ghi nhận doanh thu đạt hơn 17.200 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 140 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022 và chỉ hoàn thành 58% mục tiêu đề ra.

Không đặt nhiều kỳ vọng vào sức mua

Đánh giá về hoạt động kinh doanh năm nay, các doanh nghiệp hàng công nghệ này đều cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do những diễn biến vĩ mô khó lường. Do đó, Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld, Petrosetco hay nhiều nhà bán lẻ công nghệ khác đều cho biết sẽ tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, kinh doanh thêm mặt hàng, dịch vụ khác...

Chẳng hạn, Thế Giới Di Động của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết sẽ lựa chọn thích nghi với bối cảnh kinh doanh, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục khả quan ở giai đoạn này. Doanh nghiệp dự kiến nhu cầu mua sắm tiêu dùng sẽ đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu.

Mặc dù vậy, với nền tảng tài chính lành mạnh và bộ máy tinh gọn sau tái cấu trúc, Thế Giới Di Động cho biết sẵn sàng đối phó với những biến động, có dư địa và quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng và lãi ròng 2.400 tỷ đồng. Trong năm nay, doanh nghiệp tiếp tục tái cấu trúc toàn diện, đặt mục tiêu cho từng chuỗi phù hợp với giai đoạn tương ứng.

Theo đó, các chuỗi kinh doanh sẽ chỉ giữ lại những điểm bán hiệu quả, tập trung tăng chất lượng phục vụ, bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục tinh gọn đội ngũ nhân sự. Ngoài ra, Thế Giới Di Động cho biết sẽ rà soát toàn bộ hoạt động, chủ động thay đổi cách làm mới...

Với FPT Retail, doanh nghiệp bán lẻ này cũng nhận định thị trường vẫn còn nhiều rủi ro và đối mặt với nhiều yếu tố bất định, trong đó các bất ổn vĩ mô thế giới ảnh hưởng nhanh và mạnh hơn trong nước.

Thêm vào đó, trong 2 năm Covid-19, nhu cầu mua sắm tăng cao và sau đó là thời kỳ sụt giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa kể từ năm 2022, thị trường bán lẻ nói chung cần thời gian để phục hồi dần.

doanh nghiep ban le anh 1

Bên cạnh bán lẻ điện thoại, năm nay FPT Shop sẽ mở bán thêm đồ gia dụng, tivi, điều hòa... để tăng doanh thu. Ảnh: Xuân Sang.

Trong khi đó, ICT là mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu mua sắm mặt hàng này được kỳ vọng phục hồi chậm nếu nền kinh tế được dự báo tốt hơn trong năm 2024. Do vậy, FRT đặt kỳ vọng doanh thu chuỗi FPT Shop đi ngang trong năm nay.

Năm 2024, FRT cũng sẽ xem xét đánh giá hoạt động của từng cửa hàng FPT Shop, đóng một số cửa hàng không hiệu quả. Đồng thời kinh doanh thêm mặt hàng, dịch vụ khác như đồ gia dụng, tivi, điều hòa... Đặc biệt, tập trung phân khúc bán hàng online với đa nền tảng.

Ban lãnh đạo Digiworld cũng cho biết sẽ mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác như phân phối máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh thương hiệu Xiaomi; phân phối độc quyền nhãn hàng Poly chuyên cung cấp các thiết bị hỗ trợ việc học trực tiếp; chuỗi cầm đồ Vietmoney…

Với Petrosetco, doanh nghiệp này nhận định năm 2024 là thời điểm thay mới thiết bị của các sản phẩm điện thoại, laptop sau vùng đỉnh năm 2021. Do đó, HĐQT công ty định hướng trong năm nay bên cạnh chiến lược gia nhập ngành hàng mới và phát huy tốt những nhãn hàng chủ lực.

Theo SSI Research, doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại và điện máy sẽ phục hồi 5% so với cùng kỳ trong năm 2024, sau khi giảm mạnh khoảng 20-25% trong năm 2023. Mức tăng trưởng sẽ mạnh hơn trong nửa đầu năm 2024 dựa trên mức nền so sánh thấp, nhưng đà này sẽ giảm dần trong nửa cuối năm.

"Cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt trong quý III/2023. Tuy nhiên, mức tồn kho của các nhà bán lẻ trong quý III khác nhau khi chuỗi Điện Máy Xanh, Thegioididong.com ghi nhận lượng hàng tồn kho giảm, trong khi lượng hàng tồn kho của FPT Shop vẫn ở mức cao", SSI nhận định.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thế Giới Di Động bán 5% vốn Bách Hóa Xanh cho đối tác Trung Quốc

CDH Investments đã hoàn tất mua 5% cổ phần của Bách Hóa Xanh, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để đầu tư vào các hoạt động và phát triển kinh doanh của công ty.

Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam cao nhất hai năm

Các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ sự lạc quan về kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Niềm tin của họ đối với môi trường kinh doanh Việt Nam tăng cao nhất kể từ 2022.

Doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng âm 4 quý liên tiếp

Quý I năm nay đã là quý thứ 4 liên tiếp doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng âm, ước đạt 53.300 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm