Hai thập niên qua, bóng đá châu Á chứng kiến sự thăng trầm của Saudi Arabia. Đó từng là quốc gia luôn tự hào về nội lực cũng như sức mạnh của nền bóng đá trong tương quan châu lục.
Tuy nhiên, ĐTQG Saudi Arabia bị loại từ vòng bảng ở 3 trong 5 kỳ Asian Cup gần nhất. Họ cũng không thể giành vé dự World Cup 2010 và 2014. Thậm chí, ở vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Á, Saudi Arabia còn không vào nổi vòng loại thứ ba. Đó là một sự sa sút khó chấp nhận với nền bóng đá từng tự hào là "Vua của châu Á".
Cho đến lúc này, tuyển Saudi Arabia là đội duy nhất toàn thắng ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Reuters. |
Lấy lại vị thế
Trong một bài viết cho Zing, nhà báo John Duerden của Guardian đánh giá Saudi Arabia là nền bóng đá hàng đầu châu Á, nhưng họ đã sa sút một cách khó hiểu trong nhiều năm qua.
Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, Saudi Arabia vô địch Asian Cup 1984, và bảo vệ thành công danh hiệu đó 4 năm sau. Đến năm 1996, Saudi Arabia tiếp tục vô địch một lần nữa. Tại World Cup 1994 trên đất Mỹ, đội bóng này chơi ấn tượng và là một trong những "ngựa ô" của giải đấu năm đó.
Nhưng nỗi xấu hổ ở vòng loại World Cup 2010 và 2014 khiến bóng đá Saudi Arabia quyết tâm làm mới mình. Việc bổ nhiệm Herve Renard, một HLV gặt hái nhiều thành công trong quãng thời gian làm việc trước đó ở châu Phi, cho thấy tầm nhìn của các nhà lãnh đạo bóng đá Saudi Arabia.
Họ không lao vào cuộc đua giành chữ ký những HLV tên tuổi từ châu Âu. Tuyển Saudi Arabia cần một người phù hợp với nền bóng đá, giàu kinh nghiệm và có thể duy trì lối chơi tấn công. clà lựa chọn hoàn hảo.
Dưới bàn tay của HLV người Pháp, tuyển Saudi Arabia vẫn duy trì lối chơi kỹ thuật và cống hiến, nhưng không làm giảm sự hiệu quả. Đội bóng của HLV Renard là đội duy nhất ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 toàn thắng sau 4 lượt trận. Với 12 điểm sau các chiến thắng trước Nhật Bản, Oman, Trung Quốc và Việt Nam, Saudi Arabia nắm lợi thế lớn để giành một trong hai tấm vé đi thẳng đến World Cup 2022.
Saudi Arabia cũng chơi cống hiến nhất ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, với 8 bàn thắng sau 4 trận. Không ĐTQG nào ở châu Á có phong độ cao hơn Saudi Arabia vào lúc này.
Hai chuyến làm khách khó khăn trên đất Australia và Việt Nam ở loạt trận tháng 11 của vòng loại World Cup 2022 có tính chất quan trọng đến thứ hạng của Saudi Arabia. Những kết quả thuận lợi sẽ giúp thầy trò Renard tiến gần hơn đến tấm vé dự World Cup 2022.
Tuy nhiên, việc vào thẳng vòng chung kết World Cup 2022 chỉ là một trong những mục tiêu mà các nhà lãnh đạo bóng đá Saudi Arabia đề ra. Tham vọng của họ là nâng tầm vị thế của quốc gia thông qua bóng đá, giống như những gì người Qatar và UAE đã làm một thập niên qua.
Hoàng gia Saudi Arabia muốn cải thiện bộ mặt của quốc gia qua việc mua lại Newcastle United. Ảnh: Sky News. |
Tham vọng được nâng tầm
Với việc thành công trong thương vụ mua lại Newcastle United, Hoàng gia Saudi Arabia khiến thế giới phải nhắc đến tên mình. Bỏ qua những tranh cãi hay thậm chí tẩy chay về mặt chính trị, thương vụ mua Newcastle giúp Saudi Arabia bắt đầu tạo ra tầm ảnh hưởng đến phương Tây.
Thông qua Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF), Hoàng gia Saudi Arabia không giấu ý định đầu tư mạnh mẽ cho Newcastle, một trong những đội bóng có lượng người hâm mộ cao nhất tại Anh.
Amanda Staveley, nữ doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giúp PIF thâu tóm Newcastle, khẳng định "Chích chòe" sẽ được đầu tư toàn diện. Các ông chủ người Saudi Arabia không chỉ mua sắm cầu thủ cho đội một, mà còn đầu tư vào học viện, cơ sở vật chất và thậm chí là bóng đá nữ.
Người Saudi Arabia có đủ nguồn lực để làm điều đó. Khối tài sản của PIF ước tính lên tới 320 tỷ bảng (theo số liệu từ Forbes). Sheikh Mansour, chủ sở hữu CLB Man City chỉ có khối tài sản 23,3 tỷ bảng. Qatar Sport Investments, chủ sở hữu PSG, có khối tài sản khoảng 220 tỷ bảng.
Một Newcastle "thay da đổi thịt" có thể giúp thay đổi bộ mặt của bóng đá Saudi Arabia, hay xa hơn là cả quốc gia Tây Á này. Bóng đá Qatar trỗi dậy mạnh mẽ kể từ khi QSI mua lại Paris Saint-Germain. Họ vô địch Asian Cup 2019 và đã sản sinh ra một thế hệ cầu thủ tài năng. Điều tương tự cũng xảy ra với bóng đá UAE.
Thậm chí xét trên nội lực của nền bóng đá, Saudi Arabia có truyền thống sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi hơn cả UAE hay Qatar. Các CLB của Saudi Arabia luôn là thế lực hàng đầu ở AFC Champions League, ngang ngửa với các đội bóng từ Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Đội bóng mạnh nhất Saudi Arabia, Al-Hilal vô địch AFC Champions League 2019 và đang trên đường tái lập thành tích vô địch giải đấu năm nay. Ở trận bán kết liên khu vực AFC Champions League 2021, Al-Hilal vượt qua một đại diện khác cũng của Saudi Arabia là Al-Nassr.
Nói cách khác, bóng đá Saudi Arabia thống trị khu vực Tây Á ở AFC Champions League mùa này. Những gì đang xảy ra cho thấy Saudi Arabia đã sẵn sàng đòi lại vị thế số 1 của họ ở châu Á.
Với nền tảng, tham vọng và nguồn lực dồi dào, người Saudi Arabia hoàn toàn có thể nghĩ về điều đó.