Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Newcastle sẽ làm thay đổi bóng đá châu Âu?

Giống Man City và PSG, các ông chủ người Saudi Arabia của Newcastle United sẽ thách thức các thế lực truyền thống và có thể làm thay đổi cuộc chơi.

Bình luận

Những cái tên, con số và các kế hoạch chuyển nhượng to lớn liên tục được đề cập sau khi Newcastle United hoàn tất việc đổi chủ. Các ông chủ mới của "Chích chòe" công khai việc họ sẽ đầu tư vào đội bóng vùng Tyneside "nhiều nhất có thể".

Newcastle United anh 1

Với ban tổ chức Premier League, đó là tín hiệu đáng mừng. Giải đấu số một nước Anh có thể trở thành "Super League mới" của bóng đá châu Âu, nơi những cuộc đại chiến hàng tuần sẽ diễn ra với tần suất nhiều hơn. Với nhiều thế lực truyền thống của bóng đá lục địa già, sự trỗi dậy của Newcastle nhờ nguồn tiền dầu mỏ từ Saudi Arabia không khác gì lời thách thức.

Theo bước chân UAE và Qatar

Frank Leboeuf, cựu tuyển thủ Pháp, nói rằng ông không thấy sự khác biệt trong chiến lược đầu tư sắp tới của Newcastle so với Man City hay PSG. "Làm thế nào Newcastle thu hút các HLV hay cầu thủ đến CLB lúc này? Họ chỉ có cách làm như PSG", Leboeuf phân tích. "Nếu một cầu thủ trị giá 20 triệu bảng, người Saudi sẵn sàng trả 40 triệu bảng để mời gọi các tài năng đến CLB".

PSG và Man City từng thành công với chiến lược đó. Man City khởi đầu với Robinho, bản hợp đồng có giá 41 triệu bảng đến từ Real Madrid. PSG khởi đầu triều đại của người Qatar bằng việc chi 40 triệu bảng để mua Javier Pastore từ Palermo.

Trước đó vào năm 2003, tỷ phú Roman Abramovich cũng áp dụng cách thức tương tự để biến Chelsea trở thành đội bóng hàng đầu nước Anh hai thập niên qua. Cuộc chuyển hóa Chelsea, Man City và PSG nhờ nguồn tiền từ dầu mỏ đến thời điểm này được xem là thành công.

Thậm chí ở Champions League mùa giải 2021/22, cả ba CLB kể trên đều là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. Họ ngồi "chung mâm" với các thế lực truyền thống như Real Madrid, Barcelona hay Manchester United.

Newcastle United anh 2

Nguồn tiền từ dầu mỏ đã giúp Man City và PSG vươn mình. Ảnh: AS.

Amanda Staveley, nữ doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) thâu tóm Newcastle, khẳng định họ sẽ "bơm nhiều tiền nhất có thể" cho CLB vùng Tyneside.

"Newcastle United sẽ được đầu tư toàn diện", Staveley nói với báo chí Anh ngày 13/10. "CLB không chỉ mua sắm cầu thủ cho đội một, chúng tôi sẽ đầu tư vào học viện, cơ sở vật chất và thậm chí là bóng đá nữ".

Man City, PSG hay Chelsea có thể chịu điều tiếng vì cách các ông chủ của họ đổ tiền vào bóng đá. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành quả hiện tại, nguồn tiền dầu mỏ từ Nga hay Trung Đông góp phần tạo ra 3 CLB có mô hình phát triển ấn tượng của bóng đá thế giới.

Man City, PSG hay Chelsea không chỉ gặt hái thành công trên sân cỏ với đội một bóng đá nam, các đội nữ của họ cũng rất mạnh. Học viện của Man City hay Chelsea liên tục sản sinh những cầu thủ giỏi trong nhiều năm qua. "Hệ sinh thái bóng đá" của ba CLB kể trên tân tiến và không hề kém cạnh các đại gia truyền thống như Bayern Munich hay Real Madrid.

Các ông chủ mới của Newcastle muốn đi theo con đường đó. Họ sẽ kiên nhẫn nếu cần, dù nguồn lực tài chính của PIF trên sổ sách, là vượt trội so với các ông chủ của Man City, PSG hay Chelsea.

Khối tài sản của PIF ước tính lên tới 320 tỷ bảng (Forbes). PIF có cổ phần trong nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như SoftBank, Boeing, Facebook hay Uber. Sheikh Mansour, người được cho sở hữu CLB Man City chỉ có khối tài sản 23,3 tỷ bảng. Qatar Sport Investments, chủ sở hữu PSG có khối tài sản khoảng 220 tỷ bảng.

Tiền có lẽ không phải là vấn đề với Newcastle United vào lúc này. Vấn đề lớn nhất với CLB này có lẽ là thời gian, là sự kiên nhẫn từ các ông chủ người Saudi.

Nhìn từ thành công của Man City hay PSG, người Saudi có lý do để tiếp tục kiên nhẫn. Họ đã chờ 3 năm để có thể thuyết phục thành công Premier League cho phép mua lại Newcastle.

Newcastle United anh 3

Cổ động viên Newcastle ăn mừng bên ngoài sân St James' Park khi biết tin người Saudi mua lại thành công "Chích chòe". Ảnh: Reuters.

'Super League' của bóng đá Anh

Phần lớn CLB Premier League bày tỏ sự lo ngại đến việc đổi chủ của Newcastle. Đầu tuần này, 19 CLB còn lại của Premer League mở cuộc họp liên quan đến vấn đề chủ sở hữu mới của Newcastle.

Man Utd, Tottenham và Everton được cho là những đội phản đối mạnh mẽ nhất. Liverpool hay Arsenal cũng thể hiện sự bất bình. Vấn đề chính trị hay việc vi phạm bản quyền Premier League của Hoàng thân Saudi khiến nhiều CLB Anh phản đối PIF.

Tuy nhiên, một lý do khác mà nhiều người có thể thấy, đó là cuộc đua cho suất dự cúp châu Âu của Premier League sẽ trở nên khốc liệt hơn với nhiều đội bóng lớn.

Man City và Chelsea không nằm trong nhóm những CLB phản đối mạnh mẽ PIF. Người ta có cơ sở để hiểu quyết định đó. Man City và Chelsea đang là hai đội bóng thành công và có lực lượng tốt nhất nước Anh hiện tại.

Những nguồn tiền dầu mỏ từ UAE hay Nga chưa có dấu hiệu ngừng chảy vào hai CLB này. Họ sẽ không ngại trong việc cạnh tranh với người Saudi, nhất là khi Man City và Chelsea đã xây dựng nền tảng tốt.

Tuy nhiên, với Liverpool, Man United hay Arsenal, các CLB sống nhờ doanh thu bóng đá, sự hiện diện của giới chủ Saudi sẽ mang đến thách thức nghiêm trọng. Các ông chủ Mỹ tại Premier League có truyền thống "lấy bóng đá nuôi bóng đá". Họ không bao giờ có thể vung tiền như các ông chủ từ Trung Đông.

Thậm chí, nhiều doanh nhân người Mỹ còn coi các CLB Premier League như "con gà đẻ trứng vàng" cho họ. Sự trỗi dậy của Newcastle sẽ khiến cuộc cạnh tranh cho một suất trong top 4, thậm chí là suất dự cúp châu Âu trở nên khốc liệt hơn.

Premier League có thể chứng kiến khái niệm top 7 thay cho top 6 hay top 4 như trước kia. Thậm chí, với đà thăng tiến của Leicester City, West Ham hay Everton trong hai mùa qua, Premier League có thể chứng kiến 10 CLB có tham vọng lớn.

Hồi tháng 6, các cổ động viên Anh là những người phản đối Super League dữ dội nhất. Giờ thì họ sẽ có Super League cho riêng mình.

Với Real Madrid, Barcelona hay Bayern Munich, việc Newcastle lớn mạnh khiến họ tiếp tục đứng trước thách thức, trong bối cảnh doanh thu của các CLB này suy giảm vì đại dịch.

Những tín hiệu ban đầu trên truyền thông cho thấy người Saudi đang bước đi khôn ngoan. Họ liên hệ với Brendan Rodgers hay Ralf Rangnick cho vị trí HLV. Luis Campos, một trong những Giám đốc Thể thao tài năng nhất châu Âu nửa thập niên qua, được Newcastle liên hệ.

Cả ba nhân vật kể trên đều là những cái tên đảm bảo cho sự trỗi dậy của Newcastle. Rodgers góp công lớn giúp Leicester City vươn mình, trong khi Rangnick và Campos là hai kiến trúc sư mà nhiều CLB bóng đá thèm muốn.

Newcastle United anh 4

Rangnick có thể giúp Newcastle chuyển mình. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Simon Chadwick của trường đại học Emlyon Business nhận định rằng người Saudi không coi Newcastle như một thương vụ kinh doanh thuần tuý. "Saudi Arabia muốn sở hữu một CLB nằm trong top 30 CLB bóng đá giàu nhất thế giới", ông Chadwick nhận định. "Họ đã chứng kiến người UAE và Qatar làm điều đó".

Người Saudi chứng kiến UAE và Qatar tạo ra tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới. Newcastle có truyền thống và lượng CĐV bản địa hàng đầu nước Anh. Premier League là bệ phóng hoàn hảo với giới chủ mới từ châu Á.

Hoàng gia Saudi có rất nhiều tiền và muốn đầu tư vào bóng đá, điều họ chưa bao giờ làm trước đây. Với những sự kết hợp bài bản và kiên nhẫn, Newcastle sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực của bóng đá Anh, và xa hơn là của cả bóng đá châu Âu.

HLV Newcastle: 'Nếu có một siêu sao chính hiệu, đó là Ronaldo' Huấn luyện viên Steve Bruce thừa nhận các học trò không thể theo kịp bản năng ghi bàn của Cristiano Ronaldo khi siêu sao người Bồ Đào Nha mở tỷ số cho MU ở vòng 4 Ngoại hạng Anh.

Newcastle đổi đời

Những ông chủ mới của Newcastle sẵn sàng chi tiền để nâng tầm đội chủ sân St James' Park.

Quỹ đầu tư trị giá 500 tỷ USD mua lại Newcastle

Viễn cảnh Newcastle phế truất Man City và PSG để trở thành CLB giàu nhất thế giới nhiều khả năng sớm trở thành hiện thực.

Tường Linh

Bạn có thể quan tâm