Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tham vọng chinh phục Mặt Trăng của NASA

Sứ mệnh Artemis 1 của NASA sẽ "mở đường" cho sự trở lại của con người trên Mặt Trăng.

Theo Bloomberg, tên lửa của sứ mệnh Artemis 1 sẽ khởi động chuyến bay thử nghiệm không người lái quanh Mặt Trăng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (KSC) ở Florida, Mỹ vào ngày 29/8.

Đây sẽ là chuyến bay đầu tiên của siêu tên lửa Hệ thống phóng vũ trụ (SLS), tên lửa mạnh nhất NASA từng chế tạo, đồng thời là cuộc thử nghiệm quan trọng đối với tàu vũ trụ Orion.

Thời khắc quyết định

Sứ mệnh Artemis 1 đánh dấu thời khắc quan trọng của NASA nói riêng và lĩnh vực hàng không vũ trụ nói chung. Chương trình này sẽ "mở đường" cho sự trở lại của con người, Bloomberg nhận định.

Không phải ngẫu nhiên mà NASA đặt tên chương trình trở lại Mặt Trăng là Artemis, theo tên người chị sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ tham vọng sẽ đưa phụ nữ và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng sớm nhất vào năm 2025.

NASA và các bên hợp tác đã cược lớn cho sứ mệnh quan trọng này, bởi đây là nhiệm vụ đầu tiên với những phương tiện mới của NASA kể từ khi cơ quan này ngừng hoạt động Chương trình tàu con thoi từ hơn một thập kỷ trước.

NASA chinh phuc Mat Trang anh 1

Đây là lần đầu tiên NASA đưa con người quay trở lại Mặt Trăng sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng năm 1972. Ảnh: The New York Times.

Sau khi phi đội tàu con thoi ngừng hoạt động, NASA đã phải phụ thuộc vào tên lửa Soyuz của Nga, tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Dragon của SpaceX và để đưa phi hành gia lên vũ trụ.

Theo Bloomberg, Artemis 1 mang theo rất nhiều tham vọng và mục tiêu lớn của NASA. Sứ mệnh vũ trụ này sẽ mang đến thành công nhưng cũng có thể đem về thất bại cho cơ quan hàng không.

“NASA cần chứng minh rằng hệ thống này thật sự hoạt động. Đây là rủi ro lớn nhất của họ”, Casey Dreier, cố vấn tại Planetary Society, nhận định.

Để chuẩn bị cho lần trở lại Mặt Trăng này, NASA đã phải trải qua một chặng đường dài với rất nhiều khó khăn. Sau khi sứ mệnh Apollo đưa con người lên Mặt Trăng kết thúc, nhiều chính phủ đã phản đối và yêu cầu hoãn các chương trình vũ trụ tương tự do lo ngại về ngân sách.

Với sứ mệnh Artemis, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ từ Quốc hội Mỹ, chương trình này vẫn vấp phải hàng loạt chướng ngại.

Theo Bloomberg, hệ thống phóng vũ trụ đã được nghiên cứu và phát triển suốt một thập kỷ qua nhưng đã bị cản trở đáng kể do hoãn lịch trình và vượt quá ngân sách.

Thế hệ tên lửa tiếp theo của NASA đã chậm 5 năm so với kế hoạch ban đầu và ngốn đến 23 tỷ USD, vượt quá mức chi 7 tỷ USD trên kế hoạch. Boeing, đối tác lớn nhất của NASA, đã chỉ trích cơ quan hàng không vì SLS và chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong quá trình phát triển và thử nghiệm hệ thống tên lửa này.

Kỳ vọng của NASA

Do đó, cả NASA và Boeing đang đặt kỳ vọng rất cao vào sứ mệnh Artemis, đồng thời nhấn mạnh đây là lần thử nghiệm quan trọng của hệ thống tên lửa mới nhất.

NASA chinh phuc Mat Trang anh 2

Artemis 1 sẽ được phóng vào ngày 29/8. Ảnh: NASA.

“Có rất nhiều rủi ro. Do đó, chúng tôi đã cố gắng hết sức để giảm thiểu những nguy cơ này”, Jim Free, Phó Giám đốc Phát triển Hệ thống Thăm dò NASA, chia sẻ.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định dù cuộc thử nghiệm thành công, NASA vẫn khó lòng làm hài lòng các chuyên gia chỉ trích hệ thống SLS vì chi phí đắt đỏ và sự thiếu hiệu quả của nó.

Trong khi đó, tàu vũ trụ Starship của Space, được mệnh danh là “đối thủ” của SLS, lại có sức mạnh vượt trội và chi phí phát triển, vận hành rẻ hơn hẳn. Bên cạnh đó, tên lửa của SpaceX có thể được tái sử dụng, còn SLS sẽ phát nổ sau mỗi lần phóng.

Nhưng Starship vẫn đang trên đà đạt đến quỹ đạo và sẽ mất thêm nhiều năm để thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình. Bên cạnh đó, NASA đã hợp tác với SpaceX để kết hợp Starship vào sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng của Artemis. Do đó, dù được gọi là đối thủ nhưng SLS và Starship đều có nhiệm vụ chung tại NASA.

Dự kiến tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion sẽ cất cánh vào ngày 29/8 lúc 8h33 (giờ địa phương, tức 19h33 giờ Việt Nam). Theo kế hoạch, 2 giờ sau khi phóng, tầng trên của SLS sẽ phát nổ để đẩy Orion lên Mặt Trăng.

Tàu vũ trụ này sẽ tiếp cận bề mặt hành tinh này trong phạm vi 95 km và lợi dụng trọng lực để quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Nhiệm vụ sẽ kéo dài tổng cộng 42 ngày cho đến khi quay trở lại Thái Bình Dương vào ngày 10/10. Con tàu sẽ được trục vớt bởi thuyền của Hải quân Mỹ.

Mục tiêu của sứ mệnh Artemis là chứng minh rằng tàu vũ trụ Orion hoàn toàn có thể phóng thành công và trở lại trước khi thực hiện nhiệm vụ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Nếu thành công, đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng bay, theo NASA.

Mặc dù là nhiệm vụ không người lái, Artemis 1 sẽ đưa ma-nơ-canh lên quỹ đạo Mặt Trăng nhằm mô phỏng những gì phi hành gia sẽ trải qua. Các cảm biến trong ghế ngồi và đồ vũ trụ sẽ thu thập những thông tin về rung chấn, mức độ tiếp xúc bức xạ tạo ra trong chuyến bay và tính hữu dụng của bộ đồ bay.

Bên cạnh đó, NASA còn trang bị công nghệ hỗ trợ Callisto trên chuyến bay Artemis 1 để thử nghiệm hệ thống trợ lý ảo giọng nói, hỗ trợ phi hành gia trong sứ mệnh trở lại Mặt Trăng.

NASA sắp gửi iPad lên quỹ đạo Mặt Trăng

NASA sẽ trang bị iPad trên chuyến bay Artemis 1 để thử nghiệm hệ thống trợ lý ảo giọng nói, hỗ trợ phi hành gia trong sứ mệnh trở lại Mặt Trăng.

Một trong những ngôi sao sáng nhất bầu trời vừa nổ

Cách đây 2 năm, các nhà khoa học của NASA đã chụp được hình ảnh ngôi sao bị mờ và nhận định đó là bước đầu của sự kiện siêu tân tinh, khi một ngôi sao hết vòng đời và nổ tung.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm