Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở Trung Đông trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Sau khi thăm Saudi Arabia, ông Trump sẽ đến Israel cũng như sẽ gặp tổng thống Palestine trước khi đến Vatican, Bỉ và Italy.
Theo CNN, ông Trump là một trong những tổng thống đi thăm nước ngoài muộn nhất chỉ sau Lyndon Johnson và cũng là tổng thống đầu tiên không chọn các nước láng giềng như Canada hay Mexico là điểm đến đầu tiên kể từ thời Jimmy Carter.
Quay trở lại Trung Đông?
Trong lịch sử, đa số tổng thống Mỹ đến thăm Canada hay Mexico trước tiên sau khi nhậm chức. Điều này cho thấy vị trí chiến lược căn bản của châu Mỹ trong chính sách ngoại giao của siêu cường số 1 thế giới. Lý giải lựa chọn của ông Trump, học giả Vương Hạo của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng có hai nguyên nhân.
Một mặt, hiện trạng quan hệ giữa Mỹ với Canada cũng như với Mexico đều không tốt đẹp khi chính quyền Tổng thống Trump đang ra sức nỗ lực đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ngoài ra, vấn đề “bức tường biên giới” khiến quan hệ Mỹ - Mexico trở nên hết sức khó xử.
Mặt khác đối với Washington, Trung Đông có vị trí địa chiến lược mà không ai có thể phủ nhận, cùng với châu Âu và Đông Á tạo nên ba trọng tâm chiến lược địa duyên của Mỹ. Do không lâu trước đó các lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản đã gặp gỡ Tổng thống Trump, việc ông Trump không lựa chọn tới Đông Á mà tới Trung Đông rồi đi châu Âu là điều có thể hiểu.
Nhà vua Salman (góc phải) của Saudi Arabia nghênh đón ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Điêu Đại Minh, chuyên gia về Mỹ của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng việc sắp xếp lịch trình chuyến công du đầu tiên của ông Trump khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng trên thực tế vẫn phản ánh một cách rõ rệt khuynh hướng ngoại giao hiện nay của Washington. Chính quyền Trump đặc biệt coi trọng vấn đề Trung Đông, thậm chí bước đầu cho thấy xu thế chuyển hướng "tái cân bằng" từ châu Á - Thái Bình Dương sang Trung Đông.
Vị chuyên gia cũng cho rằng theo truyền thống, nếu xét về các mặt lợi ích như tài nguyên năng lượng, quân sự, địa chiến lược, thậm chí lợi ích nhóm người Do Thái, chính phủ do Đảng Cộng hòa kiểm soát tại Mỹ rất chú trọng Trung Đông. Hơn nữa, các quan chức cao cấp trong chính quyền Trump, đặc biệt là các vị trí liên quan tới an ninh quốc phòng, tương đối hiểu biết về Trung Đông.
Theo nhận định của chuyên gia Vương Hạo, so với chính sách "không làm gì dại dột" trong vấn đề Trung Đông dưới thời Obama, ông Trump sẽ tích cực hơn tại khu vực, đồng thời thái độ của Washington cũng sẽ cứng rắn hơn. Điều này có thể được minh chứng qua vụ không kích Syria hồi đầu tháng 4.
Tuy nhiên, ông Vương cũng chỉ ra rằng sự điều chỉnh chính sách Trung Đông của ông Trump cũng có giới hạn. Với tư tưởng “chống toàn cầu hóa", ông Trump dường như sẽ không tập trung mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Mỹ mà dành ưu tiên cho việc giải quyết các vấn đề trong nước.
Do đó cũng giống như thời George W. Bush, về căn bản ông Trump sẽ không lấn sâu vào Trung Đông. Ngoài ra, cách thức giải quyết vấn đề cũng sẽ duy trì chủ nghĩa đa phương, hợp tác với các nước đồng minh như thời Obama, từ đó giảm thiểu tổn phí chiến lược.
An ủi đồng minh
Hai nước Trung Đông là Saudi Arabia và Israel đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực, hơn nữa đều nghi ngờ về khả năng thay đổi chính sách của Mỹ ở Trung Đông trong nhiệm kỳ của ông Trump. Các chuyên gia cho rằng ngoài việc ổn định tình hình Trung Đông, mục đích quan trọng nữa của ông Trump trong chuyến đi lần này đó là an ủi đồng minh.
Mỹ và Israel luôn duy trì quan hệ đặc biệt. Chuyên gia Vương Hạo cho biết chính sách đối với Israel của nhiều đời tổng thống Mỹ đều khó tránh khỏi hai nhân tố trói buộc lớn đó là thực tế địa chính trị Trung Đông và chính trị nội bộ Mỹ. Khi muốn thúc đẩy bất kì chính sách Trung Đông nào, Washington đều cần có sự phối hợp của Israel, gắn liền với ảnh hưởng của nhóm vận động hành lang Israel tại Mỹ đối với quyết sách của tổng thống.
Ông Vương đánh giá đối với chính quyền Trump, chính sách Trung Đông dù có điều chỉnh thế nào thì quan hệ đặc biệt Mỹ - Israel vẫn sẽ tiếp tục được duy trì, thậm chí được tăng cường. Trong khi đó, học giả Điêu Đại Minh nói ông Trump rõ ràng rất coi trọng quan hệ Mỹ - Israel.
Một trong những lý do khiến ông Trump muốn thay đổi thái độ lạnh nhạt với Israel dưới thời Obama là con rể ông, Jared Kushner, mang dòng máu Do Thái. Đồng thời, vấn đề Israel và Palestine chắc chắn là vấn đề Trung Đông quan trọng mà Mỹ có thể phát huy vai trò chủ đạo, cũng là điểm quan trọng để Mỹ có thể duy trì địa vị của mình ở Trung Đông.
Tổng thống Trump tham gia nghi thức múa kiếm với nhà vua Saudi Arabia. Ảnh: Getty. |
Chuyên gia Vương nhận xét cho rằng nếu nhìn vào cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Mahmoud Abbas của Palestine hồi đầu tháng 5 tại Washington, thái độ của ông Trump trong việc giải quyết vấn đề Israel và Palestine rất tích cực, muốn để Mỹ tiếp tục phát huy vai trò trung gian của mình. Tuy nhiên, ông Trump không vạch ra lộ trình cũng như phương án giải quyết rõ ràng.
Điều này cho thấy tổng thống Mỹ vẫn chưa hiểu rõ về độ phức tạp của vấn đề Israel - Palestine, càng chưa thể suy nghĩ về các phương án giải quyết. Xét đến những vấn đề và thách thức mà các đời tổng thống Mỹ gặp phải trong quá trình đàm phán với Israel và Palestine, thực tế rất có thể sẽ khiến Trump phải lo nghĩ, đặc biệt là lập trường thân Israel sẽ khiến ông gặp nhiều khó khăn khi giải quyết mâu thuẫn Israel và Palestine.
Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia thời gian qua cũng không mấy tốt đẹp. Lệnh hạn chế nhập cảnh nhằm vào công dân 7 nước Hồi giáo cùng việc Quốc hội Mỹ năm ngoái cho phép những người may mắn sống sót và gia đình các nạn nhân khác trong vụ khủng bố 11/9 khởi kiện chính phủ Saudi Arabia đã làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước.
Tuy nhiên theo Vương Hạo, quốc gia Vùng Vịnh vẫn rất coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ. Saudi không hề hài lòng với thái độ của Mỹ dưới thời Obama trong các vấn đề như hạt nhân Iran, chiến tranh Syria và Iraq… và hy vọng quan hệ hai nước cũng như ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông sẽ được tăng cường hơn dưới thời Trump.
Mặt khác, chính quyền Trump cũng nỗ lực hợp tác với Saudi để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Vì vậy, ông Trump có phần nâng cao tầm quan trọng của Saudi, sẽ coi nước này là trợ thủ đắc lực trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, từ đó cho phép ông có thể chú trọng hơn tới các vấn đề trong nước.
Sau chuyến thăm Trung Đông, ông Trump sẽ đến thăm Vatican cũng như hội đàm với thủ tướng Italy tại Rome. Tiếp đó, ông sẽ đến Brussels, Bỉ, để tham dự hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU). Cuối cùng, tổng thống sẽ tới Sicilia, Italy, để tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm nước phát triển G7.