Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát biểu về Hồi giáo, TT Trump đối diện 'bóng đen' từ quá khứ

Dù từng có những tuyên bố được cho là mang tính kỳ thị Hồi giáo, ông Trump có lẽ chọn con đường không khác với những người tiền nhiệm Obama hay Bush khi phát biểu tại Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có bài phát biểu trước 50 lãnh đạo các nước Hồi giáo tại một hội nghị dự kiến diễn ra lúc 16h20 ngày 21/5 (khoảng 20h20 giờ Việt Nam) tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Diễn ra tại cái nôi của đạo Hồi, đây là bài phát biểu quan trọng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức.

Phát biểu về đạo Hồi là một khó khăn đối với bất kỳ tổng thống nào của Mỹ nhưng đối với ông Trump, một doanh nhân trở thành chính trị gia, đây có thể là một bài tập tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao.

Với những căng thẳng xuất phát từ lệnh cấm Hồi giáo của chính quyền Trump cũng như những tuyên bố mang tính bài Hồi giáo của vị tỷ phú trong khi tranh cử, bài phát biểu ngày 21/5 sẽ đặc biệt nhạy cảm.

Thẳng thắn và truyền cảm hứng

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết chủ đề chính của bài phát biểu là kêu gọi đoàn kết và rằng tín đồ đạo Hồi cần phải đương đầu với chủ nghĩa cấp tiến.

Tuy nhiên, việc ông Trump có sử dụng cụm từ "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cấp tiến" như ông thường xuyên dùng trong chiến dịch tranh cử để mô tả nguy cơ này hay không là điều chưa rõ. Đến tối muộn ngày 20/5, bài phát biểu vẫn còn được chỉnh sửa và một số cố vấn đã lưu ý ông rằng không nên sử dụng cụm từ này.

Trump phat bieu ve Hoi giao anh 1
Ông Trump đang ở thăm Saudi Arabia trong chuyến công du đầu tiên sau nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Mỹ và Saudi Arabia đã ký kết những thỏa thuận với tổng giá trị hơn 380 tỷ USD và gần 1/3 trong số đó liên quan đến quân sự.

"Đây là một ngày ghê gớm! Những khoản đầu tư to lớn cho nước Mỹ", ông Trump nói ngày 20/5 trong cuộc hội đàm với nhà vua Salman của quốc gia Vùng Vịnh. "Hàng trăm tỷ USD đầu tư vào nước Mỹ và rất nhiều việc làm, việc làm và việc làm".

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng "thể hiện thái độ" vào hôm thứ Bảy khi thúc giục tổng thống vừa tái đắc cử của Iran Hassan Rouhani "tiêu diệt "mạng lưới khủng bố tại nước này. Ông Tillerson cũng cho biết những hợp đồng mua bán vũ khí giữa Washington và Riyadh nhằm mục đích giúp Saudi Arabia đối phó với "những thế lực nguy hiểm từ Iran".

Cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster đã cho biết ông Trump sẽ có "một bài phát biểu thẳng thắn và truyền cảm hứng".

"Tổng thống sẽ gặp và ăn trưa với lãnh đạo của hơn 50 quốc gia Hồi giáo, nơi ông sẽ có bài phát biểu thẳng thắn, truyền cảm hứng về sự cần thiết của việc đương đầu với chủ nghĩa cấp tiến cũng như những hy vọng của tổng thống về nền hòa bình Hồi giáo", ông McMaster nói trước chuyến công du của ông Trump.

Một quan chức Nhà Trắng đề nghị giấu tên cho biết bài phát biểu sẽ "khơi dậy niềm vui và hy vọng".

"Ông ấy sẽ nói về những gì liên kết chúng ta lại bằng những từ ngữ khơi dậy niềm vui và hy vọng. Song ông cũng sẽ rất thẳng thừng khi nói về sự cần thiết của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan và thực tế rằng nhiều nơi trong thế giới Hồi giáo vẫn làm chưa đủ. Họ chủ động tiếp tay cho thành phần cực đoan, thậm chí một vài người trước mặt thì nói đấu tranh nhưng sau lưng lại âm thầm tài trợ cho các phần tử cực đoan".

'Bóng đen' từ quá khứ

Tháng 12/2015, trong một cuộc gặp cử tri, ông Trump kêu gọi "chặn đứng hoàn toàn" việc người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ "cho đến khi những đại diện ở nước ngoài của chúng ta có thể xác định được chuyện gì đang diễn ra".

Những lời lẽ này đã gây sốc đối với nhiều người Mỹ khi những người chỉ trích ông Trump chỉ ra rằng hiến pháp Mỹ nghiêm cấm hành vi kỳ thị tôn giáo.

"Tôi nghĩ những người theo đạo Hồi ghét chúng ta. Có một sự thù hận khủng khiếp ở ngoài kia. Chúng ta phải đi đến tận cùng của việc này", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 3 năm ngoái.

Trump phat bieu ve Hoi giao anh 2
Ông Trump có thể đã chọn cách tiếp cận với thế giáo Hồi giáo giống những người tiền nhiệm. Ảnh: Reuters.

Song giờ đây khi đã bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump có lẽ đã chọn một con đường không tách biệt với con đường mà những người tiền nhiệm như Tổng thống Barack Obama hay Tổng thống George W. Bush đã đi qua.

Sau khi tổ chức khủng bố al-Qaeda lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công 11/9, Tổng thống Bush "con" đã đến thăm một thánh đường Hồi giáo ở Washington. "Hồi giáo là hòa bình", ông nói, đồng thời khẳng định "khủng bố không phải là đức tin thực sự của người theo đạo Hồi".

Tương tự, ông Obama đã chọn Đại học Cairo làm nơi để phát biểu một cách tường tận suy nghĩ của ông về Hồi giáo vào tháng 6/2009. Ông đã gửi đến 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu câu chào bằng tiếng Arab "Salam alaikum" và kêu gọi chấm dứt "vòng lẩn quẩn nghi ngờ và bất đồng này".

Với các điểm dừng chân tiếp theo tại Israel, Palestine trước khi đến Vatican, Bỉ và Italy dự hội nghị NATO và G7, Tổng thống Trump đang tìm cách bỏ lại phía sau những rắc rối mà ông đang phải đối mặt ở trong nước.

James Comey, giám đốc FBI vừa bị ông Trump sa thải, đã đồng ý điều trần công khai trước quốc hội về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái được cho là đã góp phần mang lại chiến thắng cho vị tỷ phú New York.

Hashtag tuần qua: Khi Nhà Trắng 'bỗng dưng muốn khóc' Cùng lúc với vụ tấn công mạng WannaCry, Nhà Trắng liên tục "hứng đòn" vì những tiết lộ mới xoay quanh Tổng thống Trump, cựu giám đốc FBI Comey và cựu cố vấn an ninh quốc gia Flynn.

Ông Trump ký hợp đồng 110 tỷ USD bán vũ khí cho Saudi Arabia

Không lâu sau khi đặt chân xuống Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết hợp đồng bán vũ khí với trị giá hàng trăm tỷ USD cho Saudi Arabia.

Saudi Arabia tiếp đón ông Trump nồng hậu, trái ngược thời Obama

Quốc vương Saudi đã ra tận chân cầu thang máy bay để đón tiếp Tổng thống Trump, bất chấp thời tiết gần 40 độ C. Đây là thái độ khác hẳn lễ đón tiếp ông dành cho Obama hồi năm 2016.

Đông Phong

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm