Khi đặc khu Thâm Quyến ra đời vào năm 1978, chính quyền xây dựng hàng rào và chốt chặn xung quanh để kiểm soát dòng người và hàng hóa đổ về. Tuy nhiên, vai trò của hệ thống "biên giới nội bộ" này đã dần phai nhạt qua thời gian với sự phát triển lan rộng khắp vùng đồng bằng sông Châu Giang.
Công tác chuẩn bị để xóa bỏ hàng rào và chốt chặn dọc theo đường "giới tuyến" đã diễn ra trong nhiều năm, theo South China Morning Post. Quyết định của chính phủ Trung Quốc, được công bố hôm 15/1, chỉ mang tính tượng trưng.
Việc phá dỡ được tiến hành tại chốt chặn Đồng Lạc ở Thâm Quyến. Ảnh: SCMP. |
SCMP cho biết hàng rào bằng sắt dài 136 km, bao bọc diện tích ban đầu (327 km2) của đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Hệ thống này được xem là "cửa khẩu thứ hai" trên đường dẫn vào đặc khu bên cạnh cửa khẩu giữa Quảng Đông và Hong Kong. Cư dân sống bên ngoài đặc khu phải xin giấy phép mới được vào bên trong.
Song khi khoảng cách phát triển kinh tế giữa Hong Kong và Đại lục Trung Quốc được thu hẹp, hàng rào và chốt chặn lại trở thành sự bất tiện. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc quyết định mở rộng phạm vi đặc khu bao phủ toàn bộ Thâm Quyến và hệ thống tàu điện lan tỏa khắp thành phố. Tuy nhiên, "biên giới nội bộ" nói trên vẫn chưa được phá dỡ cho đến cuối năm 2016.
Giáo sư Priscilla Lau Pui-king, một đại biểu của Hong Kong ở Quốc hội Trung Quốc, nói việc dỡ bỏ hàng rào cũng là một thách thức với chính Hong Kong.
"Hong Kong sẽ phải từ bỏ thái độ anh cả của mình và đuổi kịp nếu không sẽ nhanh chóng thua trước Thâm Quyến", bà Lau nói.
Trong 4 thập kỷ qua, Thâm Quyến từ một làng chài nghèo từng bước biểu tượng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đến cuối năm nay, Thâm Quyến và Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, có thể vượt qua Hong Kong để dẫn đầu về tăng trưởng tại khu vực đồng bằng sông Châu Giang.