Lijia Zhang, tác giả cuốn sách “Lotus”, (viết về tệ nạn mại dâm ở Thâm Quyến), chia sẻ với SCMP những suy nghĩ của bà về sự bùng phát tệ nạn mại dâm ở Trung Quốc. Tác giả xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, điều đó đã giúp bà khắc họa sâu hơn tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và những mặt trái của kinh tế thị trường.
Bà ngoại của tác giả từng là gái mại dâm
Lijia chia sẻ, trong một cuốn album cũ của gia đình bà, có một bức ảnh bà ngoại của bà khi còn trẻ. Khi đó, bà trông như một ngôi sao điện ảnh mặc bộ sườn xám lụa và mái tóc dài. Năm 1998, Lijia tình cờ biết rằng bà ngoại mà bà yêu quý từng là gái điếm.
Bà thực sự sốc bởi điều này và bắt đầu tò mò về gái mại dâm. “Tôi bắt đầu nhìn thấy gái mại dâm ở khắp nơi. Trong ánh đèn neon hồng, những phụ nữ trang điểm lòe loẹt, mặc những chiếc váy mỏng manh hoạt động nhộn nhịp bên trong các phòng mát-xa, tiệm làm tóc, quán karaoke và nhà tắm. Họ tận dụng tất cả mặt tiền có thể để làm nhà chứa”, bà Lijia nói.
Lijia quyết định viết một cuốn sách về mại dâm ở Trung Quốc. Trong khoảng thời gian dài, bà làm tình nguyện viên với tổ chức phi chính phủ cho những gái mại dâm ở Thiên Tân, thành phố cảng thịnh vượng phía nam Bắc Kinh. Nơi bà khám phá ra công nghiệp tình dục trở nên khổng lồ như thế nào.
Cảnh sát Trung Quốc giữ một nhóm người nghi hoạt động mại dâm trong một chiến dịch vào năm 2014. Ảnh: AFP. |
Bà Lijia đổ lỗi cho mặt trái của kinh tế thị trường ở Trung Quốc gây ra vấn nạn này. Trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, phụ nữ phải gánh vác quá nhiều gánh nặng và chi phí. Điều này dẫn đến bộ phận không nhỏ phụ nữ bị đẩy vào con đường làm gái mại dâm vì họ có quá ít lựa chọn.
Sự trở lại của công nghiệp tình dục
Năm 1949, Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) được thành lập. Ngay sau đó, đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thị dẹp tệ nạn mại dâm và tuyên bố “loại hình kinh doanh trên thân thể phụ nữ lâu đời nhất của loài người” đã bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp hóa phát triển mạnh, sự giàu có ngày càng tăng, sự thiếu kiểm soát xã hội và dân số quá lớn đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp tình dục phát triển trở lại. Tất nhiên nó vẫn là hoạt động ngầm dù bị cấm ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường đặt phụ nữ vào thế bất lợi. Khoảng cách thu nhập dựa trên giới tính ngày càng được mở rộng. Những năm 1990, phụ nữ ở thành thị có thể kiếm được 78% so với những gì đàn ông làm được. Con số này giảm xuống còn 67,3%, phụ nữ ở nông thôn thậm chí còn thấp hơn với 65% những năm gần đây.
Cảnh sát kiểm tra một nhà tắm công cộng nghi hoạt động mua bán dâm. Ảnh: AFP. |
Không thể phủ nhận nền kinh tế thị trường mang lại nhiều cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao ở thành thị nhưng cũng có không ít bất công. Thái độ xem phụ nữ thấp kém hơn nam giới đã trở lại trong những năm gần đây.
Một số công ty đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn đối với phụ nữ. Một số khác từ chối tuyển dụng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các nữ sinh viên tốt nghiệp đại học phải mất nhiều thời gian hơn để tìm việc làm. Trong quá khứ, chính phủ giao việc làm cho sinh viên tốt nghiệp bất kể giới tính.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp nhà nước trong tình trạng “ốm yếu” phải sa thải bớt công nhân để cạnh tranh, phụ nữ luôn là những người đầu tiên mất việc. Lin Zhi, một công nhân tại thành phố Thẩm Dương, nơi có nhiều nhà máy quốc doanh yếu kém bị sa thải vào đầu những năm 1990.
Lin, một phụ nữ tuổi trung niên gần như không thể tìm được công việc khác. Trong khi đó, bà phải nuôi 2 đứa con ăn học và người chồng bị mất một tay do tai nạn lao động. Lin đến Thiên Tân và tìm được công việc tại một nhà tắm công cộng. Khi bà nhận thấy các đồng nghiệp cung cấp dịch vụ tình dục để có thể kiếm được nhiều tiền hơn, bà đã làm theo.
“Không giống như bà tôi, người bị bán đi làm gái mại dâm. Đa số phụ nữ tham gia vào hoạt động mại dâm do nghèo đói hoặc hoàn cảnh không may”, bà Lijia nói. Phần lớn gái mại dâm hạng thấp đến trung là những phụ nữ từ nông thôn ra thành phố kiếm việc làm, một số công nhân bị sa thải. Họ không có học vấn hay thành thạo một nghề nào đó, do áp lực kinh tế phải “bán thân” để mưu sinh.
Trong khi đó, gái mại dâm hạng trung đến sang là một sự lựa chọn lối sống. Họ nhận thức cơ hội với công việc được trả lương cao và nhàn nhã. Một số nhỏ nhưng ngày càng nhiều nữ sinh viên đại học bị hấp dẫn bởi việc làm tình nhân cho những người đàn ông giàu có. Họ thường được biết đến với tên gọi “ernai” (vợ bé), người thiếp thời hiện đại.
Không ai biết chính xác số lượng gái mại dâm ở Trung Quốc vì chủ đề này quá nhạy cảm với các nhà nghiên cứu. Năm 2013, Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 4-6 triệu gái mại dâm ở Trung Quốc, trích dẫn nguồn tin của cảnh sát.
Một số học giả nước ngoài ước tính 4-10 triệu người hành nghề mại dâm ở Trung Quốc. Một điều chắc chắn là tệ nạn mại dâm bắt đầu gia tăng ở Trung Quốc từ năm 1982, như Elaine Jeffrey mô tả trong cuốn sách của bà “China, Sex and Prostitution” xuất bản lần đầu vào năm 2004.
Công nghiệp tình dục đang trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế. Trong một bài báo xuất bản vào năm 2000, nhà báo Zhong Wei ước tính thương mại tình dục chiếm khoảng 6% GDP, tương đương với 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 154 tỷ USD). Ông cũng ước tính khoảng 20 triệu phụ nữ đang hành nghề mại dâm ở Trung Quốc.
Đây là một dấu hiệu rõ ràng về bất bình đẳng giới ngày càng gia tăng, được thúc đẩy bởi nền kinh tế thị trường. Phụ nữ ngày càng dễ bị tổn thương hơn và phải chịu đựng nhiều áp lực. Trong khi mạng lưới an sinh xã hội quá mỏng đẩy họ rơi vào con đường làm gái mại dâm.