Ngày 20/9 là ngày cuối cùng trong kỳ hạn mà Bộ Thương mại Mỹ đặt ra để Apple, Google xóa WeChat khỏi kho ứng dụng. Tuy nhiên, cái kết này đã không đến với WeChat khi lệnh cấm bị hoãn.
WeChat đã tránh được cái kết buồn tại Mỹ, ít nhất là trong thời gian tới. Ảnh: SupChina. |
Bà Laurel Beeler, thẩm phán ở Tòa sơ thẩm Bắc California đã phê chuẩn đề nghị của nguyên đơn nhằm ban hành lệnh của tòa án trên toàn quốc, chống lại việc thi hành lệnh cấm từ chính phủ Mỹ. Lý do để bên nguyên đơn đưa ra đề nghị là lệnh cấm có thể vi phạm Tu chính án thứ nhất của Mỹ.
Với quyết định này, Chính phủ Mỹ sẽ phải kháng án và chờ phán quyết của tòa phúc thẩm nếu muốn tiếp tục thi hành lệnh cấm.
Đề nghị nói trên được Liên minh người dùng WeChat tại Mỹ, một nhóm phi lợi nhuận bao gồm nhiều luật sư gốc Trung Quốc, đệ trình vào ngày 27/8. Nhóm này cho biết họ không có mối liên hệ nào với Tencent Holdings hay các công ty con.
Phản hồi về quyết định của thẩm phán Beeler, Liên minh người dùng WeChat tại Mỹ cho biết đây là một chiến thắng "quan trọng và vất vả" trước lệnh cấm "vi phạm nghiêm trọng quyền trong hiến pháp của người dùng WeChat tại Mỹ".
Nhóm này cho rằng lệnh cấm của chính quyền Mỹ vi phạm nhiều điểm trong hiến pháp Mỹ, như quyền tự do ngôn luận.
"Một vị tổng thống chưa bao giờ tìm cách cấm hoàn toàn một nền tảng mạng xã hội, được một nhóm nhỏ người dân sử dụng, với sự vội vàng và phân biệt đối xử rõ ràng như vậy", Thomas Burke, luật sư bảo vệ quyền lợi nguyên đơn nói với New York Times.
WeChat là một "siêu ứng dụng", được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc và cả những người gốc Trung Quốc trên khắp thế giới. Ảnh: Getty. |
Nhóm nguyên đơn cũng chỉ ra rằng nhiều phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump mang tính phân biệt đối xử với người Trung Quốc, như gọi dịch Covid-19 là "cúm Trung Quốc", hay cho rằng Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ nếu như ông không tái đắc cử.
Chính quyền Mỹ viện lý do an ninh quốc gia để cấm WeChat và TikTok, 2 ứng dụng có ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. Vào ngày 6/8, ông Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch liên quan tới WeChat và TikTok sau 45 ngày. Kỳ hạn đó đến vào ngày 20/9.
Tới ngày 18/9, Bộ Thương mại Mỹ chính thức thông báo lệnh cấm với TikTok và WeChat sẽ có hiệu lực từ ngày 20/9. WeChat sẽ bị chặn khỏi mọi kho ứng dụng có thể truy cập từ Mỹ. Việc cấm giao dịch cũng khiến cho dữ liệu của WeChat không thể lưu ở các máy chủ tại Mỹ, đồng nghĩa với việc truy cập sẽ khó khăn hơn.
"WeChat tại Mỹ sẽ bị đóng tất cả các chức năng", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chia sẻ trên kênh Fox Business.
Tới ngày 19/9, ông Trump cho biết đã đồng ý với các thỏa thuận để thành lập TikTok Global, một công ty mới tại Mỹ. Oracle, Walmart và các nhà đầu tư Mỹ khác sẽ chiếm 53% cổ phần của TikTok Global, trong khi nhà sáng lập và các nhân viên ByteDance giữ 36% cổ phần. Lệnh cấm với TikTok được lùi lại 1 tuần để hoàn tất các điều khoản thỏa thuận.
Với phán quyết của Thẩm phán Laurel Beeler, cả TikTok và WeChat đều sẽ hoạt động bình thường tại Mỹ trong thời gian tới.