- Danh sách các "tư lệnh ngành" trả lời chất vấn gồm bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công Thương; Giao thông Vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước.
- Chiều 15/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
-
Hạ tầng khu vực ĐBSCL sẽ được đầu tư mạnh trong 5 năm tới
Về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ luôn quan điểm vùng này có vị chí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng. ĐBSCL là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, do đó cần tập trung đầu tư vào đây. Ông cũng cho biết trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đứng thứ 3 trong các vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,5%). Trong khi đó, ngân sách trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba. “Như vậy số vốn bố trí là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp cộng thêm việc đầu tư tại vùng tốn kém nên nguồn lực chưa đáp ứng được”, ông nói. Phó thủ tướng cho biết thực trạng địa chất vùng ĐBSCL yếu dẫn đến suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, đầu tư phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, mức đầu tư đã không cao, do điều kiện tự nhiên khiến số tiền đòi hỏi lại càng tăng cao. Ông nhấn mạnh Chính phủ đã nhận ra điều này và có nghị quyết chuyên đề. Từ nay đến 2020 và 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM. Các loại hình như hàng hải, đường bộ, đường sắt, hàng không sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, có thể phát triển dịch vụ logistics cho khu vực tiểu vùng sông Me Kong. Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ. Phó thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn từ này đến 2020 và giai đoạn đến năm 2025. Năm nay, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Phó thủ tướng cho rằng với số vốn đó, cộng thêm khoản tín dụng từ ngân hàng, dự án sẽ thông tuyến vào năm 2020. “Vấn đề quan trọng này là tổ chức thực hiện, ở đây nhấn mạnh vai trò của Bộ GTVT. Chính phủ sẽ có giám sát vấn đề này”, ông nhấn mạnh. -
Tham nhũng vặt như “tổ mối”, có thể làm vỡ con đê hùng vĩ
Về vấn đề liên quan đến tham nhũng vặt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống đại án về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều lưu ý tình trạng tham nhũng vặt. Ảnh: Minh Quân.
Phó thủ tướng nhận định tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và nhân dân. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. “Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, Phó thủ tướng nói. Theo ông, tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về quy trình thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, cần hệ thống giám sát bằng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, có quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
-
Sẽ công khai những bộ ngành nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật
Chiều 15/8, cuối phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát triển giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Phó thủ tướng tập trung vào một số vấn đề như công tác xây dựng pháp luật, bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông… Về công tác xây dựng pháp luật, Phó thủ tướng thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chậm. Một số dự án luật còn hạn chế về nội dung, chậm trình Quốc hội. Đến nay các bộ ngành đang nợ 18 văn bản quy phạm pháp luật. Ông Vương Đình Huệ chỉ ra một số nguyên nhân như chưa tuân thủ quy trình, trình tự theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sự quan tâm chỉ đạo của một số tư lệnh ngành chưa sát sao. Ngoài ra, một số vấn đề chưa đánh giá kỹ khi xây dựng. Thời gian cho phép ban hành ngắn, trong khi vấn đề khó, phức tạp, soạn thảo còn khó khăn. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chấp hành nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ sẽ công khai các bộ ngành nợ đọng văn bản. Ngoài ra, sẽ tăng cường năng lực triển khai, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Về các chính sách, nguồn lực bố trí các chương trình phát triển dân tộc, dân số và miền núi, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã bố trí 5.500 tỷ đồng cho các chương trình. Chính phủ đang bố trí nguồn chi bổ sung 1.000 tỷ từ nay đến cuối năm cho các vấn đề này. “Về căn cơ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có riêng hợp phần cho dân tộc ít người và rất ít người. Chúng ta sẽ tích hợp 186 chính sách hiện tại thành một bộ chính sách”, ông nói. -
Đại biểu không thỏa mãn việc bộ trưởng ủy quyền thứ trưởng trả lời chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cùng chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm về việc đại biểu chất vấn nhưng bộ trưởng lại ủy quyền cho thứ trưởng trả lời bằng văn bản. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết theo quy định, bộ trưởng là người chịu trách nhiệm trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực, trách nhiệm của mình. Ảnh: Minh Quân.
“Chúng tôi hiểu rõ, nắm rõ và nhận thức đầy đủ về quy định này, đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình, thể hiện ở việc tham gia đầy đủ các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay tại các hội nghị chuyên trách, và cũng trả lời nhiều đại biểu bằng văn bản”, ông Tô Lâm nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cũng giải thích trong quá trình điều hành vì lý do thời gian, lĩnh vực liên quan đến luật pháp cụ thể nên bộ trưởng không thể trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Bộ Công an đã có phân công chịu trách nhiệm trước pháp luật cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị điều tra như cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan thi hành án hình sự. Các thứ trưởng phụ trách lĩnh vực cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn bộ trưởng chịu trách nhiệm chung về tất cả các vấn đề. Vì có phân cấp nên nhiều khi bộ trưởng cũng không ra được quyết định khởi tố vụ án, quyết định bắt giam bị can… Nhưng có thời gian bộ trưởng đi vắng dài ngày, vấn đề trả lời không kịp thời gian theo quy định của luật nên phải ủy quyền cho thứ trưởng, còn bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm trả lời vấn đề đó. “Tôi không né tránh trách nhiệm trong vấn đề này, nhưng từ góp ý của đại biểu, tôi xin tiếp thu và rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Công an nói.
-
Chưa có con số nào cho thấy chi sai 72 tỷ bảo hiểm thất nghiệp
Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về trách nhiệm trong việc chi sai bảo hiểm thất nghiệp. Ông khẳng định đến nay, chưa thấy có con số nào báo cáo cho thấy chi sai tới 72 tỷ. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Minh Quân.
Việc chi 72 tỷ này đã từng được báo cáo trước Quốc hội. Bộ trưởng Dung cho biết kiểm toán đã vào cuộc 2 đợt. Lần đầu tiên năm 2015, kiểm toán đề nghị thu hồi 18,8 tỷ. Sau giải trình của các đơn vị, kiểm toán chấp thuận 5,4 tỷ, số còn lại chi không đúng đã được thu hồi 100%. Kiểm toán năm 2018 đã phát hiện và kết luận tổng chi sai 18,9 tỷ. Theo thông báo, do chưa có kết nối nên một số người khi thất nghiệp, nhảy việc, có việc rồi nhưng vẫn làm thủ tục để nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Cái này có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Dung cho biết trong tuần tới sẽ làm việc với kiểm toán xem cách thức xử lý từng trường hợp cụ thể. “Nhưng tinh thần là nếu chi sai vì mục đích trục lợi sẽ xử lý rất nghiêm minh. Nếu chi cho người thất nghiệp đào tạo nghề, chuyển nghề nhưng vừa chi họ đã nhảy sang việc khác thì tùy trường hợp có xử lý”, Bộ trưởng Lao động nhấn mạnh.
-
"Trách nhiệm để xảy ra tình trạng xăng giả không phải của riêng Bộ Công Thương"
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng thế nào khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam. Ảnh: Minh Quân.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ ra sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng Ban 389 Quốc gia tại địa phương không kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là trong việc tìm ra kẽ hở của luật pháp và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm trên thị trường. Liên quan đến mặt hàng xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến quy định trong Luật tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế. Ngay cả việc phối hợp cũng không đảm bảo thực hiện được hết trên toàn bộ địa bàn do sự yếu kém của lực lượng địa bàn.Quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Ông Trần Tuấn Anh cho biết sau khi công an tổ chức điều tra vụ điều chế xăng giả, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật. “Kế hoạch đảm bảo chất lượng xăng dầu tại địa bàn, địa phương phải được làm chặt hơn nữa với trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, bao gồm Bộ Khoa học Công Nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương”, Bộ trưởng Công Thương nói. Đối với vấn đề nhập nhèm xuất xứ, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã bước đầu hoàn thiện dự thảo thông tư Made in Vietnam và công bố để xin ý kiến phản biện. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ theo đúng quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
-
Chưa phát hiện bảo kê tín dụng đen trong ngành công an
Trả lời về vấn đề tín dụng đen, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết trong thời gian qua lực lượng công an đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can liên quan đến tội danh tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, đã khởi tố 214 vụ với 947 bị can cho vay nặng lãi trong quan hệ dân sự. Ảnh: Minh Quân.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin, lực lượng công an đã làm tan rã 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, liên quan tín dụng đen. Các hoạt động trấn áp mạnh mẽ khiến tệ nạn này được kiềm chế và giảm tính phức tạp. Một số đường dây đã tạm dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Người đứng đầu ngành công an nhấn mạnh tình hình hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho nhân dân. Gần đây xuất hiện thực trạng cho vay ngang hàng qua Internet. Hoạt động này có thể biến tướng. Nguyên nhân được Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra là nhu cầu cho vay, sử dụng tín dụng, thậm chí là sử dụng tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn. Việc xử lý gặp nhiều khó khăn, nhiều đối tượng lách luật. Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ tiếp tục thực hiện, duy trì khí thế tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen. “Không chủ quan khi kết quả đang trên đà thực thi tốt. Công an sẽ sử dụng nghiệp vụ triệt phá băng nhóm đòi nợ thuê, tín dụng đen khi nó mới hình thành”, ông nói. Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin chưa phát hiện đối tượng bao che, bảo kê cho tín dụng đen, kể cả trong ngành công an. “Quan điểm của bộ là xử lý nghiêm trường hợp bảo kê và liên quan bảo kê, không có vùng cấm nào. Nếu nhân dân chỉ ra hoạt động này, chúng tôi sẽ trao đổi, thông tin”, ông nói.
-
Đề xuất áp dụng thuế, phí để hạn chế nhựa dùng một lần
Nói về vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết đây là vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, con người.
Ảnh: Minh Quân.
Dẫn chứng việc trên bàn họp hôm nay không có đồ nhựa dùng một lần, Bộ trưởng TNMT cho biết Chính phủ và Quốc hội luôn cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Bản thân Việt Nam đã có luật quản lý tài nguyên môi trường biển và tham gia những hiệp định quốc tế về vấn đề này. Ông Hà cho biết công cụ quan trọng để đối phó với vấn đề rác thải nhựa là chính sách thuế, phí áp dụng với các loại nhựa một lần. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế khuyến khích vật liệu thân thiện môi trường. Cuối cùng, Bộ trưởng Hà đánh giá công việc hạn chế rác thải nhựa cần sự nhận thức của người dân và toàn xã hội. Nếu người dân không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sẽ vừa giảm rác thải, vừa tiết kiệm, đóng góp quan trọng cho thành công chung của chiến lược đối phó vấn đề rác thải nhựa.
-
Kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ 20 tàu cá Bình Định hỏng hóc phải nằm bờ
Trả lời đại biểu Lý Tiết Hạnh về 20 chiếc tàu của Bình Định bị hỏng hóc sau khi sử dụng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết nghị định 67 có rất nhiều nội dung, trong đó tập trung phát triển các thiết chế hạ tầng nghề cá gồm cảng, khu neo đậu, trung tâm lớn về nuôi trồng.
Thứ 2 là chính sách hỗ trợ tín dụng để phát triển lực lượng tàu công suất lớn (2.228 chiếc). Thứ 3 là hỗ trợ chính sách bảo hiểm với ngư dân vươn khơi xa để vừa bảo vệ chủ quyền vừa phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Quân.
Riêng về nội dung hỗ trợ tín dụng phát triển đội tàu, đến nay sau 5 năm, các tỉnh duyên hải đã đăng ký 1.177 tàu. Đến ngày 30/6, có 1032 tàu đưa vào hoạt động đánh bắt. Trong quá trình tổ chức, phát hiện 20 tàu của Bình Định không đúng chủng loại máy, hỏng hóc. T Cuối 2017, 20 chiếc tàu hỏng đã được khắc phục xong.ỉnh Bình Định và Bộ Nông nghiệp đã vào cuộc, tổ chức khắc phục, sửa chữa. Về xác định nguyên nhân, trách nhiệm đầu tiên là của công ty đóng tàu, có liên quan trách nhiệm của Trung tâm Đăng kiểm của Bộ Nông nghiệp. Bộ đã kiểm điểm, kỷ luật cán bộ liên quan. Cảnh cáo Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an làm rõ sai phạm xử lý theo pháp luật.Đánh giá Nghị định 67, bộ cho rằng nghị định đã giúp tăng số tàu khai thác xa bờ 20%, giảm tàu khai thác gần bờ 13%. Thực hiện được các chính sách hỗ trợ bảo hiểm ngư dân khơi xa. Vốn hỗ trợ ngân hàng cũng được tập trung. Tuy nhiên, có những bất cập còn tồn tại. Nhiệm vụ lớn nhất là đầu tư hạ tầng phát triển nghề cá nhưng chưa tương xứng, mới đầu tư được 83/125 cảng cá, 83/146 khu neo đậu. Kinh phí chỉ được đầu tư hơn 7.249 trong số 28.000 tỷ đồng. Thiết chế nghề cá còn rất nhiều bất cập.
-
Luật chậm thực thi, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời đại biểu Triệu Thị Thu Phương về xây dựng văn bản luật chậm, các dự án luật trình không đảm bảo. Ông Long khẳng định thời gian qua Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội rất cố gắng, công tác xây dựng luật có nhiều kết quả quan trọng. Trong 2 năm, Quốc hội xem xét thông qua 26 luật, nghị quyết ở các lĩnh vực khác nhau. Có dự án ban hành kịp thời giải quyết ngay được vướng mắc, như Nghị quyết của Ủy ban TVQH giải thích thực hiện Luật Quy hoạch. Nhưng Bộ trưởng Tư pháp cũng thừa nhận vẫn còn hạn chế, cụ thể, sau khi rà soát lại 26 văn bản được xem xét, thông qua có trên dưới 15 văn bản trình chậm, có văn bản chậm nên phải rút ra khỏi chương trình. Bộ trưởng Tư pháp nhắc đến quy định bộ có 20 ngày làm công tác thẩm định nhưng có nhiều dự án luật chỉ có 3-5 ngày để làm. Thực tế này đã được nêu nhiều thời gian qua nhưng chuyển biến còn chậm. Hai năm qua, việc xây dựng thể chế được nhắc đến trong 19 nghị quyết và các phiên họp chuyên đề của Chính phủ. Trách nhiệm chính trong vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh thuộc về bộ trưởng, trưởng ngành và cơ quan trình luật, phụ trách công tác xây dựng pháp luật. Về phần thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ mở rộng việc thẩm định, mời rộng rãi các chuyên gia để chất lượng thẩm định được nâng lên. Như Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Tư pháp cử chuyên gia cao cấp tham gia cùng Bộ Lao động ngay từ đầu, g óp ý về công tác xây dựng luật. Ông Long cho rằng khi bắt đầu nên bàn về định hướng, huy động đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và làm một mạch chứ không phải làm đi làm lại. Đại biểu Trần Hồng Nguyên hỏi về công tác hạn chế trong phổ biến pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết vấn đề này đã từng được nêu. Đánh giá chung, ông nhận định công tác này có nhiều chuyển biến cụ thể. Nhưng cũng có hạn chế như nguồn lực dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, hiện các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng thông qua một số đề án, trong đó có đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng một trang thông tin để tất cả những thông tin tuyên truyền về pháp luật được đưa lên trang tin này.