Trao đổi với Zing.vn bên hành lang Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng tham nhũng vặt hình thành thói quen, bản năng tham nhũng tiền tỷ. Người dân không dám tố giác do Nhà nước chưa có đủ biện pháp cần thiết để bảo vệ họ trước sự đe dọa của tội phạm tham nhũng.
Sức ép tham nhũng với người dân ngày càng tăng
- Theo khảo sát Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017, mức độ chịu đựng tham nhũng của người Việt có xu hướng tăng chóng mặt, từ khoảng 5 triệu đồng vào năm 2011 lên đến 27,5 triệu đồng năm 2017. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Đây là điều rất đáng suy ngẫm, dự báo nhiều vấn đề. Trước hết, mức độ tham nhũng hay sức ép tham nhũng với người dân ngày càng tăng. Cùng một vụ việc, họ phải chi trả tiền "bôi trơn" nhiều hơn so với trước kia.
Cũng có thể do đồng tiền trượt giá, nên người ta đòi hỏi lượng tiền lớn hơn. Cùng với đó, nền kinh tế càng phát triển, tốc độ làm ra đồng tiền bây giờ khác xa với gần chục năm trước. Lượng vốn, lợi nhuận từ nhiều công trình, dự án có giá trị cao đánh thức vào lòng tham của con người.
Đây là vấn đề đánh giá cả góc độ xã hội và kinh tế. Do vậy, các khía cạnh pháp lý cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khẳng định lợi ích nhóm tạo thế vững chắc cho tham nhũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Cũng theo khảo sát trên, chỉ khoảng 3% người được hỏi sẵn sàng tố giác hành vi tham nhũng, trong khi năm 2011 con số này là hơn 9%. Người dân dường như đã chai lỳ, sẵn sàng thỏa hiệp?
- Đúng là có tình trạng như vậy trong xã hội. Tôi phỏng đoán là do sức ép từ "cú đòn trở ngược" của tội phạm, cá nhân, tổ chức tham nhũng. Người dân cân nhắc việc tố cáo tham nhũng, lựa chọn giữa được và mất. Bên cạnh đó, họ chưa tin tưởng vào biện pháp bảo vệ của các cơ quan công quyền.
Tôi cho rằng Luật Phòng, chống tham cần đặt ra những quy định mới chặt chẽ hơn để bảo vệ người tố cáo.
Nếu biện pháp bảo vệ từ phía Nhà nước không đủ đảm bảo, người tố giác dễ chùn bước
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Chúng ta hiểu rõ tội phạm tham nhũng có những mánh lới tinh vi, thậm chí sẵn sàng giết người nếu bị phát hiện. Khi người dân không thể tự phòng vệ, họ cần tới sự giúp đỡ từ Nhà nước. Nếu những biện pháp đó không đủ đảm bảo thì người tố giác dễ dàng chùn bước.
Hơn nữa, chính sách khuyến khích, khen thưởng người tố giác chưa là động lực cho người dân. Nhiều cá nhân muốn tố giác hành vi tham nhũng nhưng họ cũng cần sự động viên về tinh thần và cả vật chất.
Ví dụ như trường hợp 2 lão nông "khui" gần 3.000 bộ hồ sơ thương binh giả, được Bộ trưởng LĐTB&XH tặng bằng khen. Với họ, sự vinh danh đó thật đáng quý. Tuy nhiên, nếu các cơ quan kịp thời khen thưởng, tôi tin rằng còn có nhiều người khác ủng hộ và làm theo.
Khi chúng ta công khai hóa, thể hiện rõ ràng quan điểm của Nhà nước, tội phạm tham nhũng sẽ e ngại hơn.
Đừng coi thường tham nhũng vặt
- Nhiều người coi hành vi "bôi trơn" chỉ là bồi dưỡng chút tiền, là hiện tượng bình thường và quy luật của xã hội. Điều này phản ánh thực trạng xã hội gì?
- Ở Việt Nam và một số nước Á Đông, tặng quà trở thành phong tục. Khác với ở châu Âu, họ chỉ tặng món quà nhỏ, tỏ ý động viên, ghi nhận công lao.
Người Việt tặng quà là phải có giá trị trao đổi trên thị trường. Giả dụ tôi nhờ anh một việc rất bình thường, mà lại không tặng quà cảm ơn thì thấy áy náy. Vô tình, điều này tạo ra "thói quen" xấu, lây lan từ người này sang người kia.
- Theo ông, tham nhũng vặt có mối liên hệ gì với tham nhũng lớn, tham nhũng tiền tỷ?
- Với cùng là một chủ thể, tham nhũng vặt tạo ra thói quen cho những tham nhũng lớn. Tham nhũng vặt an toàn là "bà đỡ" để người ta sẵn sàng thực hiện những vụ tham nhũng lớn hơn. Hàm tốt thì có thể nhai từ thịt đến xương, miếng to ăn được thì miếng bé cũng ăn được.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của một vị lãnh đạo rằng đừng coi thường tham nhũng vặt, bởi nó hình thành nên bản năng tham nhũng. Rất nguy hiểm!
Địa phương kiểm soát tham nhũng kém cần thanh kiểm tra nghiêm túc
- Cũng theo khảo sát PAPI 2017, các tỉnh, thành phố phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng... đang kiểm soát tham nhũng kém trong nhiều năm. Ông nghĩ sao?
- Thời gian gần đây, tôi nhận được nhiều ý kiến cử tri về những vụ tham nhũng ở Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM... Tham nhũng có nhiều nguồn gốc, trong đó lợi ích nhóm tạo thế vững chắc. Chúng bao bọc, che đỡ lẫn nhau. Những địa phương đó cần xem xét, thanh kiểm tra nghiêm túc.
Đừng coi thường tham nhũng vặt, bởi nó hình thành nên bản năng tham nhũng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Đặc biệt, Trung ương cần coi trọng, lắng nghe tín hiệu từ xã hội, từ người dân và phúc đáp lại nguyện vọng của họ. Không nên tự cho rằng những tiếng kêu lẻ tẻ của một cá nhân hay nhóm người là bình thường, mà phải đặt mình vào vị trí của họ.
Tiếng kêu đó có thể đơn độc, song lại phản ánh một vụ việc nghiêm trọng. Như đi bắt cua bắt ếch, đâu phải hang lớn mới có cua ếch to. Tham nhũng giờ cũng vậy, tinh vi hơn, chỉ bé như lỗ thông hơi.
Trong khi đó, ở nông thôn, đặc biệt khu vực miền núi, số lượng người có chuyên môn, nghiệp vụ không nhiều. Cơ hội tham gia vào Nhà nước chỉ tập trung ở một số nhóm người nhất định. Họ xuất thân từ gia đình có điều kiện, có quyền lực. Điều này khiến nảy sinh tình trạng quyền lực khép kín về mặt gia đình, xã hội.
- Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này có quy định tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai và tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý sẽ bị đánh thuế 45%. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
- Phát biểu thảo luận tại tổ, tôi đã nói việc đánh thuế với tài sản “bất minh” của cán bộ cũng một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại có khả năng trước khi Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua thì cán bộ sẽ ồ ạt kê khai ra rất nhiều tài sản thuộc dạng “được thừa kế, cho, tặng” để tránh hệ lụy khi bị xác minh tài sản.
Tôi cũng nghĩ rằng thời điểm trước khi đạo luật ra đời lại là cơ hội nâng đỡ cho sự cất cánh của tham nhũng ở giai đoạn trước đó. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc với đề xuất này.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, tham nhũng vặt tạo ra thói quen cho những tham nhũng lớn. Tham nhũng vặt an toàn là "bà đỡ" để người ta sẵn sàng thực hiện những vụ tham nhũng lớn hơn. Minh họa: Phượng Nguyễn - Trà My. |
- Nhiều giải pháp được đưa ra để chống tham nhũng như cải cách tiền lương, tăng cường sự giám sát của người dân, bài trừ quan hệ vị thân... Theo ông, liệu những giải pháp này đã thực sự khả thi trong bối cảnh hiện nay?
- Đó là những giải pháp quan trọng. Chính phủ chủ trương nâng cao tiền lương để cán bộ có cuộc sống ổn định hơn. Tôi cho rằng cán bộ là gốc rễ của vấn đề, đội ngũ này phải thực sự liêm khiết.
Tôi ủng hộ thông điệp của Chính phủ: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Hiệu quả. Kỷ cương là bệ đỡ, liêm chính rèn luyện đạo đức, nhân cách cán bộ. Phải làm sao có đội ngũ cán bộ đủ liêm khiết để hiểu tham nhũng là việc không nên, không dám làm. Nếu cán bộ không tự giác, Nhà nước cần biện pháp cứng rắn.
Các quy định của luật liên quan tới tham nhũng cần xử lý cả về mặt hành chính, hình sự, thậm chí cả dân sự với các cán bộ, đảng viên cá nhân vi phạm.