Trong một video do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) công bố hôm 16/11, Al Karar (giữa), một phiến quân Iraq trong hàng ngũ IS, đe dọa rằng những nước tham gia không kích phiến quân ở Iraq và Syria sẽ chứng kiến thảm kịch tương tự các vụ tấn công ở Paris vào đêm 13/11. Ảnh: Reuters |
Sau loạt vụ tấn công liên hoàn ở thành phố Paris vào đêm 13/11 khiến 129 người chết và hàng trăm người bị thương, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố trước lưỡng viện Quốc hội rằng đất nước đang trong thời chiến. Ông yêu cầu các nghị sĩ thảo luận về dự luật duy trì tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng.
Ông Hollande thông báo Pháp sẽ tăng cường các hoạt động quân sự ở Syria, đẩy mạnh các vụ không kích vào nơi những kẻ khủng bố lên kế hoạch cho vụ tấn công Paris tối 13/11. Ông cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sớm ban hành nghị quyết chống chủ nghĩa khủng bố.
Cơ hội để Nga, Mỹ hợp tác trong cuộc chiến chống IS
Ngày 15/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết Washington sẽ “tăng gấp đôi” nỗ lực nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cùng ngày, ông Obama đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về nỗ lực giải quyết xung đột ở Syria.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, nhận định thảm kịch Paris có thể khiến Mỹ, Nga xích lại gần nhau hơn để cùng chống IS.
"Mỹ đang lâm vào thế khó, bởi nếu không hợp tác với Nga, Washington sẽ không thể diệt IS một cách hiệu quả. Chắc chắn Nhà Trắng sẽ phải tìm một hình thức hợp lý để hợp tác với Điện Kremlin trong cuộc chiến chống IS tại Trung Đông", tiến sĩ Trường nói.
Có thể Liên minh châu Âu sẽ gây sức ép để Mỹ bắt tay Nga trên chiến trường Trung Đông, tiến sĩ Trường dự đoán. Sự hợp tác với Mỹ có thể giúp Nga có cơ hội giải quyết những bất đồng quanh vấn đề Ukraine, Syria với phương Tây.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan Ảnh: Hồng Duy |
IS sẽ không nao núng trước ngôn từ đanh thép của Pháp, Mỹ
Theo ông Trường, dù nước Pháp nổi giận, nước Mỹ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, IS sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công trong lòng phương Tây để gieo rắc nỗi sợ hãi.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Trường, ông John Brennan, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cảnh báo IS sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công tương tự.
"IS muốn thực hiện những vụ khủng bố đẫm máu ở nước ngoài để củng cố luận điệu của chúng rằng thể chế Hồi giáo của chúng đang phát triển và thành công", Brennan nói.
Sử dụng lực lượng mặt đất là cách duy nhất để diệt tận gốc IS. Nhưng tiến sĩ Trường cho rằng cả Nga, Mỹ và Pháp sẽ không muốn đưa bộ binh sang Trung Đông.
"Washington có thể tăng số lượng cố vấn cho lực lượng quân sự địa phương, nhưng họ sẽ không dùng bộ binh để tiêu diệt IS", ông lập luận, đồng thời cho rằng các nước phải áp dụng chính sách đối nội phù hợp để ngăn chặn những sự kiện giống như thảm kịch Paris.
Thảm kịch Paris khiến thái độ bài Hồi giáo gia tăng ở châu Âu
Sau vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1 khiến 17 người chết, chính giới Pháp và nhiều nhân vật nổi tiếng kêu gọi công chúng thể hiện tình đoàn kết với tín đồ Hồi giáo.
Nhưng tình hình hoàn toàn khác sau loạt vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11. Dường như một bộ phận công chúng tỏ ra sợ hoặc giận dữ khi Tổng thống Pháp kêu gọi Quốc hội sửa Hiến pháp để chống khủng bố. Chẳng ai nói ra thành lời, song suy nghĩ của dư luận khá rõ: Những người thế tục ở Pháp luôn có mối quan hệ phức tạp với cộng đồng Hồi giáo và thảm kịch Paris đã đẩy mối quan hệ ấy tới trạng thái nghi ngờ, thậm chí thù địch.
Đối với những người Hồi giáo muốn di cư vào Trung Đông, thảm kịch Paris có thể gây trở ngại cho nỗ lực tị nạn tại châu Âu của họ, tiến sĩ Trường dự đoán. Những nước vốn cởi mở với người di cư như Đức sẽ phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trường khẳng định Liên minh châu Âu sẽ không cấm việc đi lại tự do giữa các nước trong khu vực Schengen, bởi đó là một thành tựu lớn của châu Âu. Thái độ nghi ngờ và thù địch Hồi giáo cùng với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc đi lại ở biên giới các nước châu Âu sẽ khiến cuộc sống của tín đồ Hồi giáo tại đây trở nên khó khăn hơn.