Cảnh sát vũ trang tăng cường tuần tra ở tháp Eiffel sau cuộc tấn công đẫm máu đêm 13/11. Ảnh: CNN |
Đêm 13/11, nước Pháp hứng chịu đợt tấn công khủng bố đẫm máu chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ông Sajjan M. Gohel, giám đốc an ninh quốc tế thuộc Quỹ châu Á – Thái Bình Dương (APF) có trụ sở tại London chia sẻ với CNN rằng, cuộc tấn công đêm 13/11 ở Paris trùng với lễ kỷ niệm trong Thế chiến thứ nhất nhằm phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của IS.
Trong tháng 11/1914, Sheikh-ul-Islam, nhà tư tưởng Hồi giáo đã kêu gọi một cuộc thánh chiến nhằm hồi sinh Nhà nước Hồi giáo Ottoman. Ông kêu gọi người Hồi giáo dòng Sunni cầm súng chống lại Pháp, Nga và Anh. Chiến lược mà Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang sử dụng rất giống với Nhà nước Hồi giáo Ottoman năm xưa.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nhận xét: “Đây là hành động chiến tranh do tổ chức khủng bố IS gây ra nhằm chống lại nước Pháp”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ lãnh đạo cuộc chiến và chúng tôi sẽ không nương tay”.
Tuyên bố của Tổng thống Hollande nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron. Một ngày sau tuyên bố của Tổng thống Hollande, các chiến đấu cơ của Pháp ở Trung Đông không kích dữ dội vào trung tâm đầu não IS ở Syria.
Sự phụ thuộc vào không kích
Tuy nhiên, ông Gohel cho rằng, tuyên bố mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo phương Tây mới chỉ dừng lại ở phát ngôn trừ khi họ đang chuyển đổi thành một chiến lược cụ thể, nhưng điều đó đến nay vẫn chưa xảy ra. Trước khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ở Paris, IS dường như đã thành công trước sự chần chừ của phương Tây.
“Tôi tin rằng, phương Tây không mặn mà với việc triển khai quân đội đến Iraq và Syria. IS cũng tin rằng, phương Tây sẽ không đi xa hơn các chiến dịch không kích như hiện tại”, ông Gohel nói. Thực tế chiến lược chống IS của phương Tây phụ thuộc vào các chiến dịch không kích, huấn luyện quân đội Iraq và quân nổi dậy ở Syria.
Tiêm kích Mirage-2000 của Pháp tại căn cứ ở vùng Vịnh chuẩn bị xuất kích đánh IS. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, các đợt không kích bị giới hạn ở một số mục tiêu vì liên quan đến thường dân. IS nắm điểm yếu này và giam giữ nhiều thường dân trong các tòa nhà để tránh bị không kích. Bên cạnh đó, phương Tây không có lực lượng mặt đất ở Syria khiến cho việc cung cấp thông tin tình báo về mục tiêu của IS trở nên khó khăn hơn.
Các vị chỉ huy của IS cũng phát triển những kỹ năng và phương pháp giao tiếp đặc biệt để tránh bị phát hiện. Do đó, các đợt không kích không ngăn chặn được việc IS mở rộng lãnh thổ và chiêu mộ các tay súng từ phương Tây.
Bên cạnh đó, tổ chức này có chiến lược khá sắc sảo để quản lý các khu vực mà họ chiếm đóng. IS ưu tiên kết nối các thị trấn nằm giữa biên giới Iraq và Syria để đảm bảo nguồn cung cấp hậu cần. Các chiến dịch không kích rõ ràng là không đủ để ngăn chặn IS.
Sau sự kiện ở Paris, ông Gohel lập luận rằng, phương Tây chỉ có 3 lựa chọn: Đầu tiên, tiếp tục theo đuổi chiến lược chống IS triển khai từ năm 2014 đã được chứng minh là không hiệu quả; thứ 2, bắt đầu triển khai lực lượng mặt đất phối hợp với quân đội Iraq và phe nổi dậy ở Syria để cô lập và tiêu diệt IS; cuối cùng, phương Tây có thể loại bỏ việc can thiệp và tiến hành cô lập Iraq và Syria.
Những phương án trên đều kèm theo rủi ro và hậu quả nhất định, do đó các nước phương Tây cần tính toán một chiến lược mới phù hợp nhất để chống IS, ông Gohel nhận xét.
Không kích hay không Pháp vẫn là mục tiêu
Tổng thống Hollande đã ra lệnh cho quân đội tấn công đáp trả hành động của IS. Theo Reuters, đêm 15/11, 10 chiến đấu cơ của Pháp đã dội 20 quả bom xuống các mục tiêu IS ở Syria. Nhận xét về đợt không kích đáp trả của Pháp, nhà phân tích Natalie Nougayrède, nhà báo kỳ cựu của tờ The Guardian, Anh cho rằng, mục tiêu của IS là phá hoại nền văn minh phương Tây, do đó Pháp có không kích IS hay không thì Paris vẫn là mục tiêu của tổ chức này.
Bà cho rằng, IS đang cố tình gây chiến với Paris vì tổ chức này muốn hai điều: Đầu tiên là gây xáo trộn sự ổn định xã hội ở Pháp; tiếp đến là lôi kéo sự can thiệp sâu của Pháp vào tình hình ở Syria từ đó kích động sự bất mãn trong cộng đồng Hồi giáo ở Pháp. Đó là một cái bẫy mà IS giăng sẵn với Pháp, bà Natalie nhận xét.
Tiêm kích Rafale của Pháp trong một sứ mệnh không kích ở Syria. Ảnh: Aljazeera |
Trong khi đó, nhà phân tích Peter Bergen, thuộc Đại học Arizona trao đổi với Washington Times rằng, Pháp là nơi có nhiều công dân đầu quân cho IS nhất trong các nước châu Âu. Trong tháng 9, Thủ tướng Pháp Manuel Valls từng báo cáo với Quốc hội nước này rằng, 1.800 công dân Pháp tham gia vào mạng lưới thánh chiến trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, Pháp là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất châu Âu. Những người theo đạo Hồi ở Pháp phải chịu những căng thẳng xã hội và khủng hoảng về bản sắc xoay quanh vấn đề “chính sách tôn giáo tách biệt ở Pháp”.
Một vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris sẽ khoét sâu vào những bất ổn về sắc tộc trong xã hội Pháp, ông Bergen nhận xét. Nếu chính phủ Pháp không có những chính sách cụ thể, cuộc tắm máu đêm 13/11 có thể dẫn đến một cuộc “nội chiến” giữa cộng đồng Hồi giáo với phần còn lại của nước Pháp, đó là điều IS mong muốn sau vụ thảm sát ở Paris.
Nước Pháp đang đứng trước những lựa chọn khó khăn sau vụ khủng bố đêm 13/11, nhưng các nhà phân tích tin rằng, chính quyền và người dân Pháp sẽ đồng lòng để vượt qua những khó khăn.
|