Cảnh bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan tối 1/10. Ảnh: Reuters. |
Thảm kịch kinh hoàng khiến 125 người chết (thống kê đến chiều 2/10) sau trận đấu giữa Arema FC vs Persebaya Surabaya ở vòng 11 giải Liga 1 (VĐQG Indonesia) vốn được dự báo từ trước, khi cổ động viên hai đội vốn có mối thù sâu sắc với nhau.
Ngay cả khi Liga 1 chỉ mới trải qua giai đoạn đầu và cả hai CLB cũng không nằm ở thế đua vô địch hay trụ hạng, trận derby Tây Java vẫn rất nóng.
Mối thù truyền kiếp
Năm 2014, hai người dân Indonesia bị hành hung trên đường đến xem trận đấu giữa Persebaya Surabaya và Arema, chỉ vì họ mang biển số từ một khu vực khác. "Chiếc xe máy của chúng tôi bị đập nát, thậm chí những kẻ quá khích còn tấn công các xe hơi và những phương tiện không thuộc biển số của khu vực Tây Java", một thanh niên tên Ahmad Ghozali kể lại. "Chúng tôi chỉ đến xem trận đấu, chứ không thuộc bất cứ hội nhóm nào của Persebaya Surabaya hay Arema".
Thậm chí ngay cả các cảnh sát giao thông của thành phố Surabaya, nơi CLB Persebaya Surabaya đóng quân, được cho đã có những hành động bạo lực nhằm các cổ động viên Arema, đến từ thành phố Malang. Điều đó cho thấy sự quá khích từ các cổ động viên hâm mộ Persebaya Surabaya và Arema. Sự cuồng nhiệt đôi khi đến mức bạo lực từ lâu được xem là một thuộc tính của người hâm mộ bóng đá Indonesia.
Mối thù giữa cổ động viên Persebaya Surabaya và Arema bắt nguồn từ một sự kiện ca nhạc vào ngày 23/1/1990, khi cổ động viên của hai đội cùng đến xem. Trong 30 phút đầu tiên của buổi biểu diễn, các Bonek - biệt danh của những người ủng hộ Persebaya Surabaya, đã rất tức giận vì khu vực phía trước sân khấu bị chiếm lĩnh bởi các cổ động viên đến từ Malang, những người liên tục hét lên "Arema".
Vào thời điểm đó, buổi biểu diễn được tổ chức ở Surabaya, khu vực các Bonek chiếm đa số. Các cổ động viên Persebaya Surabaya xem đó như một lời thách thức. Hai buổi biểu diễn ca nhạc ở Đông Java sau đó cũng ghi nhận các một cuộc ẩu đả.
Mọi chuyện tiếp tục kéo dài trong những năm sau. Nhiều cổ động viên Persebaya Surabaya lâu đời nói rằng xung đột giữa hai bên xuất phát từ sự "ghen tị" của các Aremania (biệt danh của những người ủng hộ Arema).
Ở thời điểm đó, Persebaya Surabaya đang là một trong những đội bóng mạnh và giàu truyền thống nhất Indonesia, trong khi Arema chỉ mới trỗi dậy trong vòng một thập niên trở lại đây. Arema được xem như đội bóng của giới bình dân ở Đông Java, trong khi Persebaya Surabaya vốn nhận sự ủng hộ từ chính quyền và tầng lớp thượng lưu.
Surabaya được biết đến là nơi sinh của Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno. Một số người Indonesia thậm chí gọi đây là "thành phố anh hùng" do tầm quan trọng của trận Surabaya, một trong những trận đánh được xem như bước ngoặt giúp xứ vạn đảo độc lập vào thế chiến 2. Trong khi đó, thành phố Malang, nơi tọa lạc của CLB Arema cũng có quy mô dân số lớn thứ nhì tỉnh Đông Java.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya mùa này, ban tổ chức Liga 1 được cho là đã họp bàn công tác an ninh với cảnh sát địa phương. Song, điều đó không thể ngăn thảm kịch vẫn xảy ra. Trách nhiệm rõ ràng thuộc về những người điều hành của bóng đá Indonesia và chính quyền địa phương.
Cổ động viên Arema và Persebaya có mối thù truyền kiếp xuất phát từ 3 thập niên trước. Ảnh: Reuters. |
Arema thua Persebaya 2-3 trong trận đấu đầy kịch tính. Nhưng ở ngoài sân cỏ, điều kinh hoàng xảy ra. Các CĐV Arema cũng không vô can trong sự cố kể trên, khi họ tỏ ra quá khích vì chứng kiến đội nhà nhận thất bại. Nhiều người vượt hàng rào lao xuống sân đe dọa cầu thủ Persebaya.
Số người hâm mộ quá khích tràn xuống sân đông khiến lực lượng an ninh và cảnh sát phải sử dụng đến hơi cay. Truyền thông Indonesia khẳng định khi sự cố bạo động xảy ra, việc cảnh sát bắn hơi cay về phía khán đài là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn khán giả hốt hoảng tháo chạy.
Một vài nguồn tin khác của báo chí Indonesia cho biết sân Kanjuruhan, nơi tổ chức trận đấu, vốn có sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi. Nhưng ban tổ chức trận đấu (thuộc về CLB Arema) vẫn cho phép số lượng cổ động viên vượt quá mức quy định vào sân.