Người tham gia chạy trail (địa hình) cần có những kỹ năng đặc biệt hơn các loại hình chạy bộ thông thường. Loại hình này cũng tiềm ẩn nguy cơ hơn chạy road. Ngoài các dụng cụ hỗ trợ (gậy, áo vest nước, đèn pin), runner cũng cần trang bị thêm nhiều kỹ năng sinh tồn và có sự chuẩn bị kỹ lương hơn khi tham dự các giải trail.
Sự cố khiến một VĐV tham dự Dalat Ultra Trail (DUT) thiệt mạng vừa qua là điều đáng tiếc, và đó là lời nhắc nhở đối với nhiều người đang và sẽ thử sức mình ở loại hình thể thao khắc nghiệt. Theo Phạm Thị Hồng Lệ, VĐV marathon chuyên nghiệp, người chơi phải chấp nhận và chuẩn bị cho các tình huống rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào.
Đường chạy trail địa hình không bằng phẳng, thường ở rừng núi nên có độ khó hơn đường chạy road. |
Chậm mà chắc
"Tôi không có nhiều kinh nghiệm chạy trail, nhưng việc đầu tiên VĐV dự giải cần là tích lũy đủ thể lực và có kinh nghiệm ở nội dung mình tham gia thi đấu. Mỗi người nên tập luyện kỹ, tìm hiểu rõ về giải và cần nhớ không nên quá mạo hiểm trước những thử thách mà bản thân chưa bao giờ vượt qua", HCĐ nội dung 42 km SEA Games 30 chia sẻ.
"Trước đây, tôi từng tham gia 2 giải chạy địa hình ở Sapa và Mộc Châu. Khi tham dự các giải này, VĐV cứ chạy chậm mà chắc. Khi chạy chậm, mình có thể cảm nhận được cơ thể, đồng thời quan sát hết được đường chạy, môi trường xảy ra xung quanh mình. Qua đó, có thể xử lý nhanh nhất khi có tình huống bất ngờ".
Tại Việt Nam, phong trào chạy bộ nói chung, chạy trail nói riêng, đang phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, nhiều giải đấu cũng được tổ chức. Vietnam Mountain Marathon, Dalat Ultra Trail hay Vietnam Trail Marathon tại Mộc Châu là những giải đấu thu hút nhiều runner quốc tế tham dự.
Nhật Lệ tham gia 2 trong 3 giải đấu nói trên. Sau đó, cô tập trung vào công việc chuyên môn, thay vì tự đặt ra thử thách bản thân với những chặng đường dài hơn. Cô gái quê Bình Định chia sẻ mình chưa từng nghĩ sẽ chạy các nội dung lên tới 50 hay 70, 100 km như nhiều VĐV nghiệp dư: "Bình thường, tôi chạy 42 km đã thấy quá mệt. Tôi thực sự nể phục những VĐV có thể chạy cự ly dài như vậy ngoài trời, trong mười mấy tiếng đồng hồ".
"Vận động viên chuyên nghiệp như tôi nghĩ tới tập 45-60 km thực sự rất sợ, chưa bao giờ tôi đi tới khối lượng như vậy. Có những buổi tập chạy dưới trời nắng, khi hoàn thành 35 km tôi đã thấy đầu óc quay cuồng".
VĐV chạy đường dài nói chung cần chuẩn bị lượng nước đủ để tiếp vào cơ thể trong quá trình thi đấu. Ảnh: Việt Hùng. |
Nước rất quan trọng
Cũng là VĐV chạy dài chuyên nghiệp, Đỗ Quốc Luật lại cho rằng các VĐV không chuyên thường ít kinh nghiệm và đây là điểm yếu khi tham dự các đường chạy dài, khắc nghiệt: "Nhìn chung, việc này là do sự chuẩn bị của mỗi vận động viên. Thứ nhất là chế độ dinh dưỡng, tiếp đến là khối lượng tập luyện. Bản thân từng người có đảm bảo được không. Đối với các vận động viên phong trào, thời gian chuẩn bị cho giải rất ít, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, kể cả cách sinh hoạt cũng không thể chỉn chu được".
"Lúc thi đấu giải, họ thường máu, nhưng sức lực chỉ đủ đáp ứng giai đoạn đầu của đường đua. Khi thời tiết nắng nóng, cuộc thi kéo dài tới 4-5 tiếng, người chơi dễ bị kiệt sức. Từ đó dẫn đến một số phát sinh ngoài ý muốn. Những rủi ro kiểu này, VĐV không chuyên chưa có nhiều kinh nghiệm rất dễ mắc phải", nhà vô địch 10.000 toàn quốc 2019 nói.
Một yếu tố khác được Quốc Luật nhắc đến là việc tích lũy chưa đủ. Cơ thể chưa đáp ứng được đòi hỏi của đường chạy dài như 42 km, 50 km hay thậm chí 100 km dẫn đến nguy cơ xảy ra rủi ro cao. "Những người có kinh nghiệm, tập luyện nghiêm túc và đảm bảo chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng thì rủi ro rất ít", anh nói.
"Khi các vận động viên chuyên nghiệp và phong trào muốn thử sức ở cự ly dài, việc đầu tiên là phải đảm bảo dinh dưỡng, duy trì khối lựng tập luyện thật nghiêm túc. Hai điều này kết hợp song song sẽ đảm bảo được thành tích, cư ly mình hoàn thành".
Dù vậy, Quốc Luật cũng cho rằng những yếu tố ngoại cảnh tác động đến nguy cơ xảy ra rủi ro, dù bản thân VĐV đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt: "Khi điều kiện thi đấu quá khắc nghiệt, ngoài sức tưởng tượng, nguy cơ là hiện hữu và đó là điều chúng ta không thể lường trước. Ngoài ra, khi có sự chuẩn bị, đảm bảo đủ các tiêu chí cũng như chỉ số thành tích, việc xảy ra rủi ro gần như không có".
Nhà vô địch SEA Games 30 nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật cũng đưa ra lời khuyên dành cho những người tập nghiệp dư khi thời tiết nắng nóng. Anh lưu ý việc nghỉ ngơi tích cực, không sử dụng các chất kích thích. "Người chơi cần nạp lượng nước đầy đủ, chỉ số đường, muối trong cơ thể cũng cần đảm bảo. Khi nắng nóng, nên tập luyện với cường độ vừa phải. Nếu cố quá dễ gây ra ảo giác, cơ thể kiệt sức. Một điều nữa là dinh dưỡng và nước quan trọng trong điều kiện nắng nóng lên tới gần 40 độ C như những ngày này".