Theo CNBC, nền kinh tế Nga bắt đầu thấm đòn của các lệnh trừng phạt. Triển vọng kinh tế xấu đi, trong khi lạm phát dự kiến tăng vọt.
Hoạt động sản xuất của Nga trong tháng 3 sụt giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020, giai đoạn đầu của đại dịch. Nguyên nhân là tình trạng thiếu nguyên liệu và giao hàng chậm khiến các nhà máy Nga lao đao.
Theo S&P Global, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của Nga đã giảm từ mức 48,6 trong tháng 2 xuống 44,1 vào tháng 3. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs mô tả sự sụt giảm diễn ra "trên diện rộng, với sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm mạnh, nhất là những đơn đặt hàng thành phần xuất khẩu".
Triển vọng kinh tế của Nga xấu đi, trong khi lạm phát dự kiến tăng vọt và đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh: Reuters. |
Sụt giảm trên diện rộng
Các nhà kinh tế tại Capital Economics dự báo những đòn trừng phạt từ phương Tây có thể khiến GDP của Nga sụt giảm 12% vào năm 2022. Trong khi đó, lạm phát dự kiến vượt quá 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), sau thỏa thuận ngừng bắn, nền kinh tế Nga sẽ trải qua thời kỳ trì trệ kéo dài, ngay cả khi các nước láng giềng đã phục hồi.
Theo ước tính của EBRD, các biệp pháp trừng phạt nghiêm khắc sẽ khiến nền kinh tế Nga lao dốc 10% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng kinh tế trước đó là 3%. Đáng nói, khác với Ukraine, nền kinh tế Nga khó có thể phục hồi nhanh chóng trong năm 2023.
"Đầu tư sẽ lao dốc, thương mại quốc tế sụt giảm, Nga không còn hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu như trước. Cùng với đó là việc ngày càng nhiều người rời khỏi Nga, dẫn đến tăng trưởng năng suất trong dài hạn thấp hơn", nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik của EBRD nhận định.
Hoạt động sản xuất của Nga trong tháng 3 sụt giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020. Ảnh: Reuters. |
Vị chuyên gia tại EBRD cho rằng các lực cản vẫn sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Nga, ngay cả khi những lệnh trừng phạt hiện hành đã được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hòa bình.
"Tôi cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực sẽ vượt ra ngoài các lệnh trừng phạt", bà cảnh báo.
Goldman Sachs cũng dự báo mức giảm 10% của kinh tế Nga. Còn Institute for International Finance cho rằng GDP Nga sẽ giảm 15% vào năm 2022 và 3% nữa trong năm 2023.
Tác động lan tỏa
Thị trường chứng khoán Nga tăng cao kể từ khi mở cửa trở lại vào ngày 24/3. Đồng RUB cũng quay đầu tăng giá. Tuy nhiên, nói với CNN, một quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ cho rằng đằng sau sự phục hồi bất thường của đồng RUB là những nỗ lực của Moscow nhằm nâng giá đồng tiền.
CNN cũng đưa tin giới chức Nga đã tìm cách đẩy giá đồng RUB trong thời gian qua. Họ yêu cầu các nhà xuất khẩu hoán đổi 80% doanh thu ngoại tệ sang đồng RUB, cấm những nhà môi giới Nga bán chứng khoán, không cho phép người dân Nga chuyển khoản ngân hàng bên ngoài Nga.
Những động thái này thúc đẩy nhu cầu đối với đồng RUB một cách giả tạo. Trong những tuần qua, thị trường chợ đen đã xuất hiện nhiều giao dịch đổi đồng RUB lấy ngoại tệ.
Ngay cả khi đồng RUB tăng giá trở lại, sức mua của đồng tiền vẫn giảm đi bởi giá cả tại Nga tăng vọt. Vị quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái và bị đè nặng bởi áp lực lạm phát.
Ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung. Lạm phát tăng cao có thể tác động tới thu nhập thực tế của các hộ gia đình và khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Ông William Jackson tại Capital Economics
"Kinh tế Nga chỉ có thể phục hồi khi đạt thỏa thuận hòa bình, nhưng điều đó vẫn còn xa vời. Trong khi đó, tác động từ xung đột có thể lan tỏa khắp Trung và Đông Âu", ông William Jackson tại Capital Economics cảnh báo.
“Ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung. Lạm phát tăng cao có thể tác động tới thu nhập thực tế của các hộ gia đình và khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu", ông nói thêm.
Capital Economics dự báo cuộc chiến sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của Trung và Đông Âu giảm 1-1,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Triển vọng của kinh tế Nga có thể còn đen tối hơn sau khi Ukraine cáo buộc Nga sát hại gần 300 dân thường vô tội ở Bucha. Điều này có khả năng đẩy lùi kỳ vọng về các đàm phán hòa bình và gia tăng nguy cơ từ những lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga.
Tuy nhiên, Nga khẳng định không hề có hành động bạo lực với dân thường trong thời gian kiểm soát thị trấn gần thủ đô Kyiv này.
Liên minh châu Âu có kế hoạch đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow sau những hành động tàn bạo mới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa thông báo trên Twitter về “các biện pháp trừng phạt bổ sung của EU".