Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết dự án dầu hợp tác giữa Việt Nam và tập đoàn REPSOL có phải đang bị ngừng lại hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
"Hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với đối tác Tây Ban Nha là hoạt động kinh tế bình thường. Lộ trình, tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Khi phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao xác nhận một số thông tin nói rằng Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ của Việt Nam nếu Việt Nam tiến hành thăm dò tại lô số 136-03, người phát ngôn khẳng định: "Tất cả hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982".
"Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.
Trước đó, ngày 28/7, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động dầu khí của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
"Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Liên quan tình hình Biển Đông, bà Hằng cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan sắp tới tổ chức tại Manila, Philippines, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và của Trung Quốc sẽ xem xét thông qua thỏa thuận khung về bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là COC mà đã được các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc hoàn tất tại hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc về tham vấn COC.
"Tôi xin khẳng định lại lợi ích chung của các nước ASEAN và khu vực là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và Biển Đông. Trên cơ sở đó, ASEAN luôn nhất trí cần sớm có một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982," bà nhấn mạnh.