Ngày làm việc của nữ hộ sinh Nooria Haya (*) thường bao gồm các cuộc họp với các bác sĩ nam nhằm quyết định phương pháp điều trị và những ưu tiên cho phòng khám công mà cô ấy làm việc. Phòng khám này ở Ishkamish, một huyện vùng nông thôn thưa thớt tiện ích ở tỉnh Takhar, trên biên giới phía đông bắc của Afghanistan với Tajikistan.
Nhưng gần đây, nữ hộ sinh 29 tuổi nhận ra rằng các cuộc họp giữa nhân viên nam và nữ đã bị cấm. Cô cho biết đây là mệnh lệnh đầu tiên mà Taliban đưa ra khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát khu vực.
Cô tự hỏi cuộc sống của mình sẽ thay đổi như thế nào, theo BBC.
Kiểm soát đi lại và cướp bóc lương thực
Jan Agha, 54 tuổi, ở quận Arghistan nằm trên biên giới với Pakistan, và cách thành phố Kandahar 2 giờ lái xe về phía đông cho biết: “Mọi người đều sợ hãi”.
Người dân đều tự nhốt mình trong nhà. Tuy nhiên, Taliban đã chiếm giữ hầu hết ngôi làng, người dân không thể thoát khỏi nhóm phiến quân này.
Các tay súng đi tuần khắp các đường phố. Vào buổi sáng và buổi tối, họ gõ cửa từng nhà để lấy thức ăn mà người dân buộc phải đưa do lo sợ kết cục tồi tệ hơn.
Dù người dân Afghanistan có một cuộc sống nghèo cùng cực, Jan, một người bán trái cây, cho biết: “Mỗi ngôi nhà hiện chuẩn bị 3 hoặc 4 chiếc bánh mì hoặc món ăn cho lực lượng nổi dậy”. Đồng thời, người dân cũng chấp nhận nếu các tay súng ngỏ ý muốn ở trong nhà của họ.
Người dân Afghanistan lo sợ nhiều quyền cơ bản sẽ bị tước đoạt dưới sự kiểm soát của Taliban. Ảnh: UN News. |
Đến tháng 6, Taliban tuyên bố chiếm được một số tỉnh ở phía bắc, gồm Takhar, Faryab và Badakhshan, buộc quân đội phải rút lui. Phần lớn trong số 2.500 lính Mỹ đã rút đi vào thời điểm này, mặc dù một số ít vẫn ở thủ đô Kabul, cũng như lực lượng không quân của họ.
Người Afghanistan đã chỉ trích việc lực lượng quốc tế rút quân là quá vội vàng. Một số người cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình trong hai năm qua giữa người Mỹ và Taliban chỉ nâng cao tính hợp pháp, việc tập hợp lực lượng và tham vọng của phe này.
Cô lập các quyền kinh tế và xã hội
Trong tháng 6, Taliban đã tái khẳng định rằng các tay súng của họ đã cô lập nhiều thứ khác ngoài thức ăn và chỗ ở. Các quyền kinh tế và xã hội mà người dân đã tranh đấu với thành công hạn chế trong hai thập kỷ qua đã ngay lập tức bị tước đoạt.
“Hiện có rất nhiều lệnh hạn chế. Khi tôi ra ngoài, tôi phải mang burka (khăn choàng) vì Taliban đã ra lệnh, và một người đàn ông phải đi cùng tôi," cô Nooria cho biết.
Việc đi lại của cô trong thị trấn là đặc biệt khó khăn. Nam giới không được phép cạo râu do Taliban cho rằng điều này là chống lại luật Hồi giáo. Các thợ cắt tóc bị cấm cắt tóc ngắn và các kiểu tóc giống nước ngoài cho khách.
Taliban áp đặt nhiều luật lệ hà khắc với người dân Afghanistan. Ảnh: BBC. |
Amri bil Marof, một nhóm của Taliban, đã áp đặt một số quy tắc xã hội. Các hình phạt đó đã mang đến nỗi kinh hoàng cho người Afghanistan trong những năm 1990. Đầu tiên là cảnh cáo, thứ 2 là trừng phạt - sỉ nhục nơi công cộng, tù đày, đánh đập.
“Hầu hết quyền tự do của chúng tôi đột nhiên bị tước đoạt", cô Nooria cho biết.
"Điều này thật khó khăn nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Taliban thật tàn bạo. Chúng tôi phải làm bất cứ điều gì họ yêu cầu. Họ đang sử dụng Hồi giáo cho những mục đích riêng của họ. Bản thân chúng tôi là những người theo đạo Hồi, nhưng đức tin của chúng tôi khác họ”, cô cho biết thêm.
Ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người dân
Người Afghanistan thường đến thăm Takhar, một địa điểm nổi tiếng với không khí miền núi trong lành, sạch sẽ bao phủ những ngọn núi tuyết, những cánh đồng xanh tươi và nước sông trong vắt.
Tại huyện Farkhar, tài xế taxi Asif Ahadi cho biết anh từng kiếm được 900 Afghanis (11 USD) mỗi ngày. Nhưng khi Taliban tiếp tục tiến quân, khách du lịch đã huỷ chuyến đi.
“Những khách du lịch đó là khách hàng của tôi,” anh Asif, 35 tuổi, cho biết. “Tôi dùng số tiền họ trả để nuôi sống gia đình của mình. Bây giờ nhiều nhất tôi chỉ kiếm được 150 Afghanis một ngày. Khoản tiền này thậm chí không đủ để cho tôi trang trải chi phí nhiên liệu, mà giá hiện đã tăng gấp đôi”.
Cuộc sống mưu sinh của người dân Afghanistan bị ảnh hưởng nặng nề dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhóm phiến quân. Ảnh: BBC. |
Đời sống xã hội của người dân cũng bị tác động nghiêm trọng. BBC dẫn lời anh Asif cho biết: “Mọi người từng tổ chức tiệc tùng vào mỗi tối thứ sáu để nghe nhạc, khiêu vũ và vui chơi. Điều này hiện đã bị cấm hoàn toàn".
"Mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng như nhau", Asif nói.
Đến ngày 4/7, chỉ 2 ngày sau khi quân đội Mỹ và NATO rời căn cứ không quân lớn nhất của Afghanistan tại Bagram, Taliban đã chiếm giữ huyện Panjwai, thuộc tỉnh Kandahar - quê hương và pháo đài cũ của họ.
Chưa đầy một tuần sau, nhóm phiến quân cho biết họ đã kiểm soát tuyến đường biên giới giao thương và đi lại lớn nhất với Iran và cảng lớn Islam Qala. Vào tuần thứ 3 của tháng, lực lượng nổi dậy đã tuyên bố kiểm soát 90% biên giới của Afghanistan và 85% đất nước.
Khi Taliban củng cố quyền kiểm soát của mình, người dân bắt đầu tháo chạy khỏi nhà, anh Asif cho biết. Một số người chưa bao giờ thấy Taliban áp đặt công lý và các cách thức cai trị nhanh chóng như vậy trước đây.
“Họ đưa ra quyết định rất nhanh chóng về các vấn đề như tội phạm,” anh Asif nói. "Không có bộ máy quan liêu, mọi loại vấn đề có thể được giải quyết trong vài ngày - và không ai có thể phản đối bất kỳ quyết định đó."
Lực lượng Taliban cũng thu “Taliban Usher” - khoảng 10% thu hoạch của người dân hoặc một phần thu nhập. Tuy nhiên, Taliban đã biến chúng thành các loại thuế về cơ bản để sử dụng cho mục đích riêng của họ.
Anh Asif cho biết đó là một áp lực tài chính khác, bên cạnh giá cả của “tất cả hàng hóa đều tăng vọt” vì ngoại thương và nội thương bị hạn chế cũng như nền kinh tế bị siết chặt. Các dịch vụ công cộng đã ngừng hoạt động.
“Người dân vốn đã rất nghèo, không có cơ hội việc làm và không có vốn đầu tư,” anh cho biết thêm.
Tuy nhiên, một số người chưa từng nhìn thấy hệ thống này của Taliban trước đây.
“Hệ tư tưởng và suy nghĩ của họ giống hệt như thời còn là tiểu vương quốc”, anh Jan nói.
Anh cho biết Taliban đã đóng cửa tất cả các trường học trong khu vực của anh ấy. Nhóm phiến quân đã tuyên bố rằng mọi cơ sở giáo dục phải tuân theo nội dung của luật Sharia hà khắc của họ. Đó là điều đáng lo ngại đối với người dân địa phương.
Trong thời kỳ cai trị từ năm 1996 đến năm 2001, Taliban đã cấm phụ nữ và bé gái tiếp cận giáo dục, đồng thời hạn chế quyền chăm sóc sức khỏe của họ. Sau khi Taliban bị tước đoạt quyền lực, phụ nữ đã giành lại vị trí trong các hoạt động xã hội và chiếm 1/4 số ghế quốc hội.
Hiện tại, Taliban đang ngày càng lớn mạnh. Vào tháng 8, các tay súng đã tấn công nhiều trung tâm đô thị hơn - chiếm 1/3 thủ phủ của khu vực, bao gồm Kunduz ở phía bắc và Taloqan ở tỉnh Takhar. Tuần này, họ đã chiếm đóng Herat ở phía tây, và Kandahar và Lashkar Gah ở phía nam. Đây đều là những thành phố quan trọng về mặt chiến lược và mang tính biểu tượng với hơn một triệu dân sinh sống.
Những cuộc giao tranh đã cướp đi mạng sống con người. Liên Hợp Quốc cho biết hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng tính đến tuần đầu tiên của tháng 8. Hàng trăm nghìn người cũng đã phải rời bỏ nhà cửa.
Bất cứ đâu mà Taliban cai trị đều có sự thay đổi rõ ràng.
Anh Jan cho biết: “Bạn phải cúi đầu để sống”.
“Bạn không dám chống lại họ. Bạn không thể nói những điều chống lại họ. Nếu họ nói ‘có’, bạn phải nói ‘có’. Nếu họ nói ‘không’, bạn cũng phải nói ‘không’”.
Nooria nói rằng nỗi sợ hãi như vậy đã thống trị. “Mặc dù mọi người trông có vẻ thoải mái, nhưng khi bạn nói chuyện với họ, bạn hiểu được những lo lắng nghiêm trọng của họ. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau, cầu chúa mang phiến quân đi khỏi chúng tôi ”.
(*) Tên của người dân đã được BBC thay đổi