Ngày 22/6, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) tiếp nhận thai phụ Lê Thị Na (29 tuổi, ở Bình Dương) đang mang thai tuần thứ 14 bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng (Phó khoa Nhiệt đới), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chân bị sưng và rối loạn đông máu. Các bác sĩ đã sơ cứu rửa vết thương và truyền huyết thanh cho bệnh nhân. Do được đưa đến bệnh viện kịp thời nên vết thương không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ con thai phụ.
Chị Na cho biết, chiều 22/6 chị đi vào rừng cạo mủ cao su, do trời mưa, cỏ rậm rạp không để ý phía dưới chân nên đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Sau khi vào trạm y tế sơ cứu ban đầu, cán bộ y tế đã chuyển chị tới bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
"Nếu thai phụ không đến bệnh viện điều trị kịp thời sẽ bị sẩy thai hoặc sinh non", bác sĩ điều trị cho bệnh nhân này cho hay.
Cũng theo bác sĩ Hùng nhiều bệnh nhân bị rắn cắn không được đưa tới bệnh viện điều trị kịp thời khiến vết thương bị hoại tử do băng ca rô không đúng cách. Một số người khác lại nghe các thầy lang đắp các loại lá cây cũng gây nhiễm trùng vết thương.
"Hiện, các cơ sở y tế đều có huyết thanh kháng nọc nên trong vòng 6 giờ bị rắn cắn bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Một bệnh nhân ở Đắk Nông bị rắn lục đuôi đỏ cắn, sau 3 ngày điều trị vết thương, chân của bệnh nhân này vẫn bị sưng, phù. |
Theo thống kê, từ đầu tháng 6 tới nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 111 ca (từ các tỉnh thành phía Nam chuyển đến) bị rắn cắn. Trong đó có 80 ca là do rắn lục đuôi đỏ cắn. Số bệnh nhân còn lại bị các loại khác như rắn hổ, cạp nong, cạp nia.
Mới đây có một số thông tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở TP HCM, theo bác sĩ Hùng rắn nhiều là do vào mùa mưa, mùa sinh đẻ của chúng. Nhưng số người bị loại rắn này cắn không tăng.
Theo thống kê cứ vào các tháng 6-8 hàng năm, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân bị rắn. Trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị chữa khỏi cho từ 800-1.000 người.
Sau nhiều năm điều trị khỏi cho bệnh nhân bị các loại rắn cắn, nên cứ vào mùa mưa bệnh viện lại tăng cường thêm huyết thanh kháng nọc độc để truyền cho bệnh nhân. Hiện, ở TP HCM người dân hay bị rắn cắn là ở các quận 9, 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi. Còn lại là bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước… chuyển đến.